Bằng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và vận động "xã hội hóa" trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, huyện Đạ Tẻh đã đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích cho cộng đồng.
Bằng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và vận động “xã hội hóa” trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, huyện Đạ Tẻh đã đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích cho cộng đồng.
|
Sân bóng đá cỏ nhân tạo tại Trường Dân tộc Nội trú Đạ Tẻh |
Đầu năm 2014, huyện Đạ Tẻh có thêm 1 hồ bơi mới chính thức đưa vào hoạt động. Đây là hồ bơi thứ hai trên địa bàn huyện, góp phần tạo thêm sân chơi về thể thao cho mọi lứa tuổi. Hai hồ bơi này có kinh phí xây dựng khoảng 17 tỷ đồng do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Ông Ngô Quang Mỹ, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đạ Tẻh, cho biết: “Nhu cầu thể dục, thể thao trong dân hiện nay rất lớn và đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Do đó, việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư, nhiều người dân bỏ vốn làm các công trình thể thao đã góp phần rất lớn vào việc tạo sân chơi bổ ích tại một huyện còn nhiều khó khăn”. Ngoài việc đầu tư làm hồ bơi, đến hiện tại, huyện Đạ Tẻh còn có 2 sân tenis cũng do các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư xây dựng. Thời gian gần đây, rất nhiều sân bóng đá cỏ nhân tạo đã được hình thành, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao. Với mức đầu tư khoảng 1 tỷ đồng/sân, hiện nay, toàn huyện Đạ Tẻh đã có 5 sân bóng đá cỏ nhân tạo được tư nhân đầu tư; trong đó, có một sân của Trường Dân tộc Nội trú Đạ Tẻh. Hầu hết các sân này đều hoạt động hết công suất từ 5 đến 7 giờ sáng và 4 đến 10 giờ đêm. Từ khi các sân cỏ nhân tạo được hình thành thì các nhóm đá bóng cũng được thành lập tại các trường, các cơ quan đơn vị. “Hiện, toàn huyện Đạ Tẻh có 8 nhóm bóng đá, khoảng 100 nhóm bóng chuyền hơi của người cao tuổi, gần 15 câu lạc bộ võ thuật, tennis, bóng bàn. Các nhóm, các câu lạc bộ này thường xuyên tổ chức các giải đấu giao hữu, tạo khí thế sôi nổi và kích thích phong trào thể dục, thể thao của huyện ngày càng phát triển” - Ông Mỹ cho biết thêm.
Ngoài việc chú trọng công tác vận động xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục, thể thao, huyện Đạ Tẻh cũng quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã và nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 82/104 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 xã có nhà văn hóa là Đạ Lây và Quốc Oai. Trong năm nay, huyện Đạ Tẻh phấn đấu có thêm 8 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng và thêm 2 xã có nhà văn hóa là Hà Đông và An Nhơn. Hiện nay, người dân đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa và chỉ đợi có nguồn vốn đầu tư là sẽ triển khai. Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đạ Tẻh Ngô Quang Mỹ chia sẻ: Để thực hiện tốt công tác vận động người dân hiến đất, đóng góp tài chính xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và nhà văn hóa xã, các xã phải xây dựng được mục tiêu xây dựng khu dân cư văn hóa; trong đó, có tiêu chí xây dựng các cơ sở hạ tầng văn hóa. Khi người dân đã hiểu, đã đồng lòng thì mới dễ dàng thực hiện. Trên thực tế có đến 50% nhà sinh hoạt cộng đồng là do người dân hiến đất. Ngoài ra, người dân còn đóng góp từ 30% đến 50% tiền xây dựng. Nhờ vậy mà đến nay đã có khoảng 80% số xã trên địa bàn toàn huyện có nhà sinh hoạt cộng đồng để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, sinh hoạt và hội họp thôn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Tuy nhiên, dù có nơi vẫn thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng một số nhà sinh hoạt cộng đồng đã xây dựng vẫn chưa sử dụng hết công năng. Do đó, chủ trương của huyện là ghép những khu dân cư gần nhau cùng sử dụng chung nhà sinh hoạt cộng đồng, để giảm được kinh phí xây dựng và nâng cao công năng sử dụng. Trong thời gian tới, mục tiêu của huyện Đạ Tẻh là dần hình thành các “khu thể thao” cho những khu dân cư, những thôn liền kề nhau. Làm được điều này thì đời sống tinh thần và thể dục thể thao của người dân sẽ được nâng lên.
ĐÔNG ANH