Trong những năm qua, thị trấn Cát Tiên tập trung phát triển đầu tư theo hướng đô thị, phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cát Tiên được coi là vùng căn cứ của Khu 6, Khu 10 - Tỉnh ủy Lâm Đồng, một địa bàn có đường hành lang nối tiếp đường mòn Hồ Chí Minh từ Đắc Lắc qua Cát Tiên, Phước Long để về Trung ương Cục miền Nam. Để mở rộng địa giới hành chính, nâng tầm phát triển khu trung tâm huyện lỵ, thị trấn Cát Tiên chính thức được thành lập, trên cơ sở sáp nhập xã Phù Mỹ và thị trấn Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
|
Đường vào trung tâm Cát Tiên hôm nay - Ảnh: Bùi Trưởng |
Từ một thị trấn anh hùng
Thị trấn Đồng Nai - địa phương anh hùng trong thời kỳ kháng chiến, được thành lập năm 1986, có diện tích tự nhiên 1.346,81ha, dân số 7.398 người/1.687 hộ, gồm 11 khu phố và 1 bản Buôn Go là đồng bào dân tộc tại chỗ. Trong những năm qua, thị trấn tập trung phát triển đầu tư theo hướng đô thị, phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Là địa phương được đánh giá có số cơ sở thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp lớn nhất toàn huyện. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, số hộ khá, giàu chiếm tỷ lệ cao. Cơ sở hạ tầng - kỹ thuật, kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp; đội ngũ cán bộ được chuẩn hóa, đáp ứng với yêu cầu quản lý hiện nay. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 18,1%, nông lâm thủy tăng 12,3%, thương mại, dịch vụ tăng 32,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 15,8%.
Tuy nhiên, trong thực tế thị trấn Đồng Nai có quy mô diện tích và dân số chưa đáp ứng với yêu cầu mở rộng đô thị của khu vực trung tâm huyện lỵ, mục tiêu và định hướng đến 2020 là xây dựng trung tâm huyện lỵ Cát Tiên đạt các tiêu chí đô thị loại IV, do đó việc sáp nhập Phù Mỹ vào thị trấn Đồng Nai là yêu cầu khách quan, đáp ứng nhu cầu phát triển sau này.
Đến Phù Mỹ hiền hòa
Với diện tích tự nhiên 679ha, dân số 3.921 người, trong những năm qua, Phù Mỹ duy trì phát triển ở mức cao từ 15 - 16%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Với lợi thế về cơ sở hạ tầng của khu vực trung tâm huyện lỵ, quá trình đô thị hóa nhanh, có điều kiện thu hút đầu tư và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy mối quan hệ kinh tế cũng như điều kiện về hạ tầng gắn liền với thị trấn Đồng Nai, có hướng phát triển thành đô thị. Đa số ý kiến của nhân dân (thông qua tổng hợp từ các tổ dân phố) đều thống nhất và đồng tình với chủ trương sáp nhập Phù Mỹ với thị trấn Đồng Nai và đổi tên thành thị trấn Cát Tiên. Mục tiêu cơ bản nhằm hướng đến phát triển một thị trấn có tầm cỡ và trở thành trung tâm hành chính của huyện.
Mặt khác, Phù Mỹ với dân số ít, diện tích nhỏ, phần lớn diện tích lại nằm trong quy hoạch trung tâm huyện lỵ; trụ sở Huyện ủy - UBND, các cơ quan ban ngành đều đóng chân trên địa bàn xã, do đó việc sáp nhập 2 địa phương là thực sự cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị hiện nay, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đúng định hướng của tỉnh, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.
Hợp nhất thành một trung tâm huyện lỵ, phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp
Ông Ngô Xuân Hiển - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Với đặc điểm chung của Phù Mỹ và thị trấn Đồng Nai là trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội của huyện, lại cùng chung định hướng trong những năm đến là tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Mặt khác, do việc đô thị hóa diễn ra khá nhanh, đòi hỏi phải tổ chức lại về bộ máy chính quyền theo chính quyền đô thị để đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ quản lý trên địa bàn, hình thành thị trấn mở rộng.
Theo quy hoạch được duyệt tại Quyết định 800/QĐ - UBND ngày 8/3/2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc “phê duyệt quy hoạch chung xây dựng trung tâm huyện lỵ Cát Tiên”, thì việc yêu cầu mở rộng thị trấn là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo. Theo đó, Đảng bộ và chính quyền sẽ tăng cường công tác quản lý để đảm bảo cảnh quan môi trường khu đô thị trung tâm huyện lỵ Cát Tiên và trật tự xây dựng trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật gắn với quy hoạch, chỉnh trang nhà ở đô thị, kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại… Phấn đấu đến năm 2020, Cát Tiên hội đủ các tiêu chí để trở thành đô thị loại IV, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo một vùng nông thôn với khu trung tâm đô thị hiện đại, mạnh về thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Qua đó, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Cát Tiên - một khu di tích khảo cổ học nổi tiếng đã được Nhà nước xếp hạng. Xứng đáng với một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, đa dạng sinh học với những trang sử cách mạng hào hùng.
NGUYỆT THU