Lạc Dương là huyện có độ che phủ rừng lớn nhất tỉnh. Để đảm bảo cho những cánh rừng phát triển bền vững không thể không kể đến vai trò của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (BQL rừng Đa Nhim) trong công tác bảo vệ rừng thời gian qua.
Lạc Dương là huyện có độ che phủ rừng lớn nhất tỉnh. Để đảm bảo cho những cánh rừng phát triển bền vững không thể không kể đến vai trò của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (BQL rừng Đa Nhim) trong công tác bảo vệ rừng thời gian qua.
|
Luồn rừng vượt suối để bảo vệ rừng |
BQL rừng Đa Nhim được thành lập từ năm 1987 để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương trực thuộc UBND huyện Lạc Dương và chịu sự quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh. Hiện đơn vị đang trực tiếp quản lý 45 ngàn hecta rừng thuộc 49 tiểu khu nằm trên địa bàn tất cả các xã và thị trấn của huyện Lạc Dương (trong đó, có hơn 23 ngàn hecta là rừng phòng hộ và gần 22 ngàn hecta là rừng sản xuất). Ngoài ra, BQL rừng Đa Nhim còn quản lý gần 5 ngàn hecta đất ngoài lâm nghiệp hiện còn rừng.
Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là quản lý bảo vệ và phát triển rừng hiện có, bảo vệ môi sinh, môi trường một cách bền vững, tăng độ che phủ của rừng bằng các giải pháp lâm sinh, ổn định nguồn nước ngầm của rừng phòng hộ để cung cấp nước phục vụ cho nhà máy thủy điện trong khu vực. Với diện tích quản lý rộng, địa hình hiểm trở, nhất là thời gian gần đây tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp nên thời gian qua các cán bộ, công nhân viên của BQL rừng Đa Nhim đã không ngừng nỗ lực thường xuyên tuần tra, bám rừng để giữ rừng. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, thời gian sớm tối, những cán bộ, nhân viên của BQL rừng Đa Nhim vẫn luồn rừng, vượt suối để phát hiện ngăn chặn kịp thời những vụ vi phạm lâm luật. Chính vì thế, những vụ vi phạm lâm luật cũng như diện tích rừng bị vi phạm ngày càng giảm: Năm 2013 vừa qua, BQL rừng Đa Nhim đã bắt được thủ phạm của 83 vụ vi phạm lâm luật với diện tích vi phạm là hơn 25ha, giảm 40% số vụ và diện tích vi phạm so với năm 2012. Công tác truy quét, giải tỏa các diện tích bị lấn chiếm, các điểm đào đãi khai thác khoáng sản trái phép trên diện tích đất lâm nghiệp cũng được đơn vị thường xuyên quan tâm: Trong năm 2013, đơn vị đã chủ động tổ chức và phối hợp với các đơn vị chức năng trong huyện tổ chức 8 đợt giải tỏa các tụ điểm đào đãi khoáng sản trái phép thu giữ hàng trăm phương tiện vi phạm.
Ông Trịnh Ngũ Hùng - Trường Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết: “Diện tích quản lý rộng, lực lượng mỏng trong khi tình hình vi phạm lâm luật ngày càng diễn biến phức tạp nên công tác bảo vệ rừng của chúng tôi gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi luôn động viên anh em trong đơn vị phải nỗ lực, cố gắng để làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng. Bởi rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim không chỉ có ý nghĩa đối với kinh tế, xã hội địa phương mà nó còn ảnh hưởng đến cả khu vực vì đây là khu vực đầu nguồn của các lưu vực sông Đa Nhim, Sêrêpók và sông Đồng Nai”.
Cùng với việc bảo vệ và phát triển rừng, đơn vị còn thực hiện mục tiêu của các dự án nhằm ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Với đặc điểm là những hộ dân sống gần rừng của đơn vị quản lý đa số là những đồng bào dân tộc ít người tại địa phương, đời sống kinh tế khó khăn với nguồn thu nhập chính lâu nay là phát nương làm rẫy và dựa vào rừng là chính. Vì vậy, để đảm bảo công tác bảo vệ rừng, thời gian qua, BQL rừng Đa Nhim đã không ngừng tuyên tuyền, vận động để người dân chung tay bảo vệ rừng. Riêng năm 2013 vừa qua, đơn vị đã tổ chức 9 đợt tuyên truyền về bảo vệ rừng cho gần 1.000 lượt người tham gia. Để tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, đơn vị đã giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ rừng để họ có thêm thu nhập nâng cao đời sống (tính đến nay, diện tích rừng mà BQL rừng Đa Nhim giao khoán cho người dân là gần 40 ngàn hecta trên hơn 1.300 hộ).
Để đảm bảo công tác phát triển rừng, BQL rừng Đa Nhim đã không ngừng trồng rừng và vận động người dân và doanh nghiệp cùng tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng trồng (hiện nay, đơn vị đang chăm sóc hơn 53ha rừng trồng). Công tác phòng cháy chữa cháy rừng cũng luôn được đơn vị quan tâm và đã cử cán bộ ở 7/7 trạm quản lý bảo vệ rừng của đơn vị phân công trực cháy 24/24 giờ trong các mùa khô và mùa cao điểm. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng cho người dân để họ tham gia chữa cháy khi có cháy xảy ra.
Đánh giá vai trò của BQL rừng Đa Nhim ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: “Lạc Dương là địa phương có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ cao nên công tác quản lý bảo vệ rừng chúng tôi xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Chính vì thế, vai trò của BQL rừng Đa Nhim là rất lớn. Thời gian qua đơn vị này đã nỗ lực, cố gắng để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương”.
DUY NGUYỄN