Thạnh Mỹ với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"

02:03, 02/03/2014

Góp phần làm thay đổi diện mạo một huyện nông thôn mới phải kể đến thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Trong đó, nòng cốt là việc xây dựng và thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".

Góp phần làm thay đổi diện mạo một huyện nông thôn mới phải kể đến thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Trong đó, nòng cốt là việc xây dựng và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
 
Chuyển đổi cây trồng từ rau sang hoa theo hướng công nghệ cao của gia đình chị Vũ Thị Hậu (Lạc Xuân, Đơn Dương) cho thu nhập cao và ổn định
Chuyển đổi cây trồng từ rau sang hoa theo hướng công nghệ cao của gia đình chị Vũ Thị Hậu (Lạc Xuân, Đơn Dương) cho thu nhập cao và ổn định
 
Ông Huỳnh Thái Thân - đại diện Ban Thường trực UBMTTQ thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ, trên cơ sở thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa MTTQ với chính quyền và các đoàn thể thị trấn, Ban Thường trực đã triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp tích cực. Trong đó, đặc biệt quan tâm vai trò hạt nhân, gương mẫu đi đầu của lực lượng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; vai trò của các vị chức sắc, tôn giáo, già làng, người có uy tín trong cộng đồng. 
 
Trên cơ sở 5 nội dung chính của Cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” mang tính toàn dân, toàn diện và lâu dài do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động từ năm 1995 đến nay và chỉ đạo của cấp tỉnh, huyện, thị trấn Thạnh Mỹ đã chủ động xây dựng và triển khai vận động nhân dân tham gia 2 cuộc thi “Đường, hẻm xanh - sạch - đẹp” và cuộc thi hộ gia đình có “Hàng rào - cổng - sân nhà đẹp, kiểu mẫu” gắn với các nội dung xây dựng nông thôn mới. Đây chính là yếu tố làm nên diện mạo một thị trấn đẹp, kiểu mẫu. Trước khi vận động, UBMTTQ thị trấn đã tiến hành họp lấy ý kiến của nhân dân và nhận được sự đồng thuận cao. Chính vì thế, ngay sau khi phát động cuộc thi, bà con đã bắt tay vào việc đầu tư xây hàng rào, cổng, đến việc trồng cây, hoa, giữ gìn vệ sinh môi trường... Thông qua đó, ý thức về việc xây dựng khu dân cư văn hóa, bảo vệ môi trường cũng được người dân quan tâm hơn. Các tổ dân phố, hộ gia đình làm tốt sẽ được tuyên dương, khen thưởng vào dịp tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân” tại khu dân cư 18/11 hàng năm, điển hình như tổ dân phố Nghĩa Thị, Nghĩa Lập, M’Lọn…đã được khen thưởng vì thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
 
Việc đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa cũng được chú trọng ngay từ đầu năm. 100% hộ gia đình và tổ dân phố ngay sau khi đăng ký đều có ý thức, chấp hành đầy đủ các quy định, nhất là việc giữ gìn thuần phong mỹ tục văn hóa trong gia đình, lối xóm, tích cực chăm lo phát triển sản xuất, làm kinh tế, nuôi dạy con cái học giỏi, chăm ngoan, không vi phạm các tệ nạn xã hội, hưởng ứng tham gia tích cực các hoạt động ở khu dân cư. Đến cuối năm 2013, cơ bản 100% hộ gia đình, tổ dân phố đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa.  
 
Tại các buổi sinh hoạt định kỳ tại tổ dân phố, vai trò của đảng viên, cán bộ được phát huy rõ nét, thể hiện sự gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Bên cạnh đó, giúp Ban vận động tuyên truyền, phát huy nội lực trong nhân dân như vận động từng nhà dân, người dân tham gia ủng hộ đóng góp tiền của, ngày công lao động để từng bước hoàn thiện 5 nhà sinh hoạt cộng đồng, với tổng kinh phí trên 410 triệu đồng. 
 
Riêng với thôn đồng bào DTTS M’Lọn, Ban Thường trực UBMTTQ đã chọn già làng, người uy tín trong thôn để vận động. Bên cạnh việc đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đến nay thôn M’Lọn đã không còn các tệ nạn hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thậm chí nhiều hộ gia đình ở M’Lọn còn vượt mọi tiêu chí của một gia đình văn hóa, trở thành những tấm gương cho mọi người trong thôn noi theo. 
 
Chính từ việc thường xuyên phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQ với chính quyền, nên hầu như các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thị trấn đều đạt và vượt chỉ tiêu. Trên cơ sở các nghị quyết của huyện, thị trấn, MTTQ và các tổ chức thành viên đã có sự phối hợp với các cấp chính quyền tiến hành tuyên truyền, vận động trong nhân dân. Trong đó, vai trò của các vị tổ trưởng tổ dân phố, già làng, cán bộ mặt trận… đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chọn cách vận động hợp lý để nhân dân hiểu và làm theo. Kết quả năm 2013, thị trấn Thạnh Mỹ đều thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thu nộp ngân sách cũng như các loại quỹ từ thiện xã hội, tăng trưởng kinh tế 16%, 100% khu dân cư đạt chuẩn văn hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng (năm 2008) đến cuối năm 2013 đạt 37 triệu đồng, hộ nghèo giảm xuống còn 1,13%. Thạnh Mỹ được chọn là địa bàn trọng điểm để tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới một cách toàn diện. 
 
Nói về những kinh nghiệm trong quá trình triển khai cuộc vận động, ông Huỳnh Thái Thân cho biết: Một trong những kinh nghiệm triển khai tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” chính là ở người cán bộ làm công tác dân vận phải quán triệt, nhận thức thấu đáo các nội dung, tiêu chí và các yêu cầu, tác dụng của cuộc vận động, thông qua đó tìm phương pháp vận động, tuyên truyền phù hợp, tạo sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò hạt nhân của đảng viên, cán bộ cũng góp phần quan trọng làm nên thành công. Cán bộ, đảng viên gương mẫu, nói đi đôi với làm cũng là cách để nhân dân soi vào và thực hiện, làm theo.  
 
Nguyệt Thu