Bảo Lâm giúp dân "đón hạn"

05:03, 11/03/2014

Trong nỗ lực tăng khả năng tưới, từ trước mùa khô 2013 - 2014, Bảo Lâm đã chủ động triển khai các biện pháp để giúp dân "đón hạn". 

Theo ông Đậu Văn Xuân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm: “Nguồn nước hiện có trên địa bàn (gồm các công trình thủy lợi và sông suối) có khả năng tưới trên 80% diện tích gieo trồng của huyện, nhưng trong thực tế, con số này chỉ là mơ ước, vì không phải công trình thủy lợi nào cũng vươn được đến vườn của dân và không phải người dân nào cũng có khả năng dẫn nước từ nguồn về nơi cần tưới”. Trong nỗ lực tăng khả năng tưới, từ trước mùa khô 2013 - 2014, Bảo Lâm đã chủ động triển khai các biện pháp để giúp dân “đón hạn”. 
 
Một trong những điểm bơm nước từ tuyến kênh N2 của Công trình Thủy lợi ĐakLong Thượng
Một trong những điểm bơm nước từ tuyến kênh N2 của Công trình Thủy lợi ĐakLong Thượng
 
Trữ nước trước mùa khô
 
Theo phụ lục báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm trong tháng 2/2014 thống kê năng lực tưới trong thực tế của các công trình thủy lợi và sông suối trên địa bàn huyện, thì chỉ được gần 20.000ha, chiếm gần 50% trong tổng số 40.567ha diện tích gieo trồng. Trong đó, 21 công trình thủy lợi lớn và vừa chỉ có thể tưới được cho hơn 3.500ha. Năng lực tưới có hạn, nên việc trữ nguồn nước tưới trước mùa khô là nhiệm vụ quan trọng của huyện. Ông Đậu Văn Xuân cho biết: “Ngay từ cuối mùa mưa 2013, ngành chức năng huyện đã chủ động tích nước đối với các ao, hồ thủy lợi; đồng thời, sửa chữa những hư hỏng và nạo vét, khơi thông dòng chảy. Nhiều giải pháp mang tính kỹ thuật cũng được khuyến cáo đến nông dân, như vận động dân sau thu hoạch cà phê tiến hành tỉa cành, tạo tán hợp lý nhằm giảm thiểu bốc hơi qua lá; đồng thời, tủ gốc giữ ẩm cho cây, vận động dân chuẩn bị các phương tiện chống hạn, đào ao tích nước, tận dụng nguồn nước tại các sông suối, ao hồ, khe rạch để chủ động nước tưới cho cây trồng”.  
 
Hiện mùa khô 2014 đang ở cao điểm. Tuy rằng từ sau tết, một số địa bàn ở Bảo Lộc, Bảo Lâm đã có mưa lớn, nhưng lượng mưa phân bổ không đều. Đến hiện tại, nhiều đợt nắng nóng đã xuất hiện và có xu hướng kéo dài khiến cho mực nước trên các sông, suối, ao, hồ đã xuống thấp. Nhiều diện tích trồng mới cuối năm 2013, đầu 2014 có thể sẽ bị ảnh hưởng. Trên địa bàn Bảo Lâm hiện có 14.468ha cà phê và hơn 7.000ha chè (chiếm 53% diện tích cà phê và chè) chưa được tưới hoặc mới được tưới 1 đợt. Ngành nông nghiệp địa phương đã và đang triển khai kế hoạch điều tiết, khuyến cáo nông dân tiết kiệm nước để có thể tưới 3 đợt cho cà phê. Nhiều giải pháp chống hạn đã được triển khai, nhưng dự báo nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 3/2014, thì sẽ có khoảng 4% cà phê (536ha) và 7% chè (479ha) của Bảo Lâm có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 
 
Ông Xuân cũng cho biết: “Có 6 trong 21 công trình thủy lợi của huyện hiện đã xuống cấp hoặc hư hỏng, không đảm bảo an toàn, khó thể phát huy công năng tưới, nếu không được sửa chữa kịp thời. Trong năm 2014, ngành đã đề xuất kế hoạch dành 31 tỷ đồng để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng 6 công trình thủy lợi, gồm hồ chứa nước thôn 2 (Lộc Bảo), hồ chứa nước An Bình (Lộc An), hồ chứa nước thôn 3 (Lộc Tân), hồ chứa nước ĐaHangLang (Lộc Phú), hồ chứa nước Tân Rai và hồ chứa nước Lộc Thắng. 6 hồ chứa nước này phục vụ tưới cho 1.160ha ở những vùng trọng điểm cà phê và chè của huyện”. Ngoài ra, từ năm 2014, huyện đã thống kê và lên kế hoạch xây dựng các hồ, ao thủy lợi nhỏ ở 81 vị trí thiếu nước cục bộ trên địa bàn. Một khi hoàn thành sẽ cải thiện khả năng tưới cho khoảng 5.000ha diện tích ở những vùng thường xuyên khô hạn.
 
Điểm sáng chống hạn ĐakLong Thượng
 
Không thể không đề cập đến điểm sáng chống hạn ở Công trình Thủy lợi ĐakLong Thượng trong bức tranh nỗ lực chống hạn ở Bảo Lâm. Công trình thủy lợi này có 2 tuyến kênh chính (N1: 9.800m và N2: 16.000m) dẫn về 2 xã Lộc Đức và Lộc Ngãi. Nếu mùa hạn năm 2012 - 2013, khi công trình mới được đưa vào sử dụng, khả năng tưới còn hạn chế vì hệ thống kênh nhánh chưa hoàn chỉnh, thì đến mùa hạn năm nay, công trình này đã có thể dẫn nước về cho người dân các thôn 5, 6, 8, 9, 13 và 14 của xã Lộc Ngãi và 2 thôn Thanh Bình, Tiền Yên của xã Lộc Đức. Ông Bùi Văn Vũ – Trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi Bảo Lâm (phụ trách Công trình Thủy lợi ĐakLong Thượng), cho biết: “Hồ ĐakLong Thượng có diện tích mặt nước 90ha, là hồ có công suất tưới lớn nhất ở Bảo Lâm (3.600ha theo thiết kế). Từ khi đưa vào sử dụng, công trình luôn đảm bảo nguồn nước cho người dân ngay cả thời kỳ cao điểm mùa khô hạn. Tuy nhiên, để cuối nguồn không thiếu nước tưới, chúng tôi triển khai lịch tưới luân phiên. Người dân sẽ đăng ký diện tích cần tưới và giờ tưới, ngày tưới. Trên cơ sở đó, trạm sẽ bố trí thời gian tưới cho từng khu vực. Hiện, 978 hộ dân ở Lộc Ngãi và Lộc Đức đã đăng ký tưới trên 1.100ha, nhưng theo năng lực tưới thực tế mà trạm khảo sát thì diện tích tưới đã lên đến gần 1.900ha. Tuy khả năng tưới trong thực tế chỉ mới đạt khoảng 50% so với thiết kế (do hệ thống kênh nhánh chưa hoàn thiện), nhưng phạm vi nguồn nước vươn tới được trong mùa khô năm nay đã gấp đôi năm ngoái”. 
 
Dạo một vòng dọc theo các tuyến kênh chính và kênh nhánh của Công trình Thủy lợi ĐakLong Thượng, điều ghi nhận được là nỗi vui mừng, phấn khởi của người dân khi nguồn nước về ngang cánh đồng. Anh K’Bích, người Châu Mạ ở thôn 13, xã Lộc Ngãi, cho biết: “Nguồn nước về gần vườn nên mình chỉ tốn công đầu tư máy, dầu và ống dây để bơm nước về. Chi phí đầu tư tưới giảm một nửa so với trước”. K’Bích cho biết, năm 2012 khi chưa có đủ nước, 2ha cà phê của anh chỉ cho thu hoạch 2 tấn/ha. Vụ thu 2013, khi được hưởng lợi từ nguồn nước ĐakLong Thượng, anh thu được 4,5 tấn/ha”.
 
Điều ghi nhận là hầu hết các hộ dân đều tưới vượt hơn so với diện tích đã đăng ký. Nếu trong bảng đăng ký, chỉ có những vườn cà phê nằm cách tuyến kênh chính tối đa từ 400 – 500 mét, thì trong thực tế, diện tích được tưới đã vượt xa rất nhiều. Anh Nguyễn Văn Hòa ở thôn 9, Lộc Ngãi, cho biết: “Vườn nhà tôi nằm trên đồi, cách xa tuyến kênh cả cây số. Tôi phải đầu tư 2 máy và 20 cuộn dây để kéo nước về tưới cà phê. Mỗi đợt tưới 20 tiếng, mất 60 lít dầu. Nhưng tôi sẵn sàng đầu tư để nguồn nước về đến vườn”. Theo anh, mức đầu tư như thế so với công năng tưới thì vẫn lợi rất nhiều so với trước đây khi tưới ao, vì mỗi ngày chỉ tưới được 1 – 2 tiếng và nguồn nước không ổn định. 
 
Cùng với Công trình Thủy lợi ĐakLong Thượng, việc tích nước hồ Cai Bảng (TT Lộc Thắng) với dung tích chứa lên tới 18 triệu m3 từ năm 2013 cũng cải thiện đáng kể nguồn nước thủy lợi trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Dẫu vậy, công tác chống hạn vẫn khó thể đồng bộ, nếu thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ nhiều giải pháp giữa chính quyền và người dân.
 
HẢI UYÊN - TRỊNH CHU