Những ngày giáp Tết Giáp Ngọ, Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã bắt quả tang một lô hàng mang danh "đặc sản Đà Lạt" gồm gần 300 kg các loại mứt quả không có giấy tờ, không chứng minh được xuất xứ...
Những ngày giáp Tết Giáp Ngọ, Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã bắt quả tang một lô hàng mang danh “đặc sản Đà Lạt” gồm gần 300 kg các loại mứt quả không có giấy tờ, không chứng minh được xuất xứ. Đây chỉ một trong số ít các vụ việc được lực lượng chức năng xử lý với hành vi gian lận thương mại. Thương hiệu Đà Lạt đang bị gian lận ngay chính giữa mảnh đất “chính chủ”, ảnh hưởng xấu không chỉ tới môi trường kinh doanh mà cả môi trường du lịch và hình ảnh của thành phố.
Ông Kiều Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chia sẻ, việc gian lận thương hiệu Đà Lạt thường xảy ra trên những mặt hàng mang tính đặc sản, riêng có của Đà Lạt. Ở đây bao gồm các loại nông sản ôn đới có giá trị như khoai tây, dâu tây, hành tây và các loại mứt phục vụ khách du lịch sử dụng làm quà. Tuy nhiên, đường đi của hai loại sản phẩm này cũng có những điều khác nhau và gây ảnh hưởng xấu tới Đà Lạt theo những cách khác nhau.
Các loại nông sản ôn đới thường được nhập về từ Trung Quốc, sau đó trộn lẫn với hàng Đà Lạt rồi được đưa ra thị trường tiêu thụ. Đây là hành vi lừa dối nhằm trục lợi khách hàng, ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh, gây thiệt hại kinh tế cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng do không đạt chỉ tiêu chất lượng. Đơn cử như vụ việc vừa qua bà Nguyễn Thị Nguyệt trú tại Hòn Bồ, Thái Phiên, phường 12, Đà Lạt đã nhập 52 tấn khoai tây các loại trong đó có 26 tấn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn, phải xử phạt và tiêu hủy toàn bộ số khoai trên. Ông Kiều Xuân Việt nhấn mạnh: “Tôi xin nhắc lại, việc nhập hàng hóa từ các nước khác là hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật ủng hộ và tạo mọi điều kiện để thương nhân thực hiện giao thương buôn bán. Tuy nhiên, việc lập lờ về nguồn gốc này là gian lận thương mại, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và hình ảnh của nông sản Đà Lạt”. Ông Việt còn cho biết thêm, nếu trước đây thương lái thường nhập nông sản về Đà Lạt “làm màu”, sau đó chuyển về thành phố Hồ Chí Minh thì nay nông sản được trực tiếp chuyển về ngay tại đó, trộn cùng hàng Đà Lạt, vượt quá tầm kiểm soát của Lâm Đồng. Và để giải quyết việc gian lận thương hiệu Đà Lạt này cần sự liên kết của rất nhiều địa phương.
Với các mặt hàng đặc sản, thương lái thường nhập từ Trung Quốc về và bán ngay tại Đà Lạt dưới chiêu bài “đặc sản Đà Lạt”. Thực chất, rất nhiều mặt hàng trong số các loại mứt quả được bày bán đó không phải của Đà Lạt và theo ông Việt, ngay cả sản phẩm hồng khô, một sản phẩm truyền thống của Đà Lạt nay cũng đã có hàng Trung Quốc trà trộn. Khách mua đặc sản Đà Lạt về sử dụng, làm quà đều ít ngờ mình đang mua hàng Trung Quốc. Ông Việt khẳng định: “Chúng tôi cương quyết xử lí việc hàng đặc sản mạo danh Đà Lạt qua các đợt kiểm tra định kỳ và cả kiểm tra bất ngờ. Đây là một trong những hành vi gian lận thương mại gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của thành phố Đà Lạt đồng thời làm thiệt hại cho du khách”. Ông Việt cũng khuyến cáo khách du lịch nên mua hàng tại những điểm có niêm yết giá cả cũng như sản phẩm có ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh tình trạng lập lờ trộn hàng của người bán. Việc người dân làm “người tiêu dùng thông minh” góp phần rất lớn cùng các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tốt thương hiệu Đà Lạt.
Thương hiệu Đà Lạt đang bị gian lận ngay tại mảnh đất phát sinh, giải quyết vấn đề này đang là câu hỏi đặt ra với rất nhiều ngành nhiều cấp và cả sự chung tay của người tiêu dùng.
Diệp Quỳnh