Ba mươi năm vận hành an toàn và khai thác hiệu quả

03:03, 19/03/2014

Thấm thoắt đã 35 năm thành lập, đặc biệt tròn 30 năm kể từ ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, đó cũng là khoảng thời gian vận hành an toàn và hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam...

Thấm thoắt đã 35 năm thành lập, đặc biệt tròn 30 năm kể từ ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, đó cũng là khoảng thời gian vận hành an toàn và hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Ghi nhận những thành tựu nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tập thể cán bộ, công nhân viên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng. 
 
Tròn 30 năm trước, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (NCHNĐL) được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành và khai thác Lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân duy nhất cho đến hiện nay của Việt Nam. Qua đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Viện có trách nhiệm thực hiện 3 nhiệm vụ nặng nề: Làm chủ kỹ thuật, đảm bảo vận hành đúng kế hoạch và an toàn LPƯ; khai thác hiệu quả LPƯ để phục vụ yêu cầu của các ngành, góp phần mở rộng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, xây dựng các phòng thí nghiệm vệ tinh và nâng cấp cơ sở vật chất tương xứng với các chuẩn mực của một cơ sở hạt nhân chủ lực của ngành, đào tạo đội ngũ cán bộ cho Viện, cho ngành và cho đất nước.
 
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại VN đến thăm Viện & ghi sổ Vàng lưu niệm
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại VN đến thăm Viện & ghi sổ Vàng lưu niệm
 
Trên 38 ngàn giờ vận hành an toàn
 
Nhìn lại quá trình hình thành và đi vào hoạt động của công trình khôi phục và mở rộng LPƯ hạt nhân Đà Lạt - một công trình trọng điểm cấp Nhà nước, được chính thức khởi động với sự giúp đỡ của Liên Xô đầu năm 1982, sau 20 tháng thi công khẩn trương, LPƯ được nạp nhiên liệu và đạt trạng thái tới hạn lần đầu, chính thức đưa vào vận hành với công suất danh định 500 kW, gấp 2 lần so với lò TRIGA trước đây vào ngày 20/3/1984. Chỉ hơn một năm sau, 3 chuyên gia cuối cùng của Liên Xô về nước, nhưng các cán bộ của Viện NCHNĐL đã hoàn toàn đảm nhận tốt công tác vận hành LPƯ. Kể từ ngày ấy cho đến nay, kế hoạch vận hành LPƯ được duy trì trung bình 4 tuần một đợt với 100-130 giờ tại công suất 500kW để phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ cho ngành y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và đào tạo cán bộ. Nhẩm tính sơ bộ, LPƯ đã được vận hành trên 38.000 giờ an toàn. Điều đáng nói hơn, trong 30 năm vận hành LPƯ, không tránh khỏi một số hỏng hóc đột xuất trong điều kiện thiết bị và vật tư thay thế không sẵn có trên thị trường nội địa, nhưng các cán bộ của Viện NCHNĐL đã chủ động, tìm mọi biện pháp khắc phục để kế hoạch làm việc của LPƯ không bị gián đoạn mà vẫn đảm bảo các tiêu chí về an toàn. Đặc biệt, hai năm gần đây, LPƯ hạt nhân Đà Lạt đều lọt vào 1 trong 10 sự kiện khoa học - công nghệ tiêu biểu cả nước. Đấy là đã thực hiện nhiệm vụ khởi động lại LPƯ chỉ do các cán bộ của Việt Nam thực hiện vào năm 2011 và sự kiện mang tính quốc tế với kết quả chuyển trả an toàn nhiên liệu đã qua sử dụng về Liên bang Nga năm 2013. Theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện NCHNĐL, có được những kết quả nêu trên là nhờ Viện đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như công tác bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ được duy trì, thường xuyên cải tiến và thay thế các thiết bị cũ kém độ tin cậy. Các nội quy, quy chế vận hành và khai thác lò được ban hành, cập nhật kịp thời. Và một yếu tố quan trọng hơn, trình độ của đội ngũ cán bộ vận hành đã được nâng lên, làm chủ được các hệ thống công nghệ và nắm vững các đặc trưng vật lý, kỹ thuật của LPƯ. 
 
Nghiên cứu khoa học và dịch vụ hạt nhân 
 
Bên cạnh nhiệm vụ vận hành an toàn LPƯ hạt nhân, hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Viện NCHNĐL cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Các cán bộ của Viện đã tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu thuộc các Chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước, các đề tài và dự án cấp bộ, cấp tỉnh và cấp viện. Nhiều công trình khoa học có giá trị đã được đăng tải trên các tạp chí, tuyển tập hội nghị quốc tế và trong nước trong suốt 30 năm qua. Kết quả nổi bật trong 10 năm gần đây là chủ động trong việc tính toán thiết kế vùng hoạt với nhiên liệu LEU để phục vụ cho dự án chuyển đổi nhiên liệu LPƯ; nghiên cứu xây dựng các hệ thí nghiệm đo độ cháy của BNL. Các giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa giảm thiểu hiện tượng ăn mòn thùng LPƯ và các cấu kiện trong lò được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Đồng thời, nghiên cứu công nghệ để điều chế các chất đồng vị phóng xạ có nhu cầu sử dụng cao trong y học. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm được thường xuyên quan tâm, vì vậy, sản phẩm của Viện được sử dụng từ năm 1984 đến nay chưa gây hiệu ứng phụ bất lợi nào. Hiện có 7 sản phẩm thuốc phóng xạ chính của Viện đã được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam. Đến nay, sản phẩm các chất phóng xạ và dược chất đang cung cấp cho 25 khoa Y học hạt nhân trong nước, phục vụ chẩn đoán và chữa trị cho khoảng 300 ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm. Các phương pháp phân tích hạt nhân đã được xây dựng thành các qui trình ổn định cho nhiều đối tượng, phục vụ cho nhiều ngành như địa chất, dầu khí, nông nghiệp, sinh học, môi trường... Trong những năm gần đây, dịch vụ phân tích dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng độc trong rau quả xuất khẩu đã và đang phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu rau sạch của tỉnh Lâm Đồng và một số khu vực phía Nam. Tổng cộng trong 30 năm qua, khoảng 77.000 mẫu các loại đã được phân tích, trung bình hiện nay khoảng 4.000 mẫu/năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực quan trắc và nghiên cứu phóng xạ môi trường sử dụng các kỹ thuật hạt nhân được quan tâm. Từ các kết quả và kinh nghiệm trong nghiên cứu, quan trắc môi trường, Viện có khả năng và tiềm lực để tham gia thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư của ngành giao thông đường bộ, các dự án xây dựng cơ sở hạt nhân mới. Các nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực định liều lượng và kiểm soát bức xạ không những để đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên của Viện NCHNĐL và các đơn vị trong ngành ở phía Nam mà còn thực hiện đo liều cá nhân cho gần 8.000 nhân viên bức xạ của trên 700 cơ sở bức xạ trong nước. Công tác nghiên cứu để xây dựng quy trình quản lý và xử lý đối với từng loại thải đã được tiến hành trong nhiều năm qua tiến đến làm chủ được công tác xử lý thải phóng xạ rắn, xạ lỏng. Đặc biệt, kỹ thuật gây tạo đột biến bằng bức xạ gamma, kết hợp với công nghệ nhân giống in-vitro đã được nghiên cứu, áp dụng thành công để tạo nhanh một số giống cây, hoa đa dạng về hình thái, màu sắc, sạch bệnh và đồng đều về chất lượng. Công nghệ bảo tồn các nguồn gen quý hiếm khác cũng được triển khai và nghiên cứu để sản xuất các chế phẩm vi sinh sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp, xử lý thải và xử lý môi trường. Viện đã thiết kế, chế tạo các khối điện tử chức năng từ đơn giản đến phức tạp ghép nối máy tính, từ các thiết bị đơn giản đến các hệ thống chất lượng cao. 
 
Và xây dựng tiềm lực 
 
Theo Viện NCHNĐL, với các thiết bị và cơ sở vật chất hiện có, tuy chưa là hệ thống các phòng thí nghiệm thật sự hoàn chỉnh nhưng có khả năng giải quyết được nhiều nhiệm vụ nghiên cứu và thực hiện nhiều dịch vụ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Đội ngũ cán bộ tiếp tục được bổ sung và được đào tạo nâng cao trình độ, ngày càng có khả năng đảm nhận những công việc có hàm lượng khoa học cao. Theo đó, qua các kênh hợp tác quốc tế đa phương, song phương, trung bình mỗi năm khoảng 50 lượt cán bộ Viện được cử đi công tác và học tập ở nước ngoài. Đến nay, đã có trên 10 cán bộ được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư, trên 20 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, trên 50 cán bộ tốt nghiệp cao học và hiện đang có 11 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đánh giá khái quát kết quả trong 30 năm qua, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền cho rằng: Điều quan trọng nhất là LPƯ hạt nhân và các thiết bị phục vụ nghiên cứu được quản lý, vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả. Viện đã làm chủ được kỹ thuật và công nghệ LPƯ, vì vậy nhiều hỏng hóc bất thường được khắc phục kịp thời. Viện cũng đã xây dựng được tiềm lực về cơ sở vật chất và trang thiết bị các phòng thí nghiệm, tập hợp và đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật có kinh nghiệm, có trình độ và phẩm chất tốt. Đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn và cán bộ lãnh đạo ngày càng được trẻ hóa, luôn duy trì được tinh thần làm việc, nghiên cứu nghiêm túc trong cơ quan. Các hướng nghiên cứu được xây dựng và thực hiện trong thời gian qua là những bước đi có tính định hướng liên tục, tạo cho Viện đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học, đồng thời là tiền đề quan trọng để Viện triển khai có hiệu quả các nghiên cứu ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hạt nhân cho các ngành trong giai đoạn vừa qua và trong thời gian tới. Nhiều đề tài nghiên cứu được áp dụng vào thực tế sản xuất và phục vụ đời sống, góp phần phát triển các lĩnh vực y học, công nghiệp, nông nghiệp, dầu khí và môi trường... Đặc biệt, những kết quả nêu trên tạo dựng niềm tin để Viện NCHNĐL tham gia vào dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân sắp tới.    
 
HỒ XUÂN TRUNG