Việt Nam: Nhân quyền ngày càng được cải thiện

03:02, 12/02/2014

Ngày 5/2, tại Geneva, Thụy Sỹ, phiên Kiểm điểm Định kỳ phổ quát (UPR) về tình hình nhân quyền Việt Nam được thực hiện tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam mới trở thành thành viên với kết quả 184/192 phiếu, cao nhất trong số 14 nước được bầu bổ sung ngày 12/11/2013.

Ngày 5/2, tại Geneva, Thụy Sỹ, phiên Kiểm điểm Định kỳ phổ quát (UPR) về tình hình nhân quyền Việt Nam được thực hiện tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam mới trở thành thành viên với kết quả 184/192 phiếu, cao nhất trong số 14 nước được bầu bổ sung ngày 12/11/2013.
 
Các nhà báo ở Lâm Đồng trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp nước ngoài. Ảnh: PVE
Các nhà báo ở Lâm Đồng trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp nước ngoài. Ảnh: PVE
 
Ở nước CHXHCN Việt Nam, con người là động lực và mục tiêu chủ yếu của công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được gắn kết và ngày càng phát triển, ngày càng được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm cả về luật pháp, thể chế và thực tế; được cụ thể hóa trong các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; được minh chứng rõ nét trong những đổi thay từng ngày trên mọi mặt đời sống xã hội của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
 
Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…đã được khẳng định trong thời gian qua. Trong hầu hết các khuôn khổ đối thoại và hợp tác về quyền con người cả song phương lẫn đa phương, các nước và các đối tác quốc tế đều bày tỏ ghi nhận đối với những thành tựu Việt Nam đã đạt được, nhất là trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc…
 
Theo Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% các chỉ tiêu MDGs; trong đó, đạt và vượt trước thời hạn 5 trong 8 mục tiêu và có thể cơ bản đạt hết các mục tiêu còn lại vào năm 2015. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước LHQ Chống tra tấn. Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới và người dân sử dụng internet ở Việt Nam trên mức bình quân của thế giới. Hiến pháp sửa đổi đã nhận được trên 26 triệu lượt ý kiến đóng góp và được thông qua với trên 98% phiếu thuận tại Quốc hội Việt Nam hôm 28-11-2013 và là một khẳng định nâng tầm thể chế về quyền con người ở Việt Nam cả bề rộng và bề sâu.
 
Bảo đảm nhân quyền dù ở quốc gia nào cũng phải là một quá trình và quá trình này ở Việt Nam luôn được cải thiện, từng bước tuân thủ theo Công ước Nhân quyền của Liên hợp quốc, theo đó coi quyền con người là giá trị phổ quát, đồng thời cũng cần tính đến những đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi khu vực và những hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo khác nhau.
 
Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 
Thực tế đã, đang và sẽ còn tiếp tục cho thấy, quốc gia nào cũng có vấn đề về quyền con người cần giải quyết (như tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng và tham nhũng, tham ô). Bất kỳ quốc gia nào dù có làm tốt đến đâu vẫn luôn có những thế lực tìm cách bới móc, chỉ trích vấn đề nhân quyền. Cũng như vậy, Việt Nam luôn bị một số tổ chức và cá nhân muốn áp đặt cách nhìn phiến diện, thiếu khách quan vì những mưu đồ, động cơ chính trị ích kỷ, thiếu thiện chí khác nhau, nên thường không ngại ngần đưa thông tin sai lệch, bị cắt xén, ngộ nhận, thiếu khách quan, kể cả vu cáo dựa trên những bằng chứng tản mạn, thiếu bản chất và kiến nghị cực đoan về tình trạng nhân quyền…Vì vậy, tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin để hiểu đúng, đầy đủ, đồng thời kiến nghị và chấp nhận tiếp tục thực hiện những vấn đề cần thực hiện trong khuôn khổ các cam kết và chuẩn mực về nhân quyền quốc tế phải trở thành phương châm hành xử chung trong bối cảnh quốc tế và trong mỗi nước đầy phức tạp hiện nay.
 
Cơ chế kiểm điểm định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện các quyền con người ở tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Với vị thế thành viên Hội đồng Nhân quyền, chắc chắn Việt Nam nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các nước. Năm 2009 là lần đầu tiên Việt Nam tham dự kiểm điểm về tình hình bảo đảm các quyền con người với Báo cáo giới thiệu tổng thể về hệ thống pháp luật, chính sách và thành tựu của ta trong lĩnh vực quyền con người.
 
Theo hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền, Báo cáo kiểm điểm lần hai sẽ tập trung giới thiệu việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận từ lần kiểm điểm trước, đồng thời thông tin thêm về những phát triển mới, những thành tựu Việt Nam đã đạt được trên thực tế, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên như xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số… Quá trình soạn thảo Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR lần hai với sự tham gia của 18 Bộ, ngành, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ và Quốc hội và sự tham gia tích cực và rộng rãi của các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng dân cư, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như của mọi người dân quan tâm. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Việt Nam đã đáp ứng hầu hết (trên 80%) trong số 123 khuyến nghị mà các nước đưa ra cho Việt Nam trong phiên Kiểm điểm Định kỳ đầu tiên năm 2009.
 
Kết quả phiên họp kiểm định lần hai này sẽ góp phần để Việt Nam-thành viên Hội đồng Nhân quyền-tiếp tục đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam…
 
TS (Theo Báo Nhân Dân)