Đồng hành cùng phụ nữ nghèo

04:03, 26/03/2014

Từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo Hội LHPN Việt Nam, hàng trăm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn này. Vốn ít nhưng sử dụng có hiệu quả, nên cuộc sống của nhiều chị em đang dần được cải thiện và ổn định.

Từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo Hội LHPN Việt Nam, hàng trăm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn này. Vốn ít nhưng sử dụng có hiệu quả, nên cuộc sống của nhiều chị em đang dần được cải thiện và ổn định.
 
Nhờ vốn vay của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, chị Lê Thị Hằng có thêm thu nhập từ việc buôn bán trứng
Nhờ vốn vay của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, chị Lê Thị Hằng có thêm thu nhập từ việc buôn bán trứng
 
Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo được triển khai tại 15 tỉnh, thành trong cả nước. Tại Lâm Đồng, nguồn quỹ này được phân bổ cho hai huyện Đức Trọng và Bảo Lâm. Từ tháng 7/2013, huyện Bảo Lâm đã bắt đầu giải ngân nguồn vốn với tổng số tiền là 3 tỷ 920 triệu đồng cho 560 chị em phụ nữ ở thị trấn Lộc Thắng và xã Lộc Thành vay. Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lâm, cho biết: “Nguồn vốn này cho các phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn vay. Mức vay dành cho mỗi chị em là 7 triệu đồng. Số tiền này sẽ phải trả gốc và trả lãi hàng tháng. Cách làm này giúp những chị em phải biết cách tính toán và sử dụng nguồn vốn sao cho hợp lý và hiệu quả”. Theo tính toán, để trả hết số tiền vay 7 triệu đồng trong một năm thì hàng tháng người vay phải trả số tiền gốc là 600 ngàn đồng và số tiền lời sẽ giảm dần theo từng tháng (từ 70 ngàn đồng tháng đầu tiên xuống còn 4 ngàn đồng tháng cuối cùng). Ban đầu, nhiều người vay vốn cho rằng cách trả như thế này rất lắt nhắt và phức tạp. Ngay cả Ban điều hành Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo cấp huyện và tổ trưởng các tổ vay vốn cấp xã cũng tốn nhiều thời gian và công sức trong việc thu tiền gốc và lãi hàng tháng. Thế nhưng, đến nay, việc sử dụng nguồn vốn này đã bắt đầu đi vào “quỹ đạo” và phù hợp với những người sử dụng vốn vào việc buôn bán nhỏ lẻ. Với người vay vốn, chỉ cần bỏ tiết kiệm 25 ngàn đồng/ ngày là đến tháng đã có đủ tiền trả cả tiền gốc lẫn lãi. Còn đối với Ban điều hành Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo cấp huyện, do được thuê hẳn một kế toán chuyên trách nên việc thu chi hàng tháng đều rất chuyên nghiệp và nguồn vốn xoay vòng rất có hiệu quả.
 
Sau 7 tháng triển khai Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, đến nay, dư nợ lũy kế đã tăng lên 5,6 tỷ đồng và có đến 800 chị em phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn này. Tại 2 đơn vị là xã Lộc Thành và thị trấn Lộc Thắng, Ban điều hành Quỹ đã thành lập 10 tổ vay vốn để triển khai nguồn vốn vay đến các chị em có nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu hoàn trả vốn. Đến nay, tại xã Lộc Thành đã có 385 chị vay và thị trấn Lộc Thắng có 415 chị được vay vốn.  Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lộc Thắng, cho biết: “Số tiền được vay tuy không lớn nhưng dễ hoàn trả. Đặc biệt, do không liên quan đến các nguồn vốn vay ngân hàng khác phải cần có thế chấp hoặc tín chấp nên chị em cũng an tâm sử dụng nguồn vốn này hơn. Đa phần chị em vay đều sử dụng cho việc buôn bán hàng rong, hàng ăn, buôn bán nhỏ lẻ tại chợ. Đến nay, nhiều chị đã có hướng làm ăn rất tốt, có “đồng ra đồng vào” hàng ngày và chấp hành tốt việc hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Cũng nhờ nguồn vốn này mà rất nhiều chị em buôn bán ở chợ không phải vay “tín dụng đen” hoặc vay “nóng”, vay góp mỗi ngày”. 
 
Gặp nhiều chị được vay nguồn vốn này đang kinh doanh tại chợ Bảo Lâm, ai cũng tỏ ra rất hồ hởi. Bởi lẽ, số tiền này không chỉ giúp chị em có vốn làm ăn, mà cách trả tiền gốc, lãi hàng tháng còn “dạy” cho các chị cách sử dụng nguồn vốn và hoạch định chi tiêu. Chị Lê Thị Hằng (tổ 9, thị trấn Lộc Thắng) là một trong những người được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo. Trước đây, do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn (vợ chồng chị và con gái lớn đều bị bệnh), chị đã được Hội LHPN huyện Bảo Lâm tạo điều kiện cho vay nhiều nguồn vốn khác nhau. Nhờ đó, chị đã bắt đầu “khởi nghiệp” bằng gánh bún, rồi chuyển qua bán hàng rau ở chợ. Đến nay, nhờ được vay thêm 7 triệu đồng, chị đã mua thêm các loại trứng gia cầm về bán. Vì vậy, thu nhập cũng được cải thiện hơn. Chị Hằng chia sẻ: “Với người buôn bán nhỏ lẻ như tôi thì việc thu gốc và lãi hàng tháng sẽ nhẹ nhàng hơn. Tôi không phải lo đến kỳ đáo hạn cuối năm phải “xoay” một lúc ra số tiền lớn. Nhiều khi không có còn phải đi vay mượn chỗ khác để đắp vào. Cách làm này giúp tôi biết được mỗi ngày mình phải làm sinh lời bao nhiêu, trả nợ bao nhiêu và còn bao nhiêu dành cho chi tiêu gia đình. Có như vậy thì mới không bị “cụt” vốn. Cũng nhờ các nguồn vốn vay của Hội LHPN huyện Bảo Lâm, tôi mới có thêm điều kiện để lo cho con gái lớn theo học Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và con trai học lớp 11”.
 
Ngoài trách nhiệm trả gốc và lãi hàng tháng, những người vay vốn còn có đóng thêm 50 ngàn đồng tiền tiết kiệm. Số tiền này sẽ tiếp tục góp vào Quỹ và cho các chị em khác có hoàn cảnh khó khăn vay. Và, nếu ai hoàn trả nợ đúng hạn sẽ được tiếp tục vay vốn với số tiền tăng lên tối đa 10 triệu đồng. Với cách làm này, hàng trăm chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã và sẽ được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo để có thêm cơ hội làm ăn, ổn định cuộc sống gia đình và thoát nghèo bền vững. 
 
Đông Anh