Việc Bộ GD & ĐT có quyết định về cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay với nhiều điểm mới là bước đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, được đông đảo học sinh và phụ huynh tán thành...
Việc Bộ GD & ĐT có quyết định về cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay với nhiều điểm mới là bước đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, được đông đảo học sinh và phụ huynh tán thành. Đối với Lâm Đồng, trong khi chờ Sở GD & ĐT ra phương án thi thì các trường THPT cần chủ động trong việc ôn tập cho học sinh để các em bước vào kỳ thi đổi mới này một cách tự tin và đạt được kết quả cao nhất.
|
Một tiết ôn tập của cô và trò Trường THPT Trần Phú, Đà Lạt |
Khó khăn trong tổ chức ôn tập
Theo báo cáo của Sở GD & ĐT Lâm Đồng, năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có hơn 14 ngàn học sinh lớp 12 sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có nhiều điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 so với trước đây, thay vì thí sinh thi 6 môn bắt buộc do Bộ GD & ĐT quyết định thì mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn, trong đó, 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số 6 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. Có thể nói, điểm mới này đã giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh trong việc ôn tập, các em chủ động hơn trong việc chọn môn thi theo sở trường của mình. Tuy nhiên, đối với các trường THPT, thay vì chỉ ôn tập 6 môn thì nay phải tổ chức ôn 8 môn. Điều này có nghĩa là các trường phải bố trí thêm giáo viên, thêm phòng học và phải lên thời khóa biểu sao cho phù hợp để học sinh không bị trùng môn học trong một buổi ôn tập. Hầu hết các trường đã cho học sinh đăng ký thử 2 môn tự chọn để có kế hoạch sắp xếp lịch ôn tập và nhiều trường đã không khỏi lúng túng trong việc này, nhất là những trường có nhiều học sinh học lực trung bình. Thầy Trần Văn Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Tây Sơn, Đà Lạt cho biết, năm học này, trường có 370 học sinh lớp 12, kết quả đăng ký thử môn thi tự chọn thì tất cả 6 môn đều có học sinh đăng ký, nhiều nhất là Vật lý với 230 học sinh, Hóa học 219 học sinh, Sinh học 27 học sinh, Lịch sử 27 học sinh, Địa lý 129 học sinh, Ngoại ngữ 93 học sinh. Theo đó, thay vì chỉ có 10 lớp 12 thì giờ nhà trường phải tổ chức đến 21 lớp ôn tập theo đăng ký của học sinh. Những môn có số học sinh đăng ký ít như Lịch sử hay Sinh học vẫn phải mở một lớp và bố trí giáo viên ôn tập. Khó khăn lớn nhất của Trường THCS & THPT Tây Sơn là diện tích trường nhỏ, lại bao gồm 2 cấp học, mỗi cấp học một buổi nên số phòng học trống để ôn tập cho học sinh lớp 12 theo môn tự chọn như hiện nay không đủ. Thêm vào đó, có những môn học sinh đăng ký nhiều như Vật lý, Hóa học thì phải chia thành nhiều lớp để ôn tập, do đó, phải bố trí nhiều giáo viên hơn và việc xếp lớp cho giáo viên cũng khó khăn hơn.
Tương tự, Trường THCS & THPT Chi Lăng cũng có diện tích nhỏ, lại bao gồm 2 cấp học nên việc thiếu phòng để ôn tập đang khiến nhà trường lo lắng. Nhà trường phải tận dụng những phòng học cũ đã không còn sử dụng để tổ chức ôn tập. Nhưng theo Th.S Phạm Thị Quỳnh Hoa - Phó Hiệu trưởng thì khó khăn lớn nhất của nhà trường hiện nay là sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý để học sinh không được bỏ trống tiết học mà có thời gian ra ngoài chơi ảnh hưởng đến việc học.
Kiên quyết chống bệnh thành tích
Một điểm mới nữa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 là thay vì cách công nhận tốt nghiệp chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp như trước đây thì nay lấy kết quả điểm trung bình các môn học lớp 12 cộng với điểm trung bình 4 môn thi tốt nghiệp rồi chia cho 2 và cộng với điểm khuyến khích (nếu có). Việc làm này đánh giá được năng lực tương đối toàn diện của học sinh, chống được tư tưởng học lệch đang có chiều hướng gia tăng trong một bộ phận học sinh. Muốn có kết quả tốt thì các em phải đầu tư học ngay từ đầu năm và không được lơ là môn học nào. Tuy nhiên, để kết quả tốt nghiệp đánh giá đúng thực chất học lực của học sinh thì các trường phải kiên quyết chống bệnh thành tích. Nếu chỉ vì muốn có 50% điểm tốt nghiệp là điểm của năm lớp 12 cao mà dễ dãi trong học tập thi cử lớp 12 thì vô tình tạo cho học sinh thói quen ỷ lại, không chú tâm vào học để thi cho tốt và hệ quả là các môn thi tốt nghiệp điểm sẽ thấp và khi cộng lại chia đôi sẽ không đủ điểm công nhận tốt nghiệp.
“Với cách thi mới này, cả giáo viên và học sinh sẽ phải tập trung dạy và học chương trình chính khóa nghiêm chỉnh, giúp giáo viên và học sinh có trách nhiệm hơn với công việc của mình trong việc tổ chức dạy - học, kiểm tra. Giáo viên và học sinh không thể tủ chương trình, không thể học lệch mà phải học đều tất cả các môn để đảm bảo nắm chắc kiến thức”, thầy Trần Văn Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Tây Sơn khẳng định. Rõ ràng, mỗi trường có những phương án tổ chức ôn tập khác nhau tùy theo điều kiện cơ sở vật chất và học lực của học sinh, nhưng tất cả đều phải chủ động có kế hoạch ôn thi phù hợp nhất để không lúng túng trước sự đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD & ĐT. Thêm vào đó, Sở GD & ĐT cần có những định hướng và nhất là “gỡ khó” cho các trường trong việc sắp xếp phòng học để các trường có thể tổ chức ôn thi cho học sinh một cách tốt nhất. Hy vọng rằng, sự đổi mới của ngành Giáo dục sẽ là bước tiến mới cho sự nghiệp giáo dục địa phương.
TUẤN HƯƠNG