Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở - một nhiệm vụ xuyên suốt lâu dài

03:02, 23/02/2014

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là hoạt động rất quen thuộc của người dân trong cả nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng...

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là hoạt động rất quen thuộc của người dân trong cả nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Việc xây dựng đời sống văn hóa không chỉ dừng ở các hoạt động sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư mà bao gồm cả xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết chế văn hóa, gắn với các yếu tố xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa và gần đây gắn với xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội; việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào người dân tộc thiểu số... do đó đòi hỏi phải có sự quan tâm và tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
 
Giờ ra chơi của các cháu mẫu giáo. Ảnh: Phan Văn Em
Giờ ra chơi của các cháu mẫu giáo. Ảnh: Phan Văn Em
 
Xác định đây là công việc quan trọng và mang tính chất xuyên suốt lâu dài, do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên xây dựng văn hóa cơ sở đã trở thành một phong trào lớn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho đời sống văn hóa ở cơ sở thêm phong phú. Các Cuộc vận động như xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, buôn, khu phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học văn hóa”...  đã đưa ra chuẩn mực về đạo đức, lối sống của mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị; các danh hiệu đó chính là kết quả của một quá trình phấn đấu bền bỉ lâu dài trong mỗi gia đình và cộng đồng, và thông qua cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mà dần hình thành các nhân tố cơ bản như cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, từ đó làm cho đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được nâng lên rõ nét, mức hưởng thụ văn hóa ngày càng tăng, người dân được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng phổ cập và hiện đại.
 
Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập như: Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa thật sự bền vững, còn chạy theo thành tích; việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu công khai dân chủ, chưa dựa vào tiêu chí mà còn làm qua loa đại khái, có khi cào bằng để lấy thành tích, do đó làm cho phong trào chững lại, một số địa phương không tổ chức lễ trao giấy chứng nhận để tôn vinh những gia đình đạt danh hiệu mà chỉ lồng ghép vào các cuộc họp để cấp phát giấy chứng nhận; việc triển khai xây dựng và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa còn nể nang, dè chừng nhau, cho nên kết quả đạt được chưa cao; việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước còn nhiều hạn chế bởi các hiện tượng tiêu cực như tảo hôn, bạo lực gia đình, trộm cắp vặt, gây ô nhiễm môi trường... vẫn còn diễn ra nhưng chưa có các biện pháp chế tài phù hợp với điều kiện của từng địa phương; về thực hiện nếp sống văn minh và thực hành tiết kiệm trong tổ chức cưới, tang vẫn thực hiện chưa tốt và chưa có chế tài mạnh để xử lý khi vi phạm. Cơ sở vật chất kỹ thuật dành cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở còn nghèo nàn và thiếu thốn, nhiều nơi chưa có nhà thiếu nhi để tổ chức các lớp học năng khiếu cho thiếu niên, nhi đồng; các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng chưa hoạt động thường xuyên, có nơi chỉ chú ý xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa mà không quan tâm xây dựng phong trào, xây dựng con người, hoặc có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thi đấu nhưng chưa có điều kiện cần thiết để đi vào hoạt động, khiến cho nhà văn hóa, nhà thi đấu hoạt động cầm chừng hoặc bỏ không rất lãng phí, có khi việc trang bị cũng không phù hợp và cũng chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn theo quy định mới và hầu hết các nhà văn hóa xã cũng như nhà sinh hoạt cộng đồng đều chưa đạt chuẩn theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL, ngày 10/10/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đội ngũ cán bộ quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa còn thiếu, năng lực trình độ nghiệp vụ còn nhiều hạn chế...
 
Để đời sống văn hóa ở cơ sở thật sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân thì phải chú trọng cả 3 lĩnh vực là xây dựng phong trào, xây dựng bộ máy và xây dựng thiết chế văn hoá. Trước hết, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bổ sung và hoàn thiện hương ước, quy ước khu dân cư; thực hiện một cách hiệu quả Chỉ thị 27-CT/TW của Ban Bí thư về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đi đôi với việc giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và bản sắc dân tộc; chú trọng công tác bảo tồn và phát triển văn hoá các vùng miền, coi trọng giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hoá các dân tộc gốc Lâm Đồng, quan tâm nâng cao đời sống văn hoá ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng một đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở thật sự vững mạnh cả về trình độ văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn và khả năng tổ chức, vận động quần chúng; đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá thì bên cạnh việc đầu tư kinh phí của Nhà nước đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của các cơ sở thông qua việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, từ đó sẽ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, sự đóng góp của toàn xã hội. Một nội dung quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa đó là phải xây dựng một hệ thống thiết chế văn hóa từ cơ sở vật chất đến các phương tiện chuyên dùng để người dân có nơi hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao bởi có như vậy thì công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mới thực sự đảm bảo có chất lượng và ngày càng phát triển sâu rộng.
 
Thúy Vân - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy