Bảo vệ rừng ở Hiệp An

04:03, 02/03/2014

Trên địa bàn xã Hiệp An (Đức Trọng) hiện nay có gần 4 ngàn hec ta đất lâm nghiệp, trong đó rừng phòng hộ là hơn 1 ngàn ha, rừng sản xuất là hơn 2,6 ngàn ha. Từ nhận thức về vai trò, vị trí, tác dụng của rừng đối với đời sống xã hội, hàng năm trong Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã về phát triển kinh tế - xã hội đều xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng và cần phải được chú trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Trên địa bàn xã Hiệp An (Đức Trọng) hiện nay có gần 4 ngàn hec ta đất lâm nghiệp, trong đó rừng phòng hộ là hơn 1 ngàn ha, rừng sản xuất là hơn 2,6 ngàn ha. Từ nhận thức về vai trò, vị trí, tác dụng của rừng đối với đời sống xã hội, hàng năm trong Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã về phát triển kinh tế - xã hội đều xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng và cần phải được chú trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện. Để người dân tích cực chung tay tham gia bảo vệ rừng, mặt trận và các đoàn thể tại địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và phổ biến những chính sách của Đảng, các quy định của Nhà nước về Luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến các thôn buôn trong xã. Lâu nay, người dân sống gắn bó với rừng, hưởng lợi từ rừng nhưng vẫn chưa hiểu hết vai trò, tác dụng của rừng đối với đời sống con người. Chính vì thế, công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, phát tin qua hệ thống truyền thanh của xã, giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép trong các cuộc họp của thôn... được chú trọng.
 
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những biện pháp để người dân bảo vệ rừng hiệu quả
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng là một trong những biện pháp để người dân bảo vệ rừng hiệu quả
 
Nội dung tuyên truyền cũng được mặt trận và các ban ngành chức năng tại địa phương thực hiện khá phong phú, sát với đời sống thực tế và văn hoá của người dân địa phương. Qua đó, người dân địa phương đã phần nào hiểu được rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học. Ngoài ra, rừng là nơi cung cấp lâm sản, dược liệu làm thuốc, phòng chống thiên tai, bảo vệ nương rẫy chống xói mòn góp phần phát triển kinh tế bền vững… Hơn thế nữa, những hộ được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng còn có thu nhập hàng tháng từ rừng, góp phần xoá đói giảm nghèo nâng cao đời sống. Đến nay, rừng trên địa bàn xã đã giao cho 6 tổ nhận khoán với diện tích trên 1 ngàn hecta. Bình quân mỗi hộ nhận khoán thu nhập gần 10 triệu đồng tiền quản lý bảo vệ rừng/năm. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có 11 công ty, doanh nghiệp được thuê đất rừng để thực hiện các dự án theo giấy chứng nhận đầu tư với diện tích là 1.905 ha. Theo đánh giá của địa phương thì số diện tích rừng giao cho các hộ nhận khoán được bảo vệ và chăm sóc tương đối tốt. Ở chiều ngược lại, một số công ty, doanh nghiệp thuê đất rừng còn để xẩy ra tình trạng mất rừng, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng chưa quan tâm đúng mức.
 
Ngoài công tác tuyên truyền thì xã Hiệp An đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ rừng. Xã đã chỉ đạo cán bộ lâm nghiệp phối hợp với kiểm lâm địa bàn và Ban Quản lý rừng Đại Ninh giúp các thôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời coi đây là một tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ thôn văn hóa. Địa phương cũng đã thành lập các tổ, đội bảo vệ rừng ở các thôn, huy động lực lượng quần chúng phối hợp với Ban Quản lý rừng Đại Ninh, công an xã, xã đội và các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn để tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện ngăn chặn những hành vi xâm hại rừng và chữa cháy rừng. Ngoài ra, một số biện pháp quản lý bảo vệ rừng khác cũng đã được xã Hiệp An triển khai như: giao ban hàng tháng với các đơn vị, hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và Hạt Kiểm lâm; kiện toàn Ban Lâm nghiệp xã, Ban Chỉ huy PCCC rừng tại địa phương; tổ chức cho người dân có nương rẫy gần rừng ký cam kết thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng… Hiệp An củng cố triển khai kế hoạch chữa cháy rừng với phương châm 4 tại chỗ: chỉ đạo tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và phương tiện tại chỗ.
 
Nói về những kinh nghiệm trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương, ông Hoàng Hồng Quang - Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết: “Để giữ rừng thì cần phải có sự chung tay của cộng đồng. Do đó, công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để người dân hiểu được vai trò, tác dụng của rừng để bảo vệ và phát triển rừng. Mặt khác, phải nâng cao đời sống của người dân sống gần rừng, tạo sinh kế cho người dân gắn với rừng. Giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, giảm áp lực về đất sản xuất để người dân không lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy…”.
 
Từ việc cộng đồng dân cư tại địa phương ý thức và tham gia tích cực, tự giác trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn từng bước hạn chế, thiệt hại do cháy rừng ngày càng giảm. Qua công tác bảo vệ rừng ở Hiệp An là bài học tốt  cho nhiều địa phương khác có được những kinh nghiệm quý báu để tham khảo trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. 
 
DUY NGUYỄN