Giảm nghèo ở Đa Quyn

04:03, 13/03/2014

Trong khoảng 3 năm gần đây, Đa Quyn - xã khó khăn nhất của huyện Đức Trọng đã giảm số hộ nghèo trong xã xuống hơn một nửa. 

Trong khoảng 3 năm gần đây, Đa Quyn - xã khó khăn nhất của huyện Đức Trọng đã giảm số hộ nghèo trong xã xuống hơn một nửa. 
 
Người dân Đa Quyn thu hoạch cà phê
Người dân Đa Quyn thu hoạch cà phê
 
Nằm cách trung tâm huyện gần 50 km trong vùng sâu, Đa Quyn - xã mới của huyện Đức Trọng, được tách ra từ xã Tà Năng từ tháng 5/2009. Toàn xã hiện nay có 975 hộ dân sinh sống tại 9 thôn với gần 4.500 nhân khẩu; 80% dân cư nơi đây là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Đa Quyn là xã nghèo vào hàng khó khăn nhất hiện nay của Đức Trọng.
 
Giảm nghèo lâu nay luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân nơi đây. Trong công cuộc giảm nghèo này, Đa Quyn đã nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ nguồn lực các chương trình giảm nghèo của Nhà nước; sự giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân hảo tâm trong huyện, trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng từ nguồn vốn 30a của Nhà nước, mỗi năm gần đây có khoảng 1 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo thoát nghèo, trung bình mỗi hộ nghèo được hỗ trợ trên dưới 10 triệu đồng để mua vật tư sản xuất (như bình xịt thuốc, máy cắt cỏ, máy bơm nước…), phân bón; con giống vật nuôi (thường là nuôi bò, nuôi heo). Năm 2009, 79 hộ nghèo trong xã đăng ký nhận bò để nuôi, mỗi hộ một con bò cái. Trong 3 năm vừa qua, xã ưu tiên hỗ trợ các hộ trong sản xuất nông nghiệp như cấp giống lúa mới, cấp cây giống, hỗ trợ phân bón... Trong năm 2013 vừa qua, từ đề nghị của người dân, xã bắt đầu cấp bò giống trở lại. Để tránh việc mua bò từ địa phương khác về không thích nghi được với khí hậu địa phương, không sinh sản được, toàn bộ 11 con bò cái được cấp trong đợt này đều mua trực tiếp từ các hộ nuôi bò trong xã. Cũng nói thêm là Đa Quyn hiện nay có tổng đàn trâu bò trong xã khá lớn, gần 4.300 con. Đa Quyn cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các ban ngành, đoàn thể trong huyện. Trong năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh và trong huyện hỗ trợ 340 triệu đồng cho 9 hộ nghèo xây nhà đại đoàn kết. Nhiều đoàn công tác từ thiện đến xã khám bệnh, tặng quà cho trên 300 hộ nghèo với tổng kinh phí trên 350 triệu đồng. 
 
Bằng nỗ lực tích cực của người dân trong xã, số hộ nghèo tại Đa Quyn giảm nhanh trong 3 năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2011, Đa Quyn có đến 431 hộ nghèo (tính theo chuẩn mới), chiếm đến 48% dân số. Năm 2012 số hộ nghèo giảm còn 298 hộ; năm 2013 còn 230 hộ và trong đợt điều tra rà soát hộ nghèo cuối năm 2013 đầu 2014 vừa qua, số hộ nghèo toàn xã chỉ còn 158 hộ, chiếm tỷ lệ 15,7%. Tuy nhiên, số hộ cận nghèo của xã vẫn còn khá lớn: 223 hộ, chiếm tỷ lệ 22,2%.
 
Để khuyến khích người dân phát triển sản xuất, trong năm 2013 vừa qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao tại xã. 2 hộ dân được chọn thí điểm trồng lúa theo mô hình “2 giảm 3 tăng” với lúa giống, phân bón được hỗ trợ hoàn toàn. Tại thôn Chơ Ré, thêm 1 hộ dân khác được hỗ trợ trồng đậu cô ve thương phẩm thí điểm và những mô hình này bước đầu tạo được sự quan tâm của người dân nơi đây. Nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức làm ăn, chăn nuôi được tổ chức; hệ thống tưới nước tự động được giới thiệu đến các hộ dân tại 3 thôn Chơ Ré, Tân Hạ và Toa Cát. 
 
Song song với giảm nghèo là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của xã. Con đường vào xã được mở rộng, hầu hết 8/8 thôn trong xã hiện đã có điện lưới với 96% dân số sử dụng điện; 98% cư dân được dùng nước sạch. Trường học, trạm y tế được xây mới; chuyện học hành của con em nay được quan tâm hơn (các trường học duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp rất tốt, trên 99%); đường giao thông liên thôn được mở rộng, nhiều cầu được làm mới. Trong năm 2013 vừa qua, từ nguồn vốn định canh định cư gần 2 tỷ đồng, đoạn đường 4 km Ma Tà Nùng - Chơ Rung đã được duy tu, xây dựng cống tràn thay cầu tạm và nâng cấp lại hệ thống điện tại cụm Ma Tà Nùng. Xã cũng tiến hành nâng cấp 1 km đường Tân Hạ - Tơ M’răng; vận động người dân góp trên 100 triệu đồng sửa chữa lại cầu tạm K61 (tổng kinh phí 170 triệu đồng trong đó kinh phí ngân sách 70 triệu đồng). Xã cũng tranh thủ nguồn vận động xã hội hóa để xây mới phân trường mẫu giáo Ma Bó với tổng số tiền 150 triệu đồng; xây dựng hội trường thôn Chơ Ré 450 triệu đồng. Để làm xanh lại những con đường, xã đã vận động người dân trồng hàng nghìn cây xanh dọc các tuyến đường liên thôn. 
 
Trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2013, Đa Quyn đã đạt được 5/19 tiêu chí. Xã đã phát động xây dựng thôn văn hóa trong tất cả các thôn của mình trong đó đã có 3 thôn được công nhận thôn văn hóa. Toàn xã qua bình xét cuối năm có 778 gia đình đạt chuẩn văn hóa (chiếm trên 90% số hộ dân). Trong năm nay Đa Quyn đang hướng đến việc xây dựng xã đạt chuẩn về văn hóa. 
 
Theo UBND xã Đa Quyn, để xã tiếp tục giảm nghèo nhanh và bền vững người dân trong xã vẫn rất cần đến sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình giảm nghèo và thêm nguồn lực từ cộng đồng. “Mức hỗ trợ cho hộ nghèo theo tôi hiện vẫn còn thấp, trung bình 10 triệu đồng/hộ nhưng với vật giá hiện nay cũng khó làm được gì lớn. Có lẽ nhà nước cần hỗ trợ mỗi hộ cao hơn một chút để bà con có thể xoay xở” - ông Ya Thương, Chủ tịch UBND xã suy nghĩ.
 
Một khó khăn khác trong xây dựng nông thôn mới hiện nay tại Đa Quyn như ông Ya Thương cho biết là không thể vận động người dân nơi đây đóng góp tài chính để làm đường giao thông nông thôn, đơn giản vì nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số quá nghèo. Rất nhiều con đường liên thôn nơi đây tuy đã được mở rộng nhưng lâm vào cảnh “nắng bụi mưa lầy”, bụi ngập lên mắt cá chân người bộ hành trong những ngày này, bụi tràn vào các ngôi nhà ven đường còn mùa mưa đến như người nơi đây cho biết chỉ lội trong bùn; nhiều cây cầu bắc qua suối vào các khu sản xuất vẫn rất tạm bợ như cầu Cháy 1, cầu Cháy 2, cầu Chơ Răng, rất khó vận chuyển hàng hóa vật tư bằng xe cơ giới. “Vận động bà con đóng góp tài chính rất khó, họ chỉ có thể góp công thôi nên rất cần nhà nước hỗ trợ làm đường chứ để nhà nước và nhân dân cùng làm thì không biết bao giờ mới làm được”. Vấn đề này thật ra cũng không gì mới nhưng luôn là bài toán nan giải cho những vùng nghèo như Đa Quyn.
 
GIA KHÁNH