Lao động là vinh quang

04:03, 26/03/2014

Với cơ ngơi và tài sản của gia đình, ông có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ vật chất, tinh thần đầy đủ, sung túc mà không hề bận tâm về việc phải kiếm tiền, mưu cầu cuộc sống. 

Với cơ ngơi và tài sản của gia đình, ông có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ vật chất, tinh thần đầy đủ, sung túc mà không hề bận tâm về việc phải kiếm tiền, mưu cầu cuộc sống. Thế nhưng, theo lời Bác Hồ dạy “Lao động là vinh quang, có lao động phẩm giá, nhân cách con người mới được rèn luyện, nâng cao”, ông đã từ bỏ phố phường vào tận rừng sâu mở trang trại chăn nuôi, kết hợp với thâm canh cà phê. Và ông đã thành tỷ phú, với thu nhập hàng năm lên đến hàng tỷ đồng.
 
Ông Sơn kiểm tra cà phê trong thời kỳ ra quả
Ông Sơn kiểm tra cà phê trong thời kỳ ra quả
 
Một trưa hè nắng gắt, tôi đặt vấn đề với Bí thư Đảng ủy xã Lộc Quảng (Bảo Lâm) muốn biểu dương một vài tấm gương điển hình tiêu biểu về làm giàu ở vùng đất khó, ông nói: “Ở địa phương này do có lợi thế về đất đai, có nhiều mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, nhưng cũng có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo phương thức kết hợp VAC mang lại hiệu quả rất cao. Chỉ có điều, sợ chủ trang trại không muốn tiếp xúc vì lẽ: Sợ gây dịch bệnh và không muốn mang tội “khoe mẽ sự giàu có của mình”. Rất may, lúc đó có anh Đỗ Xuân Pháp - công an viên của xã, nghe chuyện anh hăng hái “Nếu anh không ngại đường xe, bụi nắng, tôi sẽ dẫn anh đi, bởi tôi có quen với một “đại gia” trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt tại thôn 7”.
 
Tôi gật đầu, cảm ơn. Thế là hai chúng tôi bất chấp giữa trưa, trời “đổ lửa” lên đường. Quả thật như anh Pháp nói, đường vào thôn 7 vừa xa, vừa khó đi phần do quanh co, uốn lượn giữa một bên đồi núi, một bên thung lũng, phần bụi đỏ “đặc quánh”, lại thêm gió lớn lùa vào khách qua đường đỏ rực một “màu son”. Sau gần tiếng đồng hồ, chúng tôi đến được trang trại nuôi gà lấy trứng, nhưng chủ nhân đi vắng, anh Pháp phải dùng điện thoại liên hệ, được chủ nhân hẹn đợi một thời gian, lại đứng đợi giữa trưa hè nắng gắt. Chừng 20 phút sau, một người đàn ông lực lưỡng, đi trên một chiếc xe máy cũ rích đến nói lời xin lỗi vì phải đi sửa xe trong xóm. Anh Pháp giới thiệu tôi làm quen với chủ trang trại và sau cái bắt tay nồng ấm, anh bảo phải về xã làm việc, bỏ tôi ở lại với chủ nhân trang trại gà. Sau khi làm thủ tục “khử trùng, tiêu độc”, chủ nhân trang trại mời tôi vào phòng làm việc. Thấy chủ nhân có vẻ bận rộn công việc, tôi đi ngay vào mục đích chuyến viếng thăm. Cũng không khách khí, chủ nhân bộc bạch ngay tâm sự. Theo đó, ông là Phạm Ngọc Sơn (1962), hộ khẩu thường trú tại 121 Phan Bội Châu, phường I, TP Bảo Lộc. Trước đây, vợ chồng ông kinh doanh lương thực, làm ăn khấm khá, nhưng do đam mê nghề nông vốn đã là huyết thống của gia đình, bởi bố ông là giảng viên cao cấp của Trung học Nông nghiệp Bảo Lộc, nên năm 1995 ông quyết định dồn tiền vào thôn 7, xã Lộc Quảng mua 5 ha đất đồi vừa để lập trang trại chăn nuôi, vừa để trồng cà phê. Rồi chính trên diện tích đất mua này, ông thuê nhân công vỡ hoang trồng cà phê robusta và xây dựng 4 dãy nhà trang trại nuôi gà với tổng diện tích 4.800m2. Từ nguồn thu theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” của đậu đỗ, hoa màu và tiền bán trứng gà, ông mua lại đất vườn của người dân trong thôn mở rộng diện tích dần dần lên đến 25 ha, trong đó hiện có 18 ha/22 ha cà phê đã cho thu hoạch ổn định trên 3 tấn/ha/vụ.
 
Riêng với trang trại gà, ông Sơn cho biết, do phải phân chia thị trường cho nhiều trang trại khác, nên quy mô đàn gà của ông giảm xuống 12.000 con (lúc cao điểm 35.000 con), nhưng hiệu quả mang lại khá cao, bởi tỷ lệ gà đẻ trứng luôn đạt ở mức cao 94-96% và do chuồng trại được xây dựng đúng quy cách, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và thường xuyên tiêm phòng dịch bệnh, nên đàn gà của ông chưa bao giờ bị dịch bệnh. Điều đáng nói nữa là, do chất lượng trứng đảm bảo, nên trứng gà đã khẳng định được thương hiệu, được hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, KoMax, Ba Huân, cửa hàng Vạn Ngọc… uy tín tiêu thụ ổn định, lâu dài. Trang trại gà không những mang lại nguồn thu nhập cho ông Sơn hàng tỷ đồng mỗi năm, mà còn mang lại nguồn phân bón trên dưới 250 tấn/năm để bón cho vườn cà phê. Và để cà phê không bị bệnh, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao, nguồn phân bón của trang trại gà được ông xử lý bằng vi sinh trực tiếp, ủ kỹ trước khi đưa bón cho cà phê. 
 
Ông Sơn kiểm tra thức ăn và gà đẻ trứng
Ông Sơn kiểm tra thức ăn và gà đẻ trứng
 
Đưa tôi một vòng quanh trang trại để được chứng kiến đàn gà trên 12.000 con đang đẻ trứng năng suất, chất lượng cao và 22 ha cà phê tốt tươi, vừa rụng hoa kết trái, hứa hẹn vụ thu hoạch  bội thu, và lò sấy cà phê công suất 40 tấn/vụ, ông Phạm Ngọc Sơn vừa giới thiệu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thế nào để đạt hiệu quả cao, vừa nói về những dự định mở rộng quy mô trang trại trong tương lai, khi sẽ trồng thêm bơ cao sản xen trong vườn cà phê và tổ chức nuôi 10 con bò sữa, vừa tâm sự có tính triết lý về lẽ sống, nhân cách, văn hóa doanh nhân… Ông nói: “Lao động không những tạo ra của cải vật chất cho bản thân, cho xã hội, mà còn rèn luyện cho con người có thêm bản lĩnh, nhân cách và lòng nhân ái, bởi qua lao động mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, vất vả của người lao động chân chất, giản dị, một nắng hai sương. Để từ đó có lòng thương yêu, chia sẻ với họ, nhất là đối với những doanh nhân, nếu không có sự sẻ chia, cộng tác của người lao động thì làm sao mới có ngày thành đạt. Nhận thức được điều đó, nên dù đã có nguồn thu nhập hàng năm từ trang trại lên đến trên dưới 2 tỷ đồng, nhưng tôi vẫn không ngừng lao động và chia sẻ với 15 lao động (4 lao động thường xuyên, 11 lao động thời vụ) từ tâm tư tình cảm, kinh nghiệm cuộc sống, làm ăn, đến tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc (ngoài trả lương thỏa đáng, thực hiện các chế độ bảo hiểm, bồi dưỡng đầy đủ, công nhân thường xuyên còn được tạo chỗ ăn ở đầy đủ tiện nghi). Sẻ chia vất vả, khó khăn, thành quả, vui buồn, hạnh phúc với mọi người, tôi tự thấy như mình lớn lên một bước. Ấy chính là giá trị cốt lõi về học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác!   
 
Hoàng Vương Mỹ