Những điểm "nghẽn" trên con đường đổi mới giáo dục Việt Nam

04:03, 04/03/2014

Đảng và Nhà nước luôn coi "nhân tố con người - nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quyết định chất lượng giáo dục" và khẳng định cần phải "Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, sáng tạo".

Đảng và Nhà nước luôn coi "nhân tố con người - nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) có vai trò quyết định chất lượng giáo dục” và khẳng định cần phải “Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, sáng tạo".
 
Lớp học mầm non. Ảnh minh họa
Lớp học mầm non. Ảnh minh họa
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là kim chỉ nam cho chủ trương, đường lối của Đảng ta về xây dựng chiến lược giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ. Bác Hồ đã chỉ ra chân lý: "Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu".
 
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh: "... Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại", "Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân. Đặc biệt, coi trọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi...".
 
Như vậy, có thể thấy rõ tư tưởng chiến lược của Đảng về đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ CBQLGD nói riêng đều rất mực được quan tâm, mỗi giai đoạn về sau lại được nâng lên tầm yêu cầu mới. Trong Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020", ngoài những thành tựu to lớn góp phần đổi mới KT-XH của đất nước, cũng đã nêu lên những bất cập, yếu kém làm kìm hãm sự phát triển của GD&ĐT, trong đó có một phần quan trọng là sự yếu kém của công tác quản lý giáo dục. Nguyên nhân yếu kém trong QLGD có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân đó là cơ chế quản lý và chính sách đối với CBQLGD, đây cũng có thể cho là một điểm "nghẽn" gây nên trên con đường "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam", nếu không đổi mới cơ chế quản lý và chính sách đối với CBQLGD thì sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
 
Một chân lý đã được đúc kết trong giáo dục: muốn có trò giỏi thì phải có thầy giáo giỏi; như vậy, cũng có thể nêu muốn thành công trong đổi mới giáo dục (ngoài đội ngũ nhà giáo) phải có đội ngũ CBQLGD giỏi, muốn có CBQLGD giỏi phải có chính sách thu hút và đãi ngộ thích đáng để họ toàn tâm, toàn ý phục vụ và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
 
Do đó, nếu xem "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" và "Ưu tiên cho giáo dục là cho phát triển" thì ngoài chính sách cho nhà giáo phải có chính sách cho CBQLGD, đây là kiểu chính sách theo hệ thống: CBQLGD xuất thân là nhà giáo, được lựa chọn trong đội ngũ nhà giáo giỏi, có uy tín để làm CBQLGD, nên phải có chính sách để thu hút những nhà giáo có năng lực để làm cán bộ quản lý. Cần nghiên cứu mô hình các nước như: Singapore, Hàn Quốc... để xếp bậc lương CBQLGD. Hiện nay, CBQLGD được xếp vào loại công chức (trừ CBQL là cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập) và hưởng ngạch, bậc lương đồng đều như công chức các ngành khác, điều này làm mất tính đặc trưng của cán bộ ngành giáo dục và mâu thuẫn với chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước. Cần phải tách riêng nhà giáo và CBQLGD được hưởng lương đặc thù như quân đội và công an; có như vậy mới thu hút được người tài vào ngành giáo dục và lựa chọn được đội ngũ CBQLGD có phẩm chất và năng lực tốt. Muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cần phải có đội ngũ nhà giáo và CBQLGD tương xứng để thực hiện sứ mệnh cao cả đó.
 
Quản lý giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, là khâu yếu trong quản lý hệ thống giáo dục. Bộ máy quản lý giáo dục các cấp hiện nay có thể ví như hệ thống giao thông của những thành phố lớn với những nút giao thông thường làm ách tắc đường phố cũng giống như cơ chế quản lý giáo dục ở các cấp hiện nay; chủ trương từ Trung ương đề ra nhưng mỗi địa phương thực hiện một kiểu; chẳng hạn như Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục (gọi tắt là Nghị định 115) và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GD&ĐT thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng GD&ĐT thuộc UBND cấp huyện (gọi tắt là Thông tư 47) có hiệu lực 2 năm nay, nhưng mỗi địa phương thực hiện khác nhau; thậm chí trong một tỉnh, các huyện cũng thực hiện khác nhau. Nghị định số 115 và Thông tư số 47 là văn bản pháp quy mới nhất nhằm tạo cơ chế về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của giám đốc sở và trưởng phòng GDĐT trong quản lý giáo dục của tỉnh và cấp huyện. Thực tế có một số địa phương lại không giao cho trưởng phòng GD&ĐT quyền được quản lý toàn diện (đặc biệt là quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển CBQL và tuyển dụng giáo viên). Trách nhiệm, quyền hạn quản lý chuyên môn ở địa phương chưa đi đôi với quản lý nhân sự và tài chính.
 
Cải cách hành chính phải gắn liền với phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; cần phải nhìn thẳng vào thực tế khách quan của cơ chế và chính sách đối với CBQLGD để tìm ra giải pháp tháo gỡ, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hợp lý trong nội tại của ngành giáo dục hiện nay; đó cũng là nhằm tháo gỡ nút "nghẽn" làm cản trở tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.
 
Nhà giáo Ưu tú NGUYỄN XUÂN NGỌC 
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT