"Vườn ươm" đầu tiên đạt chuẩn ở huyện nghèo Đam Rông

05:02, 27/02/2014

(LĐ online) - Đám trẻ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ở Đam Rông đã thực sự có một ngôi nhà lý tưởng, nơi đủ đầy điều kiện để cho chúng bắt đầu những ước mơ tuổi thơ.
 

(LĐ online) - Ở Lâm Đồng, khi nhiều địa phương vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng trường mầm non (MN), nơi chốn ăn học đàng hoàng cho trẻ, thì việc Trường MN xã Đạ Long, địa phương nằm trong “tâm nghèo” của huyện Đam Rông đã cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn của một trường MN Quốc gia mức độ 1, thực sự là niềm vui không chỉ riêng với những người nặng lòng với giáo dục vùng sâu.
 
Lộ trình đạt chuẩn của Trường MN Đạ Long được xây dựng trong một thời gian dài, với sự kết hợp của nhiều yếu tố. Công thức “Kế hoạch + giải pháp  cụ thể + bám sát tiêu chí của ngành + phù hợp với tình hình thực tế của địa phương” đã được vận dụng  rất linh hoạt. Thêm nữa, sự thành công ấy, không thể không nhắc đến sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường và sự quan tâm sát sao, hỗ trợ kịp thời của phòng giáo dục, huyện Đam Rông.
 
Các em được vui chơi như bất kỳ học sinh MN ở các trung tâm và thành phố lớn khác.
Các em được vui chơi như học sinh mầm non ở các trung tâm và thành phố lớn khác.
Nằm ở một xã nghèo, với vô vàn khó khăn, Trường MN Đạ Long đã xác định đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt có tính quyết định đến hiệu quả giáo dục. Nên nhà trường đã chú trọng chuyên sâu đến công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh toàn diện cả về phẩm chất chính trị, cũng như năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, đối với những phong trào thi đua dạy tốt, thi đồ dùng dạy học, viết sáng kiến kinh nghiệm, nhà trường luôn đề cao vai trò và lấy đội ngũ giáo viên làm hạt nhân. Cùng với yếu tố chuyên môn, nhà trường cũng đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, để hướng tới sự hoàn thiện trong việc chăm sóc, giáo dục cho trẻ.
 
Chia sẻ về điều này, cô giáo Phạm Thị Ngọc Bích – Hiệu trưởng Trường MN Đạ Long, cho biết: “Xây dựng, phấn đấu đưa trường đến mục tiêu trường MN đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1, chỉ là mục tiêu ban đầu của nhà trường. Phía sau bằng công nhận, hay tấm bảng danh hiệu, chúng tôi thực sự muốn mỗi ngày, hàng giờ  các em học sinh MN nơi đây có thêm một đồ dùng học tập, nơi chốn ăn học sạch sẽ, tươm. Đó mới là điều mang lại niềm vui, cho những người giáo viên MN đang gắn bó với vùng sâu Đam Rông, mảnh đất nghèo khó nhất của Nam Tây Nguyên”.
 
Hiện nay, Trường MN Đạ Long đã cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định đối với một trường MN. 100% giáo viên, nhân viên của nhà trường đã đạt trình độ chuẩn về đào tạo, trong đó 50% số giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Trong năm học 2012-2013 vừa qua, nhà trường có 57% số giáo viên, nhân viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến, trong đó có 3 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, có 78% giáo viên đạt loại khá và tốt. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường có 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần, không xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong nhà trường. Cơ sở vật chất trường lớp được đảm bảo, đồ chơi và đồ dùng học tập được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh.
 
Những con số, phần trăm thống kê trên có thể khiêm tốn với các trường MN tại các trung tâm, thành phố lớn, nhưng ở một xã nghèo như Đạ Long, lại là điều đáng mơ ước với bất kỳ một mái trường MN nào khác ở nông thôn.
 
các em học sinh MN Đạ Long đang được học tập dưới mái trường với đầy đủ điều kiện (1)
Các em học sinh MN Đạ Long đang được học tập dưới mái trường với đầy đủ điều kiện
Sự nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn của Trường MN Đạ Long đã được chính quyền địa phương ghi nhận, đồng thời đem lại niềm vui cho rất nhiều người dân nơi đây. Theo ông Hoàng Mạnh Huỳnh – Chủ tịch UBND xã Đạ Long: “Trường MN của xã, có thể nói là một trong những trường nằm trên một địa bàn mà đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn nhất của cả nước. Tuy nhiên, nhà trường đã biết phát huy nội lực và tận dụng được sự ủng hộ, quan tâm thường xuyên của chính quyền địa phương”.
 
Còn với chị Ha Liêng – người mẹ trẻ có hai con đang hàng ngày được sự chăm sóc của các “người mẹ thứ 2” nơi mái trường này thì đây lại là niềm vui không kể hết: “Vợ chồng tôi, hoàn toàn yên tâm gửi các con đến trường để toàn tâm cho việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ở đây, bọn trẻ được các cô chăm sóc cẩn thận, ăn uống, dạy dỗ đều hết sức đàng hoàng”.
 
Những kết quả đạt được trong việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 là cả quá trình nỗ lực và phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường MN Đạ Long. Kết quả này, là nền tảng vững chắc cho nhà trường tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp trồng người ở vùng sâu, vùng xa Đạ Long nói riêng và ở Đam Rông, một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước nói chung.
 
Ở mái trường MN Đạ Long, đám trẻ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số bản địa đã thực sự có một ngôi nhà lý tưởng, nơi đủ đầy điều kiện để cho chúng bắt đầu những ước mơ tuổi thơ.
 
Đăng Lộ - Đam Trọng