Tiềm ẩn rủi ro đối với người lao động

04:03, 13/03/2014

Kiểm tra hồ sơ và thực tế về 3 lĩnh vực: an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, đoàn đã ghi nhận 7/8 đơn vị tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn những tồn tại, thiếu sót ở đơn vị này hoặc đơn vị kia cần phải khắc phục sớm.

Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh Lâm Đồng, đoàn kiểm tra liên ngành vừa kết thúc đợt 1 tại 8 doanh nghiệp (DN) trong tỉnh. Kiểm tra hồ sơ và thực tế về 3 lĩnh vực: an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, đoàn đã ghi nhận 7/8 đơn vị tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn những tồn tại, thiếu sót ở đơn vị này hoặc đơn vị kia cần phải khắc phục sớm.
 
NLĐ tại Công ty TNHH TFB Việt Nam làm việc nhưng thiếu các phương tiện bảo vệ cá nhân
NLĐ tại Công ty TNHH TFB Việt Nam làm việc nhưng thiếu các phương tiện bảo vệ cá nhân
 
Từ an toàn lao động
 
Tình trạng cần khắc phục là việc tổ chức huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) cho người lao động (NLĐ) chưa đảm bảo quy định theo các Thông tư 37/2005, 41/2011 của Bộ LĐTB&XH. Một số DN chưa kiểm định đầy đủ các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ như xe nâng, thang máy, bình khí nén, tời điện dùng để kéo tải theo phương nghiêng. Việc trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho NLĐ làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại vẫn còn diễn ra. Có DN chưa thành lập bộ máy làm công tác ATLĐ và xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; báo cáo định kỳ về ATLĐ, tai nạn lao động vẫn còn chưa thực hiện. Có DN còn sắp xếp hàng hóa trong kho chưa đảm bảo an toàn, tai nạn lao động rất dễ xảy ra. Tại một số thiết bị và nơi làm việc vẫn còn thiếu những bảng nội quy về ATLĐ. Vẫn còn hiện tượng đơn vị tổ chức làm thêm giờ đối với NLĐ vượt quá quy định theo Nghị định 45/2013 của Chính phủ quy định. 
 
Đến vệ sinh lao động
 
Đó là DN chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ sơ cấp cứu cho đối tượng an toàn vệ sinh viên và NLĐ theo quy định tại Thông tư 09/2000/TT-BYT ngày 28/4/2000 của Bộ Y tế về hướng dẫn chăm sóc sức khỏe NLĐ trong các DN vừa và nhỏ. Vấn đề bồi dưỡng chống độc hại cho NLĐ trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại cho dù NLĐ có đồng ý thì DN cũng phải thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật, không được bồi dưỡng bằng tiền. Mặt khác, phải đúng định mức quy định như Thông tư 25/2013 của liên bộ LĐTB&XH-Y tế ngày 18/10/2013 mới đảm bảo sức khỏe cho NLĐ. Vẫn còn DN chưa thực hiện việc đo kiểm môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 19/2011/TT-BYT ngày 6/6/2011. Và vẫn còn có DN chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ đầy đủ cho NLĐ trong năm 2013. 
 
Và phòng chống cháy nổ
 
Đây là lĩnh vực rất dễ xảy ra sự cố rủi ro nếu các DN không chấp hành nghiêm túc các quy định. Hầu hết DN hoặc còn xem nhẹ hoặc còn thiếu hiểu biết về quy định PCCN tại đơn vị mình. Thậm chí có DN đưa công trình vào hoạt động nhưng chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC. Hiện tượng hàng hóa vật tư bố trí tại kho không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và thoát nạn khi có sự cố xảy ra cũng là vấn đề rất cần được khắc phục sớm. Khá nhiều DN còn mắc những lỗi như: phương tiện, dụng cụ PCCC và bình chữa cháy trang bị tại cơ sở chưa được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ do đó tình trạng bình chữa cháy không đảm bảo yêu cầu chữa cháy, hệ thống báo cháy không hoạt động…Việc không niêm yết biển cấm theo quy định như “cấm lửa”, “cấm hút thuốc lá”… hay bố trí các bình chữa cháy đủ số lượng và đúng vị trí tại một số khu vực cũng là vấn đề DN còn lơ là. Một hiện tượng khác còn khá phổ biến là ở nhiều vị trí làm việc của DN hệ thống điện không đảm bảo kỹ thuật an toàn. Ví dụ, dây trần nằm dưới mái tôn, dây điện cắm trực tiếp vào ổ cắm không qua phích, cầu dao không sử dụng cầu chì dây chảy và không có nắp bảo vệ… Vấn đề thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC phải là một trong những nội dung cực kỳ quan trọng trong mỗi DN. 
 
Những tồn tại, thiếu sót về ATVSLĐ-PCCN của các DN nêu trên đã được lãnh đạo các DN ghi nhận và đồng ý khắc phục trong thời gian 30 ngày theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Vấn đề quan trọng hơn là thông qua phản ánh này, chúng tôi muốn gửi đến nhiều DN khác trong tỉnh nắm bắt kịp thời để tự khắc phục tại đơn vị mình trước khi sự cố không may xảy ra. Dù chưa hay không kiểm tra thì công tác ATVSLĐ-PCCN của mỗi DN phải thực sự là nhiệm vụ rất quan trọng để góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lao động, đặc biệt là bảo vệ tài sản của đơn vị.
 
MINH ĐẠO