Đó là thạc sỹ Dương Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ. Trong nhiều năm liền, trung tâm là đơn vị điển hình "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào thực tiễn tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.
Đó là thạc sỹ Dương Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ. Trong nhiều năm liền, trung tâm là đơn vị điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào thực tiễn tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.
|
Thạc sỹ Dương Văn Đông (bên trái) cùng các chuyên gia tại trụ sở Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) ở Áo |
Sinh năm 1960, người thành phố Tuy Hòa, Phú Yên, ông Dương Văn Đông học Đại học Đà Lạt niên khóa 1980 - 1984 chuyên ngành Hóa phóng xạ. Tốt nghiệp ông nhận công tác tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và làm việc ở đây từ đó đến nay.
Là trưởng phòng rồi Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, thạc sỹ Dương Văn Đông đã góp phần không nhỏ đưa một phòng với vài cán bộ ban đầu lên thành một trung tâm nghiên cứu lớn của viện với 17 cán bộ có chuyên môn cao như hiện nay. Trung tâm này là nơi duy nhất tại Việt Nam trực tiếp nghiên cứu, điều chế đồng vị phóng xạ cùng các dược chất phóng xạ cung cấp cho các bệnh viện trong nước có khoa y học hạt nhân đang hoạt động tại Việt Nam.
“Kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ ứng dụng rất nhiều trong đời sống kinh tế - xã hội, công nghiệp nông nghiệp, là công cụ đắc lực trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, viện và trung tâm tập trung vào các ứng dụng trong y học và xác định đây là mũi nhọn của đơn vị” - ông Đông cho biết.
Năm 1984, khi Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được đưa vào hoạt động trở lại, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt với đơn vị ông làm nòng cốt đã bắt đầu hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện trong nước để thành lập các khoa Y học hạt nhân. Từ 2 khoa Y học hạt nhân năm 1984, cả nước hiện nay đã có 25 khoa Y học hạt nhân tại các bệnh viện Trung ương lớn như Bạch Mai, Quân Y viện 108, Quân Y viện 103 tại Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cho đến các các bệnh viện tuyến tỉnh của rất nhiều địa phương trong nước. Các bệnh viện sử dụng phóng xạ để điều trị và chẩn đoán bệnh cho người dân.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) và gần đây là sự đầu tư rất mạnh của ngân sách nhà nước, Trung tâm hiện đang sở hữu và vận hành nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất các đồng vị phóng xạ dùng trong y học hạt nhân như dây chuyền sản xuất đồng vị I-131; dây chuyền sản xuất máy phát Tc-99m dựa trên cơ sở công nghệ máy phát TC-99m dạng gel Titanium và Ziconium - Molybdate do Trung tâm nghiên cứu phát triển; dây chuyền sản xuất P-32 dạng dung dịch tiêm và dạng tấm áp điều trị bệnh ngoài da; dây chuyền sản xuất Cr-51, Sm-153, các dược chất đánh dấu (Kit) và gần đây hợp tác với Hàn Quốc để sản xuất Lu-177 dùng trong điều trị và chẩn đoán ung thư.
Cho đến nay, tính trung bình mỗi năm trung tâm sản xuất trên 400 Ci các loại đồng vị phóng xạ để cung cấp cho các cơ sở y tế trong nước. Cũng cần biết gần 98% lượng chất phóng xạ sản xuất trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay là để phục vụ cho y học hạt nhân. Hay nói cách khác, Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ chính là đơn vị hoạt động tích cực nhất hiện nay tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.
Gần đây, do công sức của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt khá thấp (500 KW) dù đã tăng giờ hoạt động hằng tháng nhưng trung tâm cũng chỉ cung cấp khoảng 50% sản phẩm cho nhu cầu trong nước. Trung tâm đã phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để điều chế.
Với tư cách là lãnh đạo trung tâm, ông Đông cùng cán bộ của mình không ngừng nghiên cứu sản xuất, nội địa hóa đa dạng hóa nhiều sản phẩm mới cho thị trường y học hạt nhân trong nước. “Mục tiêu chúng tôi khi nội địa hóa là để hạ giá thành sản phẩm xuống thấp hơn so với giá nhập ngoại nhưng chất lượng sản phẩm vẫn đạt an toàn phóng xạ, an toàn cho bệnh nhân theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và IAEA. Đâu phải người bệnh ai cũng có khả năng tài chính để đáp ứng hết được, nhất là ung thư vì việc điều trị ung thư rất lâu dài và tốn kém. Sản xuất được trong nước sẽ có giá thành hạ để mọi người dù nghèo cũng có thể tiếp cận được” - ông Đông cho biết.
Làm việc trong môi trường phóng xạ theo ông Đông cũng có những rủi ro tiềm ẩn nhất định, đòi hỏi người công tác phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình an toàn phóng xạ, nắm vững thành thạo chuyên môn nghiệp vụ của mình, tập trung cao, không được bất cẩn trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nghiên cứu về y học hạt nhân với rất nhiều ứng dụng trong thực tiễn đang là một ngành rất hấp dẫn, tương lai rộng mở tại Việt Nam nhưng vẫn còn rất ít lớp trẻ theo đuổi vì e dè và chưa hiểu hết, chưa có nhiều thông tin về chúng. Việc phát triển nguồn nhân lực cho hạt nhân tại Việt Nam vẫn còn rất hạn hẹp. Theo ông Đông, chỉ trong lĩnh vực y học hạt nhân ngành đang rất cần những người trẻ có tài nghiên cứu về hóa phóng xạ, dược phóng xạ, sinh phóng xạ và vật lý hạt nhân để công tác trong lĩnh vực này, đưa Y học hạt nhân Việt Nam bắt kịp tầm quốc tế.
Là một chuyên gia đầu ngành trong cả nước trong lĩnh vực của mình, ông Đông bên cạnh làm công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học còn tích cực tham gia đào tạo đội ngũ kế cận đang làm việc cùng ông tại trung tâm, tham gia hướng dẫn luận văn cho sinh viên trong nước, tham gia các đề tài cấp nhà nước, các nghiên cứu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các chương trình của IAEA.
Trung tâm với sự lãnh đạo của ông trong nhiều năm nay luôn là một tập thể lao động xuất sắc dẫn đầu của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ tặng Bằng khen, được Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen thành tích xuất sắc nhiều năm liền (từ 2009 - 2013) trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
VIẾT TRỌNG