Người phụ nữ nhân hậu

04:03, 11/03/2014

Tôi được giới thiệu về cô như một trong số ít người phụ nữ Hà Nội thành danh trên đất Đà Lạt và đóng góp cho xã hội bằng cái tâm, cái tình thiết tha. Đó là dược sĩ Hà Thanh Thủy, chủ nhà thuốc "Nhân Hòa" - người phụ nữ nhân hậu. 

Tôi được giới thiệu về cô như một trong số ít người phụ nữ Hà Nội thành danh trên đất Đà Lạt và đóng góp cho xã hội bằng cái tâm, cái tình thiết tha. Đó là dược sĩ Hà Thanh Thủy, chủ nhà thuốc “Nhân Hòa” - người phụ nữ nhân hậu. 
 
Dược sĩ Hà Thanh Thủy
Dược sĩ Hà Thanh Thủy
Sinh năm 1944, tại Ái Mộ - Gia Lâm - Hà Nội, cô Hà Thanh Thủy tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 1969 và làm cán bộ giảng dạy môn Vật lý của Đại học Dược 7 năm liền. Đến năm 1976, từ chối đi nghiên cứu sinh tại Bun-ga-ri, theo chồng vào sống và làm việc tại Đà Lạt. Tại vùng đất mới này, cô tiếp tục làm công tác chuyên môn và được đề cử giữ trọng trách Phó Trưởng trạm rồi Trạm Trưởng - Trạm Kiểm nghiệm Dược phẩm Lâm Đồng. Đến năm 1991, cô nghỉ hưu ở tuổi 46 với 21 năm tuổi nghề và được hưởng mức lương hưu toàn phần - đây là sự ưu ái của nhà nước dành cho cô - cô Thủy nói. Suốt trong quá trình công tác, dược sĩ Thanh Thủy đã có nhiều dự án, đề tài khoa học được lãnh đạo ngành ghi nhận và đánh giá cao, cô vinh dự được Bộ Y tế tặng Huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân” năm 1985.
 
Những ngày nghỉ hưu cuộc sống cũng còn rất khó khăn, nhớ lại ngày đó, cô Thủy kể: vì gia đình rất yêu văn chương, nên có rất nhiều sách, lúc khó khăn, cô Thủy đã phải mở tiệm cho thuê sách để thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Về sau cô cho một người thuê tấm bằng dược sĩ mở tiệm thuốc tây. Nhưng vì không yên tâm, thấy cần phải có trách nhiệm với nghề, nên mặc dù người thuê không bắt buộc, nhưng ngày nào cô cũng phải ra tiệm thuốc để xem xét việc bán thuốc cho khách hàng. Thấy vậy, vừa mất thời gian lại lãng phí tấm bằng, nên cô đã dành dụm ít vốn mở một tiệm thuốc nho nhỏ ở khu vực chợ Đà Lạt mang tên “Nhân Hòa”. Sau khi được Nhà nước thanh lý, cô đã trực tiếp kinh doanh từ năm 1991 đến nay tại địa chỉ số 10 Nguyễn Thị Minh Khai - thành phố Đà Lạt. Được hỏi vì sao tiệm thuốc “Nhân Hòa” có tiếng và tạo được uy tín bền vững với khách hàng suốt hơn 20 năm, dược sĩ Hà Thanh Thủy tâm sự: “Bằng trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, tôi luôn tâm niệm “phải hiểu về bệnh - hiểu về thuốc”, khi bán hàng cho khách tôi luôn hỏi rất kỹ về bệnh, triệu chứng của bệnh, sau đó mới bán thuốc. Làm thế nào để thuốc bán vừa chữa khỏi bệnh, mà lại tốn ít tiền nhất, ví dụ: trong 3 loại kháng sinh để trị một loại bệnh, thì loại thuốc nào có chức năng chữa khỏi bệnh và giá thành thấp nhất thì tôi sẽ tư vấn cho khách. Có những loại thuốc khách cần, nhưng nhà thuốc không có, tôi sẵn sàng liên hệ tìm mua ở thành phố Hồ Chí Minh, và hẹn thời gian để khách quay lại lấy, tiện cho khách không phải đi xa...”. Có lẽ chính từ những chi tiết nhỏ đó mà khách hàng tìm đến nhà thuốc “Nhân Hòa” ngày một đông. Bên cạnh đó, phải kể đến phong cách bán hàng lịch sự, nhẹ nhàng, chu đáo, ân cần và kịp thời của vị chủ nhân Hà Thanh Thủy đã được cô con gái Phạm Hà Thủy Anh kế thừa. Ngày nay, nhà thuốc “Nhân Hòa” đã trở thành thương hiệu, phát triển ngày càng lớn mạnh với hàng ngàn các đầu thuốc, sản phẩm uy tín, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 
 
Chính từ cái tâm trong nghề, cái tình với người bệnh, nên từ lâu cô Thủy đã luôn quan tâm, đồng cảm đến những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để chia sẻ, giúp đỡ. Cô đã từng nhận nuôi dưỡng em bé mồ côi ở Hoàng Diệu - Đà Lạt, giúp người nghèo, người khuyết tật, người mù, người gặp khó khăn, trở thành người đồng hành với các tổ chức Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng, chương trình Hoa Cúc Trắng - Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, bất cứ ai đề xuất giúp đỡ, chia sẻ cô đều nhận lời và giúp đỡ. Nhờ vậy, dược sĩ Hà Thanh Thủy đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng “Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam”. 
 
Hình ảnh về một người phụ nữ nhân hậu còn được thể hiện bên trong một tâm hồn văn chương, yêu nghệ thuật. Bằng một tâm hồn trong sáng, tấm lòng vị tha, yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, cô đã sáng tác rất nhiều truyện ngắn, thơ tình thời chiến tranh rất có giá trị, xuất bản nhiều tập sách gây xúc động trong lòng độc giả gần xa. Phải kể đến các đầu sách đã xuất bản như: Nghiệt ngã, Vụ án mạng trong đêm, Từ một bức chân dung, Điều không thể nói với con, Một cõi xa xăm và gần đây nhất là tuyển tập thơ văn Hà Thanh Thủy… Cô vinh dự được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Việt Nam, đạt 2 giải ba trong cuộc thi viết truyện ngắn tỉnh Lâm Đồng năm 1997. 
 
Ngoài việc kinh doanh giỏi, làm tốt công tác xã hội, cô Thủy còn làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, chăm lo nuôi dạy 3 người con thành đạt, đã trở thành những nhà quản lý kinh tế giỏi, cán bộ nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Dược Hà Nội, và có người đang giữ chức vụ cao tại địa phương… Gia đình cô là một gia đình văn hóa tiêu biểu, mẫu mực, rất đáng tự hào, trong đó điểm tựa vững chắc chính là người phụ nữ nhân hậu Hà Thanh Thủy.
 
NGUYỆT THU