Trong nhiều năm nay, tu viện (hay nhà dòng, giáo sở) Don Bosco đã không ngừng duy trì một sân chơi thể thao cho nhiều người tại Đà Lạt.
Trong nhiều năm nay, tu viện (hay nhà dòng, giáo sở) Don Bosco đã không ngừng duy trì một sân chơi thể thao cho nhiều người tại Đà Lạt.
Nằm trên địa bàn phường 2, thành phố Đà Lạt, Tu viện Don Bosco hằng ngày luôn mở rộng cánh cửa cho bất cứ người nào trong khu vực đến chơi thể thao. Tại đây có 2 sân bóng rổ, 1 sân bóng đá lớn 11 người chơi, có bãi đậu xe và gần đây còn có một sân tập Hiphop có mái che. Tất cả đều miễn phí. Khi đến tu viện sẽ cho mượn bóng để chơi. “Từ lâu chúng tôi đã có những hoạt động thể thao như thế rồi, nhưng phát triển mạnh nhất là trong vòng hơn 10 - 15 năm nay. Tu viện thường xuyên có các sinh hoạt văn nghệ, thể thao và chúng tôi luôn mở rộng cửa cho mọi người cùng chơi, học sinh sinh viên hay bất kỳ độ tuổi nào, bất kể tôn giáo nào đều đến đây chơi được” - cha Phạm Đại Quang, người phụ trách công tác thể thao của tu viện cho biết.
|
Trên sân chơi bóng rổ tại Tu viện Don Bosco mỗi buổi chiều |
Có chút lạ lẫm khi một tu viện - trong ý nghĩ mọi người thường là nơi kín cổng cao tường chuyên tâm tu tập thì nơi đây cả ngày lại vang lên tiếng đàn, tiếng trống rộn rã từ giàn nhạc của tu viện, còn sân bóng lúc nào cũng huyên náo. “Nói một cách dễ hiểu chúng tôi là một dòng tu “nhập thế”, là tu viện nhưng chúng tôi cùng ở, cùng sinh hoạt với cộng đồng, cùng tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội trong đó có thể thao”- cha Quang nói. Cũng nói thêm một chút, tại đây, trong rất nhiều năm nay là nơi cung cấp phòng học, hỗ trợ tài chính để phường 2, Đà Lạt tổ chức các lớp học tình thương (hay lớp linh hoạt) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Đà Lạt.
Với bóng đá, liên tục trong nhiều năm nay, tu viện luôn tổ chức định kỳ các giải bóng đá cho lứa tuổi U15. Mỗi năm 3 giải. Giải được tổ chức rất bài bản, có giải thưởng, có huy chương, cúp, tặng áo quần thể thao, tặng bóng cho đội thắng giải; có điều lệ thi đấu, có tổ trọng tài điều hành, bốc thăm chia bảng. Với 2 giải diễn ra trong đầu năm và cuối năm khi đa số người chơi là học sinh sinh viên bận rộn cho việc học nên diễn ra vào cuối tuần, còn giải trong dịp hè lại thi đấu cả ngày. Cứ đủ người thành lập một đội bóng là có thể đến đây đăng ký thi đấu. Trọng tài được mời từ bên ngoài, chủ yếu là các giáo viên đang dạy giáo dục thể chất tại các trường học ở Đà Lạt. Giải trong hè thu hút cả những đội từ các huyện trong tỉnh lên đây thi đấu.
Bên cạnh bóng đá, một môn thể thao khác tu viện duy trì hoạt động trong suốt nhiều năm nay chính là bóng rổ. “Nhà dòng vẫn chơi bóng rổ thường xuyên. Hai sân bóng này có từ khi tu viện được xây dựng cho đến nay. Chúng tôi lâu nay vẫn tổ chức giải để mọi người cùng đến chơi” - cha Quang cho biết.
Với bóng rổ, tu viện cũng tổ chức 3 giải thường xuyên trong năm, có giải thưởng như bóng đá. Đặc biệt giải bóng rổ trong hè được tổ chức rất lớn với sự tham gia của rất nhiều đội tại Đà Lạt và từ các huyện xung quanh như Đơn Dương, Đức Trọng... Cùng đó, để thu hút người chơi bóng rổ, đặc biệt là lớp trẻ, tu viện thường xuyên tổ chức các lớp dạy bóng rổ cho học sinh, sinh viên trong hè. Ngày thường mỗi buổi chiều có thể đến đây chơi. Đội ngũ huấn luyện viên (HLV) bóng rổ cũng được mời từ bên ngoài, đa số là các giáo viên dạy thể dục từ các trường học. Tu viện còn cử HLV bóng rổ sang hỗ trợ huấn luyện cho các lớp năng khiếu bóng rổ tại Trung tâm Thanh thiếu niên Lâm Đồng khi có yêu cầu. Hiện nay 2 sân bóng rổ của tu viện mỗi ngày thu hút khoảng 20 người đến chơi, chủ yếu là học sinh các trường phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Đà Lạt.
Trong nhiều năm nay tu viện Don Bosco chính là nơi duy nhất duy trì môn bóng rổ tại Đà Lạt, đã đào tạo rất nhiều thế hệ VĐV nghiệp dư chơi bóng rổ cho tỉnh. Trong các giải bóng rổ cấp tỉnh, nhiều thành viên của các đội Đà Lạt đều học bóng rổ nơi đây. Không ít học sinh sinh viên người Đà Lạt tham gia vào các đội bóng rổ của trường khi học tập tại TP HCM.
Đà Lạt từng là một địa phương có phong trào bóng rổ khá mạnh trong nước. Cùng với Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt cũng có các thành viên tham gia đội tuyển cấp tỉnh dự giải quốc gia. Rất nhiều trường học nơi đây khi xây dựng ban đầu có sân bóng rổ như Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Đại học Đà Lạt… Cùng đó, nhiều địa phương trong tỉnh nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống, môn bóng rổ cũng khá phát triển như Đức Trọng chẳng hạn. Hiện nay chỉ có Bảo Lộc còn duy trì được phong trào một cách tương đối, còn nhiều địa phương khác bóng rổ đang mất dần một cách rất đáng tiếc.
Cần biết rằng bóng rổ cực kỳ thích hợp cho những vùng có điều kiện thời tiết bất thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời trong đó có Tây Nguyên và Lâm Đồng với mùa mưa kéo dài gần 8 tháng trong năm. Thực ra môn thể thao này ra đời cũng nhằm mục đích như thế: năm 1891, Tiến sỹ James Naismith, Học viện Springfieldbang Massachusetts của Mỹ đã tạo ra một môn thể thao để sinh viên có thể chơi trong thời tiết xấu. Những ngày đó các môn thể thao, các trò chơi mang tính vận động thường được tổ chức ngoài trời nhưng mùa đông đất Mỹ tuyết phủ học sinh sinh viên phải ngồi nhà nhìn ra. Là giáo viên thể dục, James Naismith đã nghĩ ra một môn chơi có thể chơi ngay trongnhà tập thể dục, bất chấp thời tiết thế nào. Bóng rổ ra đời với luật chơi khá đơn giản, môn chơi mang tính vận động cao, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong thể thao tại Mỹ. Bóng rổ ngày nay ở Mỹ không chỉ là môn chơi của sinh viên học sinh trong học đường mà phát triển rộng khắp đất nước, là ngành kinh tế hốt bạc với một giải nhà nghề NBA nổi tiếng thế giới.
Rất nhiều điểm tốt bóng rổ mang đến cho người chơi: sự khéo léo, sức mạnh, kỹ thuật, sức bật, sức bền, độ nhanh nhẹn, sự dẻo dai… Đó là chưa kể sự phát triển tinh thần đồng đội, tinh thần thể thao, sự tự tin, phát triển chiều cao cho lứa tuổi thanh thiếu niên… Chỉ cần 2 cầu môn rất dễ dàng di chuyển trong bất kỳ nhà tập nào, có thể chơi một cầu môn hay hai cầu môn, có thể chơi toàn đội hay chỉ vài người. “Mình nhà dòng chúng tôi nỗ lực cho môn này là chưa đủ. Để phát triển phong trào bóng rổ chắc có lẽ phải cần nhiều người, nhiều đơn vị hơn, nhất là phía các trường học trên địa bàn”- cha Quang suy nghĩ. Để phát triển môn thể thao này, tu viện cho biết luôn hỗ trợ hết mình, sẵn sàng tài trợ tổ chức giải trong “khả năng tu viện có thể” để đưa phong trào bóng rổ Đà Lạt phát triển trở lại.
Viết Trọng