Chuyển biến tục "bắt chồng" trong vùng đồng bào DTTS

03:03, 05/03/2014

Trước đây, tục "bắt chồng" trong vùng đồng bào DTTS ở Cao nguyên Di Linh rất khắt khe, rườm rà và nhiều tốn kém; đặc biệt, là trong việc thách cưới. Ngày nay, khi nhận thức của bà con đã được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần ở vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến đáng kể, thì tục thách cưới đã được đơn giản hóa rất nhiều, dần dần phù hợp với nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. 

Trước đây, tục “bắt chồng” trong vùng đồng bào DTTS ở Cao nguyên Di Linh rất khắt khe, rườm rà và nhiều tốn kém; đặc biệt, là trong việc thách cưới. Ngày nay, khi nhận thức của bà con đã được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần ở vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến đáng kể, thì tục thách cưới đã được đơn giản hóa rất nhiều, dần dần phù hợp với nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. 
 
Trao quà ngày cưới (Đám cưới tại xã Gung Ré) - Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Trao quà ngày cưới (Đám cưới tại xã Gung Ré) - Ảnh: BÙI TRƯỞNG
 
Đây là luật tục đã trở thành “cha truyền con nối” của người  K’Ho đã và đang tồn tại từ bao đời, nay vẫn được bà con ở đây tuân thủ, gìn giữ và trở thành một nét văn hóa đặc trưng. Điều đáng nói, việc thách cưới và những nghi lễ rườm rà của tục “bắt chồng” một thời gây bao nhức nhối trong đời sống cộng đồng, nay đã được bà con từng bước đẩy lùi, đơn giản hóa theo hướng tích cực, góp phần giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong việc cưới xin. 
 
Người K’Ho hôn nhân theo chế độ mẫu hệ. Vì vậy, người phụ nữ là người “chủ” trong gia đình, phải đi cưới đàn ông hay nói khác là đi “bắt chồng” và con cái phải mang họ mẹ. Việc “bắt chồng” của người K’Ho thường diễn ra trong mùa xuân hàng năm (khoảng tháng 3). Bởi vào thời điểm này, mùa màng đã thu hoạch xong, bà con có nhiều thời gian thảnh thơi để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Đây cũng là dịp để các cô gái, chàng trai có thời gian rảnh rỗi công việc đồng áng để dành cho nhau những cuộc hẹn hò, tìm hiểu về người bạn đời tương lai của mình. 
 
Theo anh K'Nam, cán bộ Huyện Đoàn Di Linh, so với trước kia thì việc cưới hỏi ngày nay trong vùng đồng bào DTTS ở Di Linh đã diễn ra nhẹ nhàng. “Trước đây, việc thách cưới, bên họ nhà trai đòi hỏi rất nặng nề, như trâu bò, quần áo, tiền, vàng bạc… Bây giờ đã giảm bớt rất nhiều, thách cưới tuy vẫn còn nhưng đòi hỏi rất ít. Ngay cả thủ tục vốn rất rườm rà, khắt khe thì cũng đã được đơn giản hóa. Điều cốt yếu là làm sao cho hai bên gia đình nhà trai, nhà gái thấy thuận, thấy ưng thì chọn ngày lành, tháng tốt để tiến hành tổ chức lễ cưới, nhằm để bà con, họ hàng gần xa chia sẻ, chúc mừng hạnh phúc của đôi trai gái là được” - K'Nam nói.
 
Không chỉ riêng khu vực trung tâm thị trấn mà ở ngay cả những buôn làng các xã vùng sâu, vùng xa ở Di Linh, đến nay, nhận thức của tục “bắt chồng” cưới vợ, lấy chồng (kup klau tàm bau ùr) cũng đã có sự đổi thay tích cực. Theo ông K’Deo (ở xã Tân Thượng), ngày trước thủ tục “bắt chồng” của người K’Ho rất tốn kém. Ngoài những ché rượu cần lỉnh khỉnh, những chiếc khăn thổ cẩm đầy đủ màu sắc, từ 1 đến 2 con trâu, một con lợn béo, một vòng đeo tay và một dây bằng đồng hoặc bạc…, gia đình họ hàng nhà trai còn đưa ra thêm nhiều điều kiện thách cưới có giá trị khác buộc nhà gái phải đáp ứng. Nếu không đáp ứng yêu cầu trên, thì coi như việc bắt chồng bất thành, lễ cưới bị đình chỉ. Do vậy, có nhiều cô gái không thể bắt được chồng vì gia đình gặp quá khó khăn, túng thiếu; thậm chí là một người con gái xinh đẹp cũng không ngoại lệ. 
 
Cũng theo già làng K’Deo, trước đây, ngoài những thủ tục khác thì nhà nào có trâu mà khi “bắt” con rể về nhà mình, buộc mình phải đưa những con trâu cho nhà người ta. Những nhà nào nghèo, khó khăn, dù con gái của mình có đẹp đến mấy, thì cũng đành phải ở “giá” thôi, sẽ khó mà lấy được chồng.
 
Theo ông K’Đoàn, thành viên Ban công tác mặt trận xã Đinh Trang Thượng: Tục cưới xin của bà con nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tổ chức lễ cưới cho con cái cũng tùy theo hoàn cảnh của gia đình hai bên. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ cũng có thể lựa chọn vừa sống bên nhà trai hoặc nhà gái đều được. Và, sau vài năm khi điều kiện kinh tế đã ổn định rồi mới xin phép gia đình hai bên ra ở riêng để tạo dựng cuộc sống mai sau... 
 
Nhìn thấy những đổi thay tích cực về nhận thức tư tưởng trong tổ chức đời sống, xóa bỏ dần những tập tục mang tính khắt khe trong cưới hỏi của bà con buôn làng mình, già K’Broh (ở thôn Ka Ming, xã Gung Ré) vui mừng cho rằng, đó là những tiền đề quan trọng để bà con vươn lên cải thiện cuộc sống mới, cuộc sống văn minh, tiến bộ. Bởi lẽ, chính vì những thủ tục quá rườm rà xưa kia đã khiến nhiều gia đình của cô gái khi bắt được chồng về làm rễ nhà mình thì trâu trong chuồng đã hết; lúa, bắp trong nhà cũng theo đó mà cạn kiệt. Nhiều gia đình phải đi vay mượn khắp nơi, bán đất, bán vườn để đáp ứng sự đòi hỏi của tục thách cưới bên nhà trai, dẫn đến kinh tế suy kiệt. 
 
“Xưa kia, chuyện cưới hỏi rất phức tạp, còn bây giờ chủ yếu là tình cảm của chúng nó. Con trai, con gái cũng đều đối xử như nhau cả. Mình thương yêu chúng, thì phải thuận để chúng nó cưới nhau. Con cái hạnh phúc, vui vẻ thì cha mẹ đã hoàn thành trách nhiệm nuôi con, lo cho con cái có tương lai vững chải. Lúc đó, bà con, họ hàng mới cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc” - Già K’Broh bày tỏ.
 
Cũng theo ông K’Broh, góp phần lớn vào sự đổi thay quan điểm này là từ khi có Cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cũng như các già làng, trưởng bản khác, hễ mình thấy cái gì thuận thì phải tuân theo, điều gì không còn phù hợp thì phải khắc phục đẩy lùi, thậm chí là xóa bỏ hẳn để phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước. Cái chính là phải hướng đến cuộc sống đầy đủ, ấm no và hạnh phúc.
 
NDONG BRỪM