Trồi - sụt bảo hiểm y tế

04:03, 13/03/2014

Nhìn vào biểu đồ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh trong vòng 4 năm qua, mỗi năm chỉ nhích lên 1% - 4%, vậy mà chỉ trong vòng 2 tháng tỉ lệ tham gia BHYT giảm đến 4%.

Nhìn vào biểu đồ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh trong vòng 4 năm qua, mỗi năm chỉ nhích lên 1% - 4%, vậy mà chỉ trong vòng 2 tháng tỉ lệ tham gia BHYT giảm đến 4%.
 
Cụ thể độ bao phủ BHYT của Lâm Đồng năm 2013: 61,7%, đến tháng 2/2014: 57%. Kế hoạch tỉnh giao cho các địa phương phấn đấu năm 2014 tăng độ phủ BHYT lên 64% và UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch về tỉ lệ tham gia BHYT cho các địa phương.
 
Ông Đoàn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Mâu thuẫn là chúng ta làm rất tốt chính sách giảm nghèo nhưng lại giảm tỉ lệ bao phủ BHYT, giảm đi 4%, đây là số đối tượng nghèo được nhà nước mua BHYT bây giờ đã thoát nghèo. Mức độ giảm nghèo của Lâm Đồng cao hơn toàn quốc, cuối năm 2013 số hộ nghèo còn 4,13% (toàn quốc 7,8%), hộ cận nghèo 4,52%. Số hộ nghèo đã giảm 2,18% so với đầu năm 2013, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,48%. 
 
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích: Lâm Đồng có tỉ lệ tham gia BHYT thấp hơn so với cả nước 68%, tỉnh phải nỗ lực để đạt lộ trình BHYT toàn dân: đạt trên 70% dân số tham gia BHYT năm 2015 và trên 80% đến năm 2020. Vấn đề là kinh tế phát triển, số hộ cận nghèo giảm đi, nhà nước không hỗ trợ nữa, họ chuyển sang đối tượng tự nguyện chưa chắc tham gia BHYT, dẫn đến tỉ lệ bao phủ BHYT giảm thì nguồn tiền quỹ BHYT sẽ giảm. Để tăng BHYT toàn dân thì chất lượng dịch vụ y tế tăng, giá dịch vụ phải tăng cao. Mâu thuẫn là chất lượng dịch vụ y tế khó cải thiện khi giá dịch vụ điều chỉnh chưa đủ, BHYT tụt đi, nguồn tài chính ở đâu ra để chi trả cho người khám chữa bệnh BHYT. Nếu không điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp thì chất lượng dịch vụ y tế thấp, người dân không muốn tham gia BHYT vì họ tự bỏ tiền túi còn hơn mua BHYT để hưởng dịch vụ thấp. 
 
Theo Bộ Y tế, hiện nay giá dịch vụ y tế không thống nhất trong toàn quốc, mỗi tỉnh một giá khác nhau và mới thực hiện thu một phần viện phí (3/7 yếu tố). Lâm Đồng mới thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh đợt 1 theo quy định đối với 347 dịch vụ kỹ thuật, còn lại 471 dịch vụ cần tiếp tục điều chỉnh. Cơ cấu tài chính trong khám chữa bệnh của ngành y tế Lâm Đồng năm 2013 phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước (chiếm 47,4% tổng thu), các nguồn thu từ BHYT (28,8% tương đương 224,35 tỷ đồng), thu trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ y tế (23,5% khoảng 183,4 tỷ đồng). Như vậy, chi phí khám chữa bệnh của người tham gia BHYT cao hơn người tự bỏ tiền túi ra chữa bệnh chỉ 5%. 
 
Năm 2013 Lâm Đồng có 767.362 người tham gia BHYT, chủ yếu là số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT. Hiện nay có 3 nhóm đối tượng đạt 100% mua BHYT là: nhóm được nhà nước, cơ quan BHXH đóng, người nghèo và cận nghèo. Nhóm đối tượng người lao động có BHYT chiếm 92% với đa số các doanh nghiệp thực hiện tham gia BHYT đầy đủ cho người lao động. Học sinh - sinh viên thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT được nhà nước hỗ trợ mức đóng nhưng tỉ lệ tham gia chỉ đạt 75%. Người tự nguyện tham gia BHYT 13,6% đang ở mức thấp nhất trong nhóm đối tượng tham gia BHYT.
 
Xem xét về tần suất khám chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT, đối tượng tự nguyện mua BHYT thấp nhưng tần suất khám chữa bệnh cao nhất 4,94 lần/thẻ/năm. Kế đến là đối tượng chính sách cũng thường xuyên dùng thẻ BHYT 4,48 lần/thẻ/năm. Ít dùng đến thẻ BHYT là đối tượng học sinh –sinh viên chỉ 0,76 lần/thẻ/năm. Người nghèo, cận nghèo chỉ sử dụng 1,38 lần/thẻ/năm. Tính trung bình tần suất khám chữa bệnh của các đối tượng BHYT đạt 2,08 lần/thẻ/năm 2013, thấp hơn so với tần suất khám chữa bệnh chung toàn tỉnh 2,53 lần/người/năm. 
 
Số người mua BHYT tự nguyện chiếm tỉ lệ thấp nhất nhưng chi phí khám chữa bệnh BHYT thuộc mức cao, chỉ đứng sau đối tượng được nhà nước đóng BHYT. Nhìn tổng thể, thu BHYT toàn tỉnh 466,755 tỷ đồng, chi phí khám chữa bệnh BHYT 340,624 tỷ đồng, còn kết dư BHYT năm 2103 là 126,131 tỷ đồng. Cả nước trên 2.000 tỷ đồng kết dư BHYT có nhiều lý do nhưng không tốt cho người tham gia BHYT và tại Lâm Đồng việc điều tiết 60% quỹ kết dư BHYT để phục vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh còn chưa thực hiện được. 
 
Khảo sát ở Trung tâm Y tế Đà Lạt, một đơn thuốc của đối tượng tham gia BHYT bắt buộc trung bình 100 ngàn đồng/đơn, thì với đối tượng cán bộ hưu trí và người tự nguyện mua BHYT trung bình 130 ngàn đồng/đơn thuốc. Đơn thuốc khám chữa bệnh chuyên khoa chỉ 80.000 đồng/đơn thuốc, trong khi bệnh nhân 1 tháng phải dùng trên 1 triệu đồng thuốc mới đáp ứng được điều trị chuyên khoa. Việc không quy định trần đơn thuốc với bệnh mạn tính, mắc nhiều bệnh cùng lúc nên đơn thuốc có khi trên 1 triệu đồng với 13 loại thuốc/đơn và phổ biến là 4 loại/đơn thuốc. Ở Trung tâm Y tế Bảo Lộc năm 2011 chi phí 61% tiền thuốc vào nhóm đối tượng BHYT tự nguyện vì họ đều mắc bệnh cần chăm sóc y tế cao hơn, năm 2012 chi phí khám chữa bệnh đa tuyến của đối tượng BHYT tự nguyện gấp 5-6 lần các đối tượng khác. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cho biết, nhờ Thông tư của Bộ Y tế quy định danh mục thuốc chi trả BHYT, phần chi phí giá thuốc có tỉnh giảm từ 20% - 40%, trong đó có Lâm Đồng, riêng Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng mức chi khám chữa bệnh BHYT thấp chỉ bằng ½ cả nước. 
 
Đối tượng người nghèo, cận nghèo nhà nước hỗ trợ có BHYT 100% nhưng hiện nay việc cùng chi trả 5% đối với nhóm người nghèo, 20% đối với cận nghèo còn gặp khó khăn khi họ mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo không còn khả năng chi trả. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng có quỹ khám chữa bệnh người nghèo hỗ trợ chi phí tối đa 10 triệu đồng/đợt điều trị và không quá 4 đợt/năm. Từ năm 2012 - 2013 quỹ đã hỗ trợ cho 4.068 lượt bệnh nhân với tổng kinh phí 16,434 tỷ đồng. 
 
Từ những bất cập nêu trên thì đến lúc Luật BHYT cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và tái đầu tư hệ thống y tế công phục vụ dịch vụ có chất lượng hơn.
 
DIỆU HIỀN