Mô hình giữ rừng ở thôn R'Teng 2

05:03, 11/03/2014

Thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và nhất là từ khi triển khai Chương trình UN-REDD Việt Nam (Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính bằng các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng) với sự tài trợ về tài chính của Chính phủ Vương quốc Đan Mạch và phối hợp của các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc...

Thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và nhất là từ khi triển khai Chương trình UN-REDD Việt Nam (Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính bằng các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng) với sự tài trợ về tài chính của Chính phủ Vương quốc Đan Mạch và phối hợp của các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc, ở các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả cao, có tác dụng cao trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao được thu nhập cho người  giữ rừng.
 
Thôn R’Teng 2 (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) là thôn vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm xã trên 8km và cách trung tâm huyện trên 25km. Đây là nơi sinh sống tập trung của gần 200 hộ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên vốn sinh sống lệ thuộc vào rừng bằng việc khai thác tài nguyên rừng. Khi tài nguyên rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nhiều hộ đã phải du canh - du cư hoặc khai phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất nông nghiệp nhưng cuộc sống vẫn rất bấp bênh. Được chính quyền cũng như ngành lâm nghiệp địa phương vận động, tổ chức và đầu tư, bà con DTTS thôn R’Teng 2 đã quản lý bảo vệ thành công 4.501/7.000ha rừng nguyên sinh thuộc 9 tiểu khu thuộc địa bàn xã từ trước năm 2009. Theo UBND xã Phú Sơn, trên 245 hộ bà con DTTS địa phương (trong đó có 200 hộ thuộc thôn R’Teng xã Phú Sơn và 45 hộ thuộc xã Liên Hà) sống xung quanh các tiểu khu rừng nguyên sinh này đã tự nguyện thành lập 10 tổ cộng đồng để nhận khoán quản lý - bảo vệ rừng với nhà nước. Hoạt động của các tổ này là thường xuyên tổ chức tuần tra rừng để kịp thời phát hiện, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và chủ rừng ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng và tài nguyên rừng như phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác lâm sản trái phép; thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng. Từ năm 2009 tới nay, được sự hỗ trợ của Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn 1, những hoạt động này của các tổ quản lý bảo vệ rừng thôn R’Teng 2 càng được đẩy mạnh nên tình trạng xâm hại rừng, xâm hại tài nguyên rừng đã được ngăn chặn tuyệt đối, trên lâm phần do bà con nhận quản lý bảo vệ cũng đã hoàn toàn không xảy ra cháy rừng. Mô hình nhận khoán quản lý bảo bệ rừng với sự hỗ trợ của Chương trình UN-REED cũng đã được triển khai thành công tại thôn Ka La (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) trên diện tích 500ha rừng nguyên sinh. Cũng như bà con thôn R’Teng 2 xã Phú Sơn, bà con thôn Ka La cũng đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ quản lý bảo vệ rừng; hầu hết những vụ vi phạm lâm luật xảy ra trong vùng rừng do bà con quản lý bảo vệ thời gian qua đều đã được phát hiện, xử lý kịp thời và cương quyết. Từ những hoạt động truyền thông của Chương trình UN-REED và của những chương trình lồng ghép, Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, nhận thức về vai trò của rừng, của công tác bảo vệ rừng trong bảo vệ môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học của các tổ chức và cá nhân, trong đó có các cộng đồng dân cư đang được Nhà nước giao khoán quản lý bảo vệ rừng và của ngay các chủ rừng đã nâng cao; và từ đó, họ đã có hiểu biết hơn về trách nhiệm và quyền lợi của mình và của cộng đồng trong việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
 
Để thực thi ngày càng có kết quả cao hơn Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, những mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng bà con DTTS gốc địa phương như tại thôn R’Teng và thôn Ka La hiện đang được chính quyền các cấp và ngành NN-PTNT từ tỉnh tới cơ sở duy trì và nhân rộng.
 
Đức Hưng