Phong trào "người tốt, việc tốt" ngày càng lan rộng

03:02, 19/02/2014

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống Thi đua yêu nước (11/6/1948 - 11/6/2013), ngày 7/6/2013, UBND tỉnh đã phát động cuộc thi viết "Gương người tốt, việc tốt" tỉnh Lâm Đồng năm 2013. 

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống Thi đua yêu nước (11/6/1948 - 11/6/2013), ngày 7/6/2013, UBND tỉnh đã phát động cuộc thi viết “Gương người tốt, việc tốt” tỉnh Lâm Đồng năm 2013. 
 
Các điển hình người tốt, việc tốt trong các tác phẩm đoạt giải cao (linh mục Nguyễn Hưng Lợi - Lâm Hà; Ha Lên - Lạc Dương; Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và tác giả Vương Thể Thao - Bảo Lâm) giao lưu với đại biểu dự lễ trao giải Cuộc thi viết “Gương người tốt, việc tốt Lâm Đồng năm 2013” - Ảnh: VB
Các điển hình người tốt, việc tốt trong các tác phẩm đoạt giải cao (linh mục Nguyễn Hưng Lợi - Lâm Hà; Ha Lên - Lạc Dương; Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và tác giả Vương Thể Thao - Bảo Lâm) giao lưu với đại biểu dự lễ trao giải Cuộc thi viết
“Gương người tốt, việc tốt Lâm Đồng năm 2013” - Ảnh: VB
 
Trong thời gian 5 tháng (từ 1/7/2013 đến 30/11/2013), Ban Tổ chức đã nhận được trên 1.200 bài viết dự thi của các cá nhân và tập thể… Trong đó, cấp huyện, thành phố khoảng 780 bài (Đức Trọng 258 bài, Lâm Hà 185 bài, Lạc Dương 124 bài, Đà Lạt 100 bài…); các sở, ban, ngành thuộc tỉnh khoảng 260 bài (trong đó Sở Giáo dục - Đào tạo tham gia 15/202 bài qua sơ loại, Báo Lâm Đồng 37 bài, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 25 bài…). Bài dự thi đầu tiên gửi đến vào ngày 5/8/2013 của ông Nguyễn Quốc Hương - Trung tâm Y tế Cát Tiên… 
 
Theo Ban Giám khảo cuộc thi: Trong thời gian không dài song số lượng tác phẩm tham dự cuộc thi tương đối nhiều, đa dạng và phong phú, phản ánh toàn diện về gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; có nhiều đối tượng được phản ánh như người cao tuổi, học trò, các chức sắc tôn giáo…
 
Vấn đề tập trung, xuyên suốt nhiều tác phẩm dự thi là chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cải cách hành chính, đại đoàn kết toàn dân tộc… Từ trên ngàn bài dự thi, Ban Giám khảo sơ tuyển và chọn được 42 tác phẩm vào chung khảo. Tác phẩm vào chung khảo bên cạnh yêu cầu kỹ thuật (hình thức thể hiện) đạt yêu cầu, đã có nội dung, đề tài phản ánh khá rõ nét phong trào người tốt, việc tốt tại các huyện, thành trong tỉnh, trên các lĩnh vực của đời sống và đặc biệt là có sự xuất hiện của đại diện nhiều ngành, nhiều giới. Trên cơ sở chung khảo đã chọn được 16 tác phẩm để trao giải (1 Nhất, 2 Nhì, 3 giải Ba và 10 Khuyến khích).
 
Điểm qua chất lượng của giải lần này: “Lãnh đạo gần dân, sát dân” là bài viết giới thiệu chân dung đồng chí Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy của tác giả Huỳnh Thảo đã đoạt giải nhất. Đây là bài viết về một trong những người đứng đầu tỉnh - Đề tài và đối tượng phản ánh là sự thách thức với người viết nếu như tác giả không am hiểu quá trình, bề dày công tác, cống hiến của nhân vật và thiếu cẩn trọng trong từng lời bình… Thế nhưng với sự chi tiết và đảm bảo tính khái quát về quá trình công tác trên các cương vị được giao có sức thuyết phục, bài viết tập trung thể hiện phong cách lãnh đạo gần dân, sát dân; vai trò “đầu tầu” của Trưởng Ban Dân vận nên tác phẩm đã tạo ấn tượng tốt, mở ra nhận thức và kiến thức mới cho người đọc. Đặc biệt là ở đoạn kết đã nêu được suy nghĩ, trăn trở mang tính tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm của nhân vật trong công tác dân vận hiện nay. Đó là “phải luôn luôn tìm cách đổi mới nội dung, phương thức hoạt động…, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân một cách có hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh…”.
 
Ở 1 trong 2 bài được giải Nhì cũng là bài viết về người đứng đầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S với chủ đề “Một người lãnh đạo vừa là nhà khoa học hết lòng vì nông dân” của Vương Thể Thao. Bài viết đã đạt những ưu điểm về nội dung, hình thức thể hiện và giàu sức thuyết phục.
 
Nếu 2 tác phẩm đoạt giải cao trên là bài viết về chân dung của “người đứng đầu”, nhà lãnh đạo tỉnh… thì chúng ta càng tâm đắc khi thấy cũng đồng giải Nhì lại thuộc về bài viết về chàng thanh niên dân tộc thiểu số mang công nghệ thông tin về buôn làng (Nhóm tác giả thuộc Huyện Đoàn Lạc Dương). Bài viết giới thiệu anh thanh niên Ha Lên (dân tộc K’Ho ở xã Đa Sar), sinh viên chuyên ngành tin học Đại học Đà Lạt. Ở con người có hoàn cảnh còn khó khăn “gia đình có 6 anh em, cuộc sống ngày càng chật vật, việc làm nương cuốc rẫy chỉ đủ ăn và trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình”…thế nhưng với niềm say mê công nghệ thông tin, Ha Lên rất ham nghiên cứu, học hỏi… Không chỉ thế, anh còn có ước muốn “Mình biết cái vi tính hiện đại, và rất có ích trong cuộc sống thì tại sao không đem kiến thức về dạy cho thôn xóm mình”… Từ động cơ trong sáng ấy, khởi đầu anh đã mượn 4 máy vi tính về thôn mở lớp… Trải qua 6 năm mở lớp miễn phí cho học sinh dân tộc nghèo, Ha Lên đã có ngót 400 học trò được phổ cập kiến thức Tin học trình độ A, B… Từ năm 2007 đến nay, ngôi nhà của anh trở thành “mái trường không tên”, nơi làm quen và bồi dưỡng trình độ vi tính, hé mở cánh cửa cho bao nhiêu học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bước vào thế giới tương lai. Giờ đây, không chỉ học sinh mà cán bộ xã cũng theo lớp của Ha Lên. Không chỉ mang công nghệ thông tin về buôn làng, Ha Lên còn nhiệt tình tham gia công tác Đoàn - Hội ở địa phương, được tham dự Liên hoan, biểu dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” toàn quốc do Trung ương Đoàn tổ chức đầu năm 2008 tại Đà Nẵng… Qua tác phẩm đoạt giải Nhì này, chúng ta thấy Ha Lên xứng đáng là bông hoa “người tốt, việc tốt” của núi rừng Nam Tây Nguyên!
 
Trở lại tính toàn diện, đa dạng của các tác phẩm đoạt giải cũng cần điểm đến bài viết “Chàng già làng dưới chân núi Mẹ” (Nguyễn Thị Tuyết Sang - Phòng Tài nguyên - Môi trường Lạc Dương) đã phản ánh sinh động về gương điển hình, nhân tố mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Bài đoạt giải Ba này viết về Krajan Plin (thị trấn Lạc Dương), là người con dân tộc Lạch dưới chân núi Lang Bian hùng vĩ, người thủ lĩnh của Nhóm nhạc “Những người bạn Lang Bian”. Nhân vật là người có uy tín trong cộng đồng, say mê âm nhạc và văn hóa truyền thống. Từ năm 1995 đến nay có nhiều công nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu, lưu giữ âm nhạc bản địa của người K’Ho… Điều đáng nói là không chỉ sáng tác, thu đĩa CD, đăng tải trên Internet để chia sẻ niềm đam mê ca khúc đại ngàn với đông đảo công chúng mà Krajan Plin đã dày công nghiên cứu viết sách Luật tục K’Ho Lạch với ước nguyện phổ biến, bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Giữa cơn lốc kinh tế thị trường, giữa tác động mặt trái của sự hội nhập toàn cầu rất nên có những nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống như Krajan Plin!
 
Thêm một tác phẩm đoạt giải Ba nữa cần đề cập là bài “Một lòng trọn vẹn đạo và đời” của tác giả Tĩnh Xuyên, Báo Lâm Đồng. Là nhà báo có điều kiện thâm nhập thực tế trên phạm vi rộng, nhiều chiều - Tác giả viết khá sung sức, tham gia 16 bài với chất lượng khá đều tay... Đây là bài viết súc tích, nêu bật được việc làm và nội tâm của linh mục Nguyễn Hưng Lợi (Chánh xứ quản xứ Phú Sơn, Lâm Hà) khi hướng thiện. Linh mục không chỉ có uy tín trong giáo dân mà ông được cộng đồng xã hội nể trọng từ cách ứng xử, lối sống mẫu mực đến trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia tích cực nhiều phong trào thi đua yêu nước rất hiệu quả. Thật giản dị, đi vào lòng người khi linh mục chỉ rõ cho mọi người: một đất nước, một địa phương mà kinh tế đi lên thì bà con mới hạnh phúc. Khi người ta đủ ăn thì mới thấy việc đạo vui được, nếu người ta đói người ta không lo được việc đạo cho tốt và cũng không cộng tác để làm việc đời cho tốt được… Nghe lời linh mục, nhiều gia đình đã từ chỗ nghèo trở thành khá, có những gia đình rất giàu, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có đời sống kinh tế tốt… Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, linh mục còn hết sức chăm lo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực xã hội - từ thiện, phát triển giáo dục, y tế, góp sức xây dựng nông thôn mới… Ông đã trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước 2008 - 2013 của tỉnh Lâm Đồng. 
 
Còn rất nhiều tác phẩm đoạt giải xứng đáng được phân tích, thế nhưng có một bài viết cũng đoạt giải Ba đồng hạng, đã phát hiện và thể hiện khá cảm động về tấm gương một thiếu nữ khiếm thị, vượt qua tật nguyền để đi về phía ánh sáng mặt trời. Đó là tác phẩm “Trong em, mặt trời vẫn thức giấc mỗi ngày” (Tuấn Linh, Báo Lâm Đồng). Tác phẩm phản ánh nhân vật Lê Dương Thể Hạnh (Đà Lạt) là thông dịch viên, trợ lý Giám đốc một công ty lớn và đang có một tương lai rộng mở thì bị bệnh hiểm nghèo khiến mắt mù, mặt biến dạng, tai không nghe rõ, chân không vững để bước đi. Số phận nghiệt ngã như vậy, song Hạnh đã động viên mình: Phải sống và đáng sống! Và cô xúc tiến dạy tiếng Anh, Nhật cho các em khiếm thị, dạy tiếng Việt qua máy tính cho người nước ngoài… Đồng thời, cô cũng là tấm gương kiên trì luyện tập thể dục để có sức khỏe dạy học, điều hành trang Web “Sắc màu cuộc sống”… Thành công gần đây nhất của Hạnh là sự ghi nhận của Quỹ Bill&Melida Gates với một giải Nhì, một giải phụ Gương mặt truyền thông cơ sở xuất sắc nhất trong cuộc thi “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống”… Tấm gương giàu nghị lực vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã, luôn vươn tới khát vọng tươi sáng của Lê Dương Thể Hạnh thật xứng đáng để xã hội ghi nhận và học tập.
 
Qua đánh giá chất lượng tác phẩm cuộc thi viết về “gương người tốt, việc tốt” tỉnh Lâm Đồng năm 2013 cho thấy, cuộc thi đã bước đầu thành công, ghi nhận phong trào thi đua yêu nước ở Lâm Đồng đã lan rộng, trở thành ý thức trong đời sống xã hội. Phong trào xuất hiện nhiều điển hình, tiên tiến ở các giai tầng, từ nhà lãnh đạo quản lý đến những em học sinh… rất cần được khuyến khích, biểu dương và nhân rộng.
 
NGUYỄN THANH