Trong những ngày xuân ấm áp tràn đầy niềm vui thì cùng với tất cả mọi người sinh sống trên dải đất hình chữ S thân yêu này đã có hơn 2 ngàn con dân đất Việt từ nước ngoài về nước dịp này để được sống trong bầu không khí đầy ắp yêu thương của quê hương, được đắm mình trong những không gian rộn ràng với nhiều hoạt động đầy bản sắc dân tộc…
Cả dân tộc ta, cả đất nước ta vừa mới ăn thêm một cái Tết đầm ấm, bình yên và đang đón một mùa xuân mới với nhiều hy vọng vào sự phát triển đi lên của đất nước… Trong những ngày xuân ấm áp tràn đầy niềm vui thì cùng với tất cả mọi người sinh sống trên dải đất hình chữ S thân yêu này đã có hơn 2 ngàn con dân đất Việt từ nước ngoài về nước dịp này để được sống trong bầu không khí đầy ắp yêu thương của quê hương, được đắm mình trong những không gian rộn ràng với nhiều hoạt động đầy bản sắc dân tộc… Còn những người xa xứ nào chưa về được trong những ngày Tết thì đều hướng về Tổ quốc với nỗi niềm da diết thương nhớ quê nhà…
|
Đà Lạt vào xuân - Ảnh: Phan Văn Em |
Thật vậy, trong lòng những người Việt xa xứ những ngày cuối năm âm lịch lúc nào cũng đau đáu một niềm mong ước là được về: về để được ăn Tết, về để được đón Xuân cùng với gia đình, người thân, bạn bè, lối xóm và cả nước… Cho nên những ai mà không về được trong những ngày cả dân tộc đón Tết, cả đất nước vào xuân mà trái lại còn phải đi làm, còn phải đi học vì không được nghỉ, chưa kể là còn phải chịu đựng thời tiết lạnh lẽo giá buốt… thì cũng phải tranh thủ sắp xếp thời gian khác để gặp gỡ những người cùng xa xứ hay tổ chức đón Tết chính trong phạm vi gia đình nhỏ của mình. Để được sắp xếp bàn thờ, được thắp nén nhang thơm vọng về quê cha đất tổ và được thưởng thức những món ăn đậm đà mùi vị quê hương và chắc chắn rằng đã không ít giọt nước mắt đã rơi, không ít trái tim đã quặn thắt… khi nhớ về những ngày Tết xa xưa khi ở Việt Nam. Dịp này được cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên ông bà; chiều 30 Tết được sum họp với các thành viên khác trong gia đình bên mâm cỗ tất niên; những ngày mùng một, mùng hai Tết được đi chúc Tết bà con họ hàng hai bên nội, ngoại và cả những người quen biết đầu làng cuối xóm; mùng ba Tết thì đi chúc Tết thầy cô và đưa ông bà và còn được lì xì mừng tuổi cũng như tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc trong suốt tháng giêng… Và điều quan trọng nhất là được sống trong cả một không gian tràn đầy tình cảm và niềm vui của đất nước mến yêu… Không thể về quê cha đất tổ đón tết - những nỗi niềm đau đáu đó đã, đang và sẽ biến thành những hành động vô cùng thiết thực là hướng lòng mình về Tổ quốc, là ủng hộ đất nước đi lên, là đóng góp xây dựng quê hương bằng nhiều việc làm ý nghĩa như gửi ngoại hối về hoặc góp vốn đầu tư vào các dự án, là nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, là tích cực hỗ trợ giúp sức cho những hoạt động trong nước, là được về hát trên chính quê hương của mình… Cũng có nhiều người mong mỏi đến những ngày cuối đời của mình thì sớm được về lại Việt Nam để được sống trong không khí yêu thương của quê hương đất nước và để đến khi tuổi cao sức yếu có được sự chăm sóc ân cần chu đáo của những người thân, khi nhắm mắt xuôi tay sẽ được nằm dưới lòng đất mẹ trong sự tiếc thương của tất cả những người chung quanh…
Thế nhưng trớ trêu thay, hiện nay lại có một số ít người đang sống nhưng lại không nhớ, không biết mình đang được sống trên đất nước của chính mình và đang được hít thở bầu không khí ấm áp, quen thuộc của quê hương; đang được thưởng thức những sản vật tươi ngon do những người nông dân “một nắng hai sương” và “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm nên… Họ cũng đang được sử dụng những phương tiện sinh hoạt tiện nghi với những nguồn năng lượng điện, nước, xăng dầu do những người công nhân ngày ngày tất bật, vất vả trên công trường, trong nhà máy tạo nên… Ngày ngày họ được đi trên những con đường rộng rãi, đẹp đẽ và nhất là sạch sẽ từ những giọt mồ hôi của những người công nhân vệ sinh và con cháu của họ đang ngày ngày cắp sách đến những ngôi trường để được học chữ, học lễ nghĩa và học cả truyền thống bất khuất, lòng tự hào của dân tộc và tình nghĩa đồng bào để biết thế nào là lẽ phải… So ra, họ hơn hẳn những con dân đất Việt còn phải xa xứ vì họ còn được ăn những cái Tết và đón những mùa xuân ngay chính trên đất nước của mình… Thế mà họ lại đang hậm hực trước cuộc sống đang đi tới, họ đang bực tức với những thành quả mà cả dân tộc đã và đang đạt được. Họ ở ngay đất nước mình, được hưởng thụ, được thưởng thức tất cả những gì mà đất nước và mọi người chung quanh đang mang lại nhưng họ cứ làm như không hay, không biết gì hoặc là thấy đó, biết đó để rồi quên ngay, chẳng nhớ được gì… Thậm chí lúc nào họ chỉ nghĩ đến những phương trời xa lạ, đến những con người xa lạ mà đó lại chính là những nơi, những người đang tìm mọi cách phá hoại cuộc sống yên lành của tất cả mọi người… Họ lại mau quên đến nỗi ăn vừa xong bữa cơm từ gạo Việt Nam chứ đâu phải thức ăn gì khác của nước ngoài tài trợ đã vội quẹt mỏ nói xấu này nói xấu nọ về đất nước. Họ cũng chóng quên đến nỗi mới đi đâu về và vừa hít thở bầu không khí cởi mở của đất nước chứ đâu phải bầu không khí lạ lẫm của những phương trời xa lạ khác đã vội chê trách cuộc sống hiện nay là thế này thế nọ… Cuộc sống của họ thật ra có gì mà yên vui đâu khi suốt cả ngày, suốt cả tuần, suốt cả năm và năm này qua năm khác họ hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, chờ đợi trong vô vọng, lên mạng cố tìm những gì họ muốn, để chat với những kẻ “đồng hội đồng thuyền”, để loan truyền những điều bịa đặt và còn tìm mưu tính kế để mà “bẻ nạng chống trời”, để mà đi ngược lại cuộc sống đang đi tới… Họ lu loa đủ thứ nào là phải dân chủ như thế này, là phải đảm bảo nhân quyền như thế kia nhưng cũng không thể nào ngờ rằng ngày 12/11/2013 Việt Nam lại được 184/193 nước trong Liên Hiệp Quốc bầu bổ sung vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất. Đó cũng chính là một cái tát nảy lửa, một cái tát đích đáng vào mặt những kẻ xuyên tạc vu khống như họ và những con người như họ. Chắc chắn rằng họ không những đã, đang và sẽ nhận được những lời nguyền rủa từ phía cộng đồng mà còn phải đã, đang và sẽ nhận cả những bát mắm tôm, những nhát chổi và những lập luận vạch trần bộ mặt “giả nhân giả nghĩa” của họ từ chính những bà buôn gánh bán mẹt, từ những ông lính già và từ tất cả những ai có lòng yêu nước chân chính… Và không biết cuộc sống của họ sẽ ra sao và cuộc đời của họ sẽ như thế nào nếu một khi họ từ bỏ quê cha đất tổ để đi đến một “vùng đất hứa” nào đó và trở thành những kẻ xa xứ cô đơn, lạc lõng, bơ vơ nơi đất khách quê người, ngày ngày phải trông chờ vào sự ban phát của ai đó… Hoặc ngược lại là tiếp tục sống trong cám cảnh phải chịu đựng nỗi âu lo, sự bất ổn từ chính thâm tâm của mình mà ra và đến khi họ chết đi thì thử hỏi họ có được yên lòng, thanh thản ra đi hay không khi mọi người sẽ tiếp tục lên án, chê trách thậm chí nguyền rủa. Ông bà xưa thường căn dặn phải nhớ là “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” và cả khi nằm xuống lòng đất mẹ bao dung họ có thấy mình có xứng đáng là người con của đất nước, của dân tộc hay không???
Đã đến lúc những con người đang lầm lỡ như vậy hãy suy nghĩ lại và phải suy nghĩ thật kỹ về tất cả khi tuổi mình đã xế chiều, khi sức khỏe của mình không còn được như trước nữa… Hãy suy nghĩ thật đầy đủ và thật đúng đắn khi còn chưa muộn để còn quay về với vòng tay nhân ái của cả một dân tộc sẵn có truyền thống nhân nghĩa và thấm đẫm tinh thần “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Và cũng để quay lại sống yên ổn hơn, thanh thản hơn cùng với mọi người đang tích cực nỗ lực vươn lên trong cuộc sống hàng ngày và cùng với đất nước đang ngày càng ra sức phấn đấu đi tới tương lai tươi sáng.
NGÀN THÔNG