Rosatom vẫn bảo lưu việc xây lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt

03:03, 20/03/2014

Thông tin trên được ông V.A.Pershukov - Phó Tổng Giám đốc Rosatom (Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga), cho biết vào chiều 18/3, tại buổi gặp mặt với các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 30 năm ngày tái khởi động, đưa vào hoạt động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20/3/1984-20/3/2014).

* 7 cá nhân, tập thể được trao chứng nhận danh dự của Rosatom 
 
Thông tin trên được ông V.A.Pershukov - Phó Tổng Giám đốc Rosatom (Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga), cho biết vào chiều 18/3, tại buổi gặp mặt với các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 30 năm ngày tái khởi động, đưa vào hoạt động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20/3/1984-20/3/2014). Buổi gặp mặt nhằm cung cấp thông tin về những kết quả hợp tác hữu nghị Việt - Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân ở TP Đà Lạt.
 
Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ trao Kỷ niệm chương cho các nhà khoa học Nga
Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ trao Kỷ niệm chương cho các nhà khoa học Nga
 
Tại buổi gặp mặt, đại diện của Rosatom đã đánh giá cao về sự hợp tác giữa các cơ quan của Việt Nam và Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Nổi bật là vấn đề ký kết hợp tác cung cấp dịch vụ tư vấn, lập đề án và nghiên cứu khả thi dự án thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận 1 (tỉnh Ninh Thuận); công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ và các kỹ năng làm việc với tài liệu kỹ thuật, làm chủ công nghệ an toàn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong thi công và vận hành nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam… 
 
Rosatom cũng cung cấp thông tin về Dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân của Việt Nam. Theo đó, Trung tâm này có tới 2 cơ sở, 1 cơ sở được đặt tại TP Đà Lạt, với lò phản ứng hạt nhân xây mới để thay thế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện hữu; bảo đảm hiện đại, an toàn, có công suất khoảng 15MWt (gấp 30 lần công suất định danh của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện tại), và cơ sở còn lại sẽ chuyên về nghiên cứu lý thuyết được đặt tại Hà Nội. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 500 triệu USD, từ nguồn vốn tín dụng của Nga. Theo ông V.A.Pershukov, tổng số người làm việc ở cả hai cơ sở của Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân của Việt Nam là khoảng từ 400 đến 500 người. Trong quá trình hoạt động của Trung tâm mới này, chúng tôi hy vọng rằng sẽ phát sinh ra những công ty nhỏ của tư nhân, hoặc của nhà nước để nhằm ứng dụng và đưa vào thực tế những kết quả nghiên cứu của công nghệ mới giới thiệu cho ngành công nghiệp. Theo tính toán của hai bên, Trung tâm này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2020. Song song với việc xây dựng, phía Rosatom cũng sẽ đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu hoạt động của trung tâm.
 
Sau buổi gặp mặt, tối 18/3, tại Khách sạn Vietsovpetro Dalat (TP Đà Lạt), cũng đã diễn ra đêm gặp mặt hữu nghị Việt - Nga với trên 300 đại biểu là các nhà khoa học ngành công nghiệp hạt nhân của Việt Nam và Nga tham dự. Tại đây, các nhà khoa học của hai nước đã ôn lại quá trình hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân giữa hai nước Việt - Nga, khẳng định tình hữu nghị ngày càng bền chặt giữa cộng đồng khoa học của hai nước trong nghiên cứu, đào tạo, nhất là việc tham gia, hợp tác khôi phục lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước. 
 
Dịp này, Rosatom đã trao Chứng nhận danh dự cho 6 nhà khoa học của Việt Nam vì có sự cống hiến rất lớn cho sự nghiệp hiện đại hóa và phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu, an toàn hạt nhân, và trao Chứng nhận danh dự cho tập thể Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt trong công tác khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Riêng về phía Nga, có 13 nhà khoa học cũng vinh dự được Bộ Khoa học công nghệ Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công nghệ. 
 
Liên quan đến sự kiện, ngày 19/3, tại TP Đà Lạt còn diễn ra hội thảo quốc tế “Thiết kế, vận hành và ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân”. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các nhà quản lí và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam và thế giới. Hội thảo có nhiều tham luận đề cập đến hiện trạng nhà máy điện hạt nhân Việt Nam; tình hình vận hành và ứng dụng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt thời gian qua; hướng dẫn của IAEA về các dự án lò phản ứng nghiên cứu mới, một số công nghệ lò phản ứng hạt nhân hiện đại cũng như kinh nghiệm xây dựng, vận hành, quản lí lò phản ứng nghiên cứu mới của các quốc gia trên thế giới. 
 
Đến dự và phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Lê Đình Tiến khẳng định: “Thời gian tới, song song với việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu hạt nhân và lò phản ứng công suốt 15MWt nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực khoa học, y học, kinh tế của đất nước…”.
 
Thụy Trang