Sống để yêu thương

04:02, 19/02/2014

Dự định nhiều lần đến thăm thầy giáo cũ nhưng mấy năm trôi qua với bộn bề cuộc sống, mãi đến khi nghe tin thầy vừa cho ra đời một tập truyện ngắn đầu tay, tôi liền đến chúc mừng và mới có một buổi trò chuyện thực sự cùng thầy.

Dự định nhiều lần đến thăm thầy giáo cũ nhưng mấy năm trôi qua với bộn bề cuộc sống, mãi đến khi nghe tin thầy vừa cho ra đời một tập truyện ngắn đầu tay, tôi liền đến chúc mừng và mới có một buổi trò chuyện thực sự cùng thầy.
 
Thầy Nguyễn Mậu Pháp - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bán trú Lang Biang, Lạc Dương tặng sách cho đoàn từ thiện đến thăm trường
Thầy Nguyễn Mậu Pháp - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bán trú Lang Biang, Lạc Dương tặng sách cho đoàn từ thiện đến thăm trường
 
Tận tâm với nghề
 
Cuối buổi trưa một ngày đầu Xuân, khi nghe thầy trả lời qua điện thoại: “Em đến trường đi, thầy mới vừa xong tiết dạy”, tôi vội vàng chạy xe hơn 10 cây số để về thăm trường cũ. Thầy vẫn như ngày nào, cao, gầy, giọng nói vẫn trầm ấm, chỉ có mái tóc là bạc đi nhiều. Thầy đón tôi trong sân của một ngôi trường khang trang chứ không còn là mấy phòng học ọp ẹp của hơn 10 năm về trước. 
 
Ngày đó, học sinh ở Lạc Dương học xong cấp 2 phải đến học tại các trường cấp 3 ở thành phố Đà Lạt. Phân hiệu Trường THPT Đống Đa ở Lạc Dương được thành lập trong những ngày đầu chỉ vỏn vọn 2 lớp học, cơ sở vật chất khá đơn sơ, nghèo nàn, lạc hậu, nhưng đó là niềm vui vô ngần của phụ huynh và học sinh ở huyện. Thầy Nguyễn Mậu Pháp được phân công làm phân hiệu trưởng và tham gia giảng dạy tại trường cùng một số thầy cô khác với những tâm tư: 
 
Ta cùng về Lạc Dương
Về Lang Biang đại ngàn gió lộng
Nơi khó khăn là nơi gieo mầm sống
Cho cây đời bé bỏng mãi vươn lên…
(Lưu dấu một thời - Ngũ Hành Sơn).
 
Lũ học trò chúng tôi ngày ấy không thể quên hình ảnh của một người thầy gầy guộc trên chiếc xe đạp cà tàng sáng sớm đạp hơn 10 cây số trên con đường gồ ghề sỏi đá để đến với học sinh vùng núi, trưa ở lại chỉ gói mì chay (thầy chay lạc từ nhỏ). Trời mùa đông ở núi rừng giá lạnh, chỉ một chiếc áo len mỏng mặc ngoài nhưng thầy đã không ngại ngần cởi ra để tặng cho một học sinh ngồi run trong lớp vì trên mình chỉ có một manh áo vá. Và cậu học trò nghịch ngợm ngày ấy đã cảm động quyết không ham chơi lo chí thú vào học hành. Biết bao lứa học trò đã lớn lên, ra trường và trưởng thành từ những bài giảng, những vần thơ, câu văn đầy chất nhân văn của thầy. Con đò thầy cứ lặng lẽ chở hết thế hệ học trò này đến thế hệ học trò khác qua bến yêu thương. Những giáo viên về trường cùng lúc với thầy cứ lần lượt xin chuyển trường để về một nơi dạy mới gần nhà hơn, thuận lợi hơn. Riêng thầy xin ở lại đến khi Trường THPT Bán trú Lang Biang thành lập cho đến tận bây giờ. 
 
Môn Văn đối với nhiều học sinh rất khó “nuốt”, chỉ học vẹt theo sườn có sẵn cho đủ điểm trung bình, nhưng khi học với thầy, môn học này như được thổi hồn khiến học sinh biết cảm nhận và làm văn tốt hơn, giúp học sinh mở rộng lòng mình biết cảm thông chia sẻ và trang trải tình yêu thương đến với mọi người. Hơn 10 năm gắn bó với trường, trải qua những thăng trầm giờ đây thầy đã trở thành người quản lý giáo dục với chức danh Phó hiệu trưởng, nhưng thầy vẫn luôn gần gũi, giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là những người mới vào nghề. Phòng làm việc của thầy luôn là nơi thường xuyên ra vào của giáo viên, phụ huynh và học sinh, đến để học hỏi, để chia sớt nỗi buồn vui trong cuộc sống...
 
Sống để yêu thương
 
Sinh ra ở đất Quảng Nam - vùng đất khô cằn nắng bụi, mưa bùn, lớn lên trong một gia đình nghèo cha là nhà giáo, mẹ yêu văn chương nên trong giấc ngủ tuổi thơ của thầy luôn có những câu ca dao, những bài hát ru thấm đẫm tình người. Có lẽ vì vậy mà thầy rất yêu thơ ca và sớm hình thành năng khiếu văn chương. Thầy bắt đầu chập chững làm thơ từ khi mới học lớp 3. Lớn lên vừa đi học vừa đi làm, tảo tần tìm kế mưu sinh nơi đất khách quê người, vì vậy thầy luôn có sự đồng cảm với những kiếp người một nắng hai sương, gian truân trên bước đường đời. Chắc cũng vì lẽ đó mà trong thơ của thầy luôn chứa đựng tính nhân văn và tình yêu quê hương, yêu con người da diết. Người ta biết đến thầy với bút danh Ngũ Hành Sơn và nhiều bài thơ đăng trên các tờ báo, tạp chí. Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác trẻ, hội viên CLB Thư pháp, thầy đã cho ra đời tập thơ “Hương quê” và mới đây nhất là tập truyện ngắn “Tiếng chuông chiều”, nhưng khi gọi thầy là nhà văn - nhà thơ - nhà thư pháp, thầy mỉm cười mà không nhận. Thầy nói, làm thơ, viết văn hay viết thư pháp là do xuất phát từ lòng đam mê, thông qua những tác phẩm này để gửi gắm tiếng lòng của mình vào đó chứ không dám mong muốn sẽ trở thành người nổi tiếng, thầy chỉ mong được làm một con người chân chất và bình dị như bao người khác, chỉ thế thôi! 
 
Và điểm nổi bật trong các tác phẩm của Ngũ Hành Sơn, là hướng con người đến chân - thiện - mỹ - lòng yêu thương vô bờ bến của con người với vạn vật, với đất nước, quê hương. “Tiếng chuông chiều” cũng vậy, Ngũ Hành Sơn dùng hình ảnh một tiếng chuông trong buổi chiều tà - thời gian sắp hết của một ngày, trong buổi chiều thanh vắng bỗng vang lên một âm thinh sâu lắng thức tỉnh tận sâu thẳm tâm hồn con người, để mỗi chúng ta có thời gian suy nghĩ lại những việc mình đã làm, quên đi âu tư sầu lo, mang yêu thương trải rộng muôn nơi và đón chào ánh bình minh rực rỡ của một ngày mới tươi đẹp. 
 
Cũng bởi lẽ lấy hai chữ “Yêu thương” làm lẽ sống, mặc dầu tiếng đời khen chê không ít, nhưng thầy vẫn luôn dành thời gian cho công việc từ thiện. Tuy đồng lương giáo viên không nhiều, thầy vẫn sẵn sàng giúp đỡ học sinh hay đồng nghiệp gặp hoàn cảnh khó khăn. Thầy liên hệ nhiều nơi để được tài trợ sách vở, quần áo, lương thực, tiền mặt không chỉ cho học sinh của trường mà còn giúp đỡ những trường vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trên địa bàn. 
 
Với tấm gương mẫu mực ấy, bao thế hệ học sinh đã trưởng thành từ sự dìu dắt của thầy sẽ mãi không quên hình ảnh của một người thầy tảo tần, bình dị và sẽ luôn tâm niệm sâu sắc lời dạy của thầy: “Con người sống phải biết yêu thương, thế hệ trẻ các em phải biết vươn lên trong cuộc sống, phát huy trí tuệ và nhất là phải có cái tâm - đó là cái vĩnh cửu cao quý nhất, là chân lý sống bất diệt của muôn đời”. 
 
Ký chân dung: Tuấn Hương