Chọn ngành học như chọn "bạn đời"

04:03, 02/03/2014

(LĐ online) - Đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời hay giúp bạn thành công, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân sẽ giúp bạn chạm đến thành công gần hơn. Nhưng, làm thế nào để chọn ngành nghề phù hợp? Đó là trăn trở nhiều nhất của các bạn học sinh cuối cấp, nhất là khi thời  gian hoàn tất thủ tục, nộp hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng chỉ còn hơn 1 tháng nữa. 

(LĐ online) - Đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời hay giúp bạn thành công, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân sẽ giúp bạn chạm đến thành công gần hơn. Nhưng, làm thế nào để chọn ngành nghề phù hợp? Đó là trăn trở nhiều nhất của các bạn học sinh cuối cấp, nhất là khi thời  gian hoàn tất thủ tục, nộp hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng chỉ còn hơn 1 tháng nữa. 
 
Cân nhắc chọn ngành học, bậc học phù hợp với bản thân là chìa khóa giúp thành công trong tương lai -  Ảnh: V.Báu
Cân nhắc chọn ngành học, bậc học phù hợp với bản thân là chìa khóa giúp thành công trong tương lai - Ảnh: V.Báu
 
Lựa chọn ngành học phù hợp
 
Nguyễn Quang Minh (học sinh Trường THPT Đơn Dương) tâm sự: “Thời gian này tôi và nhiều bạn rất phân vân việc chọn ngành học, trường học. Nghề nghiệp quyết định cả cuộc sống tương lai sau này nên bạn nào cũng rất đắn đo”. 
 
Thực tế đã có nhiều cuộc khảo sát ở các trường ĐH, CĐ trên cả nước cho thấy, có rất nhiều sinh viên chọn ngành học không phù hợp nên đã không đi đến cùng việc học, có nhiều sinh viên bỏ phí mấy năm học để theo ngành khác, hay gặp trở ngại, dù nhỏ, liền dẫn đến chán nản, bỏ ngang. Có nhiều trường hợp, do không định hướng rõ nghề nghiệp mà sinh viên sau khi ra trường mới nhận ra khả năng không phù hợp với ngành được đào tạo. Bởi vậy, định hướng nghề nghiệp, chọn đúng ngành học được xem là quyết định cho thành công của tương lai.
 
“Công việc làm sau này cũng giống như người “bạn đời” sẽ đi cùng bạn suốt cuộc đời. Vì vậy, nếu chọn ngành học không phù hợp thì sẽ không tránh khỏi sự chán nản, khó chịu. Để chọn được ngành học phù hợp thì hơn ai hết, chính bạn phải xác định rõ sở trường, sở thích của mình. Công việc mình thích thì sẽ đam mê, quyết tâm với nó hơn”- Vân Anh (Trường THPT Tây Sơn- Đà Lạt) đưa ra lý do khi chọn ngành Luật đăng ký dự thi trong kỳ thi đại học sắp tới. 
 
Hiện nay, mỗi tháng 3 tiết và theo chủ đề từng tháng các trường trong tỉnh đều thường xuyên tổ chức hướng nghiệp cho học sinh. Ông Đặng Trọng Giang - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết “Xu hướng của năm học trước, các em vẫn nộp hồ sơ vào khối kinh tế (A, B) nhiều hơn các khối liên quan đến các ngành xã hội. Do đó, hằng năm, ngay từ đầu năm học, sở luôn chỉ đạo các trường trên toàn tỉnh sớm tăng cường các tiết hướng nghiệp, kịp thời tư vấn và định hướng học sinh chọn đúng ngành phù hợp với khả năng và sở thích của mình”.
 
“Chọn những ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân”- đó luôn là lời khuyên được các thầy cô, các chuyên gia tư vấn gửi đến các học sinh lớp 12 tại các diễn đàn tư vấn tuyển sinh.
 
Chọn bậc học vừa sức
 
Thời gian qua, chúng ta nghe rất nhiều câu nói “Đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công”. Thực tế cũng cho thấy, có rất nhiều bạn trẻ không có bằng đại học nhưng vẫn thành công với con đường mình chọn. Lựa chọn bậc học vừa sức cũng rất quan trọng, không chỉ giúp các bạn tiết kiệm thời gian thi lại nhiều lần mà còn là cơ hội giúp các bạn trẻ tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường.
 
Như P.M. Hùng (Trường THPT Chi Lăng) tâm sự: “Tự mình biết khả năng của mình khó đậu vào đại học, mà nếu có đậu thì sợ cũng không theo nổi chương trình học. Vì vậy, mình chọn sau khi thi tốt nghiệp sẽ vào học ở trường cao đẳng nghề trong tỉnh, vừa gần nhà đỡ tốn chi phí, lại nhanh có nghề, sau này phụ giúp gia đình”. 
 
Ông Đặng Trọng Giang - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cũng nhấn mạnh “Ngành giáo dục Lâm Đồng qua từng năm học cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy và học nghề, hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hoá gắn với dạy nghề, khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau khi được đào tạo nghề, tạo điều kiện để học sinh được học liên thông lên các cấp học cao hơn. Các trường cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp trên toàn tỉnh cũng không ngừng các giải pháp thu hút học sinh, tăng chỉ tiêu tuyển sinh”. 
 
Khi chọn ngành học, bậc học các bạn trẻ sẽ không tránh khỏi những áp lực từ phía gia đình, trào lưu bạn bè, chạy theo ngành “hot”… tuy nhiên, chính bản thân hiểu những gì phù hợp với khả năng của bản thân, quyết đoán với sự lựa chọn của mình, đó là chìa khóa đầu tiên mở ra cánh cửa thành công trong tương lai.
 
D.Thương