Tự hào chặng đường 35 năm đổi mới

04:03, 12/03/2014

Sau 35 năm nỗ lực phấn đấu, từ chỗ có xuất phát điểm rất thấp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Lạc Dương hôm nay đã có bước tiến dài...

“Sau 35 năm nỗ lực phấn đấu, từ chỗ có xuất phát điểm rất thấp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Lạc Dương hôm nay đã có bước tiến dài. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt, diện mạo quê hương từ thành thị đến nông thôn đều đổi mới…”, đó là niềm tự hào của nhân dân huyện nhà được đồng chí Bí thư Huyện ủy Đỗ Quý Uy trao đổi với Báo Lâm Đồng về những thành tựu của huyện Lạc Dương sau 35 năm hình thành và phát triển.
 
PV: Trước hết, xin chúc mừng huyện Lạc Dương nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập. Và xin đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết những nét khái quát sự hình thành của huyện?
 
Đồng chí Đỗ Quý Uy
Đồng chí Đỗ Quý Uy
Đồng chí Đỗ Quý Uy: Trước hết, phải tự hào rằng huyện Lạc Dương là một vùng căn cứ cách mạng. Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lạc Dương là một địa bàn có vị trí chiến lược ở Nam Tây Nguyên. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, đồng bào các dân tộc trong huyện đã một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Đặc biệt, xã Đạ Chais là căn cứ anh hùng, kiên cường bám trụ và cung cấp sức người, sức của cho cách mạng và đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1975 khi nước ta thiết lập hệ thống hành chính mới, huyện Lạc Dương được thành lập nhưng đến tháng 11/1975 lại giải thể huyện, các xã nhập về huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng. Quá trình hình thành và phát triển, để phù hợp với địa giới hành chính và đặc biệt là việc giải quyết vấn đề Fulro, huyện Lạc Dương được thành lập lại vào ngày 14/3/1979 theo Quyết định số 116/CP của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Đây là sự kiện quan trọng của nhân dân các dân tộc trong huyện, mở đầu giai đoạn huyện Lạc Dương được hình thành về mặt pháp lý và tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng huyện. Đến nay, toàn huyện có 6 đơn vị hành chính gồm 5 xã và 1 thị trấn. 
 
PV: Trải qua 35 năm, huyện Lạc Dương có những thành tựu gắn với những giai đoạn phát triển nào thưa đồng chí Bí thư?
 
Đồng chí Đỗ Quý Uy: 35 năm qua, huyện Lạc Dương đã trải qua 8 giai đoạn phát triển nhưng tóm gọn lại thì thành 3 giai đoạn chính phù hợp với tình hình chung của tỉnh và đặc thù riêng của huyện. 
 
Giai đoạn đầu là từ khi thành lập 1979 - 1985: Đây là giai đoạn xây dựng, giai đoạn này huyện Lạc Dương tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm: một là lãnh đạo, phát động toàn dân thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiên quyết tấn công truy quét bên ngoài, bóc gỡ bọn nằm vùng bên trong để giải quyết vấn đề Fulro; hai là tiến hành định canh, định cư, đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện một cách toàn diện nhằm từng bước đưa sản xuất phát triển, sớm ổn định đời sống nhân dân và có lương thực đóng góp cho Nhà nước. Huyện đã kiên trì phát động quần chúng, tiếp tục xây dựng lực lượng cơ sở kết hợp với lực lượng vũ trang, do đó, trong đấu tranh giải quyết vấn đề Fulro trên toàn huyện đã giành được thắng lợi lớn, đẩy chúng vào thế tan rã cơ bản và suy yếu nghiêm trọng. Hoàn thành cơ bản cuộc vận động định canh định cư, ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân.
 
Giai đoạn 1986 - 2010: Đây là giai đoạn phát triển của huyện Lạc Dương, bước đầu huyện đã khẳng định được thế mạnh của mặt trận sản xuất nông nghiệp, huyện đã có nhiều chủ trương, biện pháp thích hợp để phát triển theo hướng kinh doanh tổng hợp nhằm vừa đảm bảo về nhu cầu lương thực, thực phẩm, vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa. Cơ bản đã giải quyết nhu cầu lương thực của đại đa số nhân dân. Trong giai đoạn này, toàn huyện đã nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế, nhất là cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư làm cho diện mạo nông thôn huyện nhà có nhiều khởi sắc. Từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chủ yếu là rau, hoa cao cấp, dâu tây, dược liệu và nuôi cá nước lạnh. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đi đôi với việc chỉnh trang đô thị, xây dựng thị trấn Lạc Dương và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có bước chuyển biến rất đáng kể, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS theo đúng lộ trình, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được gắn kết với các phong trào yêu nước khác ngày càng đi vào chiều sâu và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng…
 
Giai đoạn 2011 - 2013: Đây là những năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX. Tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước chuyển rất tích cực, các chỉ tiêu lớn thực hiện đã đạt và gần đạt kế hoạch của cả nhiệm kỳ đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,3%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và theo định hướng. Năm 2013, GDP đạt 29,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,01%, trong đó, hộ đồng bào DTTS còn 8,98%. Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhận được sự hưởng ứng của người dân địa phương. Đến nay, các xã đã đạt từ 6 - 11 tiêu chí. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định…
 
Đồng chí Đỗ Quý Uy - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương (giữa) tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của huyện năm 2013.
Đồng chí Đỗ Quý Uy - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương (giữa) tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của huyện năm 2013.
 
PV: Vậy những định hướng phát triển chủ yếu của huyện trong thời gian tới?
 
Đồng chí Đỗ Quý Uy: Phát huy những kết quả đạt được, huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục tăng cường sự đoàn kết thống nhất, khắc phục những tồn tại khó khăn, bám sát những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm. Trong đó, có 8 nhiệm vụ chính gồm: Một là tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý và bền vững; Hai là tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường; Ba là thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế; Bốn là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm; Năm là đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; Sáu là thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; Bảy là tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tám là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính từ huyện đến cơ sở, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm. Huyện Lạc Dương sẽ phấn đấu phát triển toàn diện về mọi mặt, cùng với tỉnh và cả nước thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 
 
PV: Vâng, xin cảm ơn đồng chí!
 
Tuấn Hương (Thực hiện)