Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vùng nông thôn

04:03, 05/03/2014

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, địa hình rộng, phức tạp và chia cắt. Mặc dù vậy, những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn đã có bước phát triển nhanh chóng, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, địa hình rộng, phức tạp và chia cắt. Mặc dù vậy, những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) đã có bước phát triển nhanh chóng, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, trên địa bàn này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT ở cả hạ tầng cơ sở (HTCS), phương tiện và người tham gia giao thông.  
 
Theo Ban ATGT tỉnh: Chỉ tính riêng trong tháng 2 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ, làm 13 người chết, 11 người bị thương; Lực lượng công an tỉnh thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT 3.230 trường hợp... Nếu tính 2 tháng đầu năm 2014, tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn, các tuyến đường tỉnh qua vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh chiếm 30,55% và vẫn có chiều hướng tăng. Nguyên nhân là do hiểu biết pháp luật về TTATGT của người dân trong khu vực còn hạn chế, chưa tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tỷ lệ người vi phạm TTATGT còn ở mức cao, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy; đường GTNT tuy được cải tạo mở rộng, nâng cấp bê tông hóa, cứng hóa mặt đường nhưng còn thiếu hệ thống chiếu sáng, biển báo và thiết bị bảo đảm ATGT, tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây trồng. Bên cạnh đó, nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo, chính quyền cấp cơ sở còn chưa đầy đủ, chưa huy động được các lực lượng bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn. 
 
Nhằm ngăn chặn tình trạng TNGT gia tăng ở khu vực nông thôn, các cấp và các ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật TTATGT của người dân khi tham gia giao thông; huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống GTNT bảo đảm an toàn, đồng thời huy động các lực lượng bảo đảm TTATGT; tạo sự chuyển biến trong hoạt động bảo đảm TTATGT nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới…
 
Bên cạnh mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2017, cơ bản 100% số xã (118 xã) ở Lâm Đồng đạt tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, vấn đề tăng cường giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó một số đơn vị hữu quan phải vào cuộc một cách tích cực. Đối với Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Nông dân tham gia bảo đảm TTATGT” với 3 nội dung trọng tâm: Tuyên truyền, vận động người dân ở nông thôn thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT; tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng GTNT an toàn; phổ biến, hướng dẫn và vận động người dân kỹ năng điều khiển các phương tiện giao thông an toàn. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, tuân thủ quy định tốc độ, phòng chống việc uống rượu bia điều khiển phương tiện, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, bảo đảm an toàn đường thủy đối với khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp tổ chức MTTQ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh… quan tâm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT”, “Phụ nữ tham gia bảo đảm TTATGT vì hạnh phúc của mỗi gia đình”, “Cựu chiến binh Việt Nam tham gia giữ gìn TTATGT” và tuyên truyền tiêu chí “Văn hóa giao thông” đến hội viên, đoàn viên… Đối với Ban An toàn giao thông xã, thị trấn cần tăng cường chỉ đạo lực lượng công an xã phối hợp với lực lượng công an huyện tăng cường tuần tra kiểm soát trên địa bàn phức tạp; phát huy vai trò các tổ tự quản ATGT để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện pháp luật về TTATGT, giải tỏa các chướng ngại, đảm bảo hành lang an toàn các tuyến đường thuộc đường nông thôn, khu vực chợ ở địa phương.
 
BÌNH NGUYÊN