Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ

03:03, 25/03/2014

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác Hồ luôn chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải luôn ghi nhớ: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (1)...

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác Hồ luôn chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải luôn ghi nhớ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (1). Luận điểm đó phản ánh tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ cách mạng, một nhà văn hóa lớn, nó chứa đựng một thế giới quan khoa học, trở thành một chân lý của cách mạng. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược để đảm bảo thắng lợi cách mạng nước ta.
 
Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(2). Người xem xét thanh niên một cách toàn diện, luôn tin tưởng và nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”(3). Thanh niên là lực lượng quan trọng xây dựng và phát triển đất nước: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(4).
 
Với điều kiện cụ thể của nước ta, Bác Hồ luôn gắn thanh niên với dân tộc, đồng thời gắn với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và Đảng tiên phong. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Người đã nêu tư tưởng: Muốn thức tỉnh dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”(5). Người chỉ ra việc tập hợp rộng rãi thanh niên trong Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và xây dựng tổ chức Đoàn thành lực lượng nòng cốt. Theo Người, Đoàn “là cánh tay đắc lực để thực hiện những chủ trương và chính sách cách mạng”(6). Đến năm 1966, tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Đoàn, Bác Hồ chỉ rõ: “Đoàn Thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của Đảng, là người phụ trách dìu dắt các cháu nhi đồng”(7). Người luôn nhắc nhở cán bộ làm công tác Đoàn và thanh niên “phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ” và tìm ra phương thức hoạt động phù hợp với tuổi trẻ.
 
Từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc, Bác Hồ đã nêu lên một luận điểm có tính quy luật: “thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên cũng được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”(8).
 
Trong mọi thời kỳ cách mạng, nhất là trước những bước ngoặt, trước những tình huống quyết liệt, khó khăn của dân tộc, Bác Hồ vẫn luôn tin tưởng vững chắc rằng: Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người luôn đặt thanh niên trong tư cách là một chủ thể đang phát triển, đang được tiếp tục hoàn thiện. Theo Người, trong thanh niên nói chung và mỗi cá thể nói riêng đều có cả mặt mạnh và mặt yếu, đều tiềm ẩn những khả năng lớn cũng như hạn chế. Bác Hồ đòi hỏi “đoàn viên phải gương mẫu”, “thanh niên phải làm đầu tàu, xung phong gương mẫu”. Năm 1950, Người khuyên thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”(9).
 
Trong di sản tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục thanh niên, vấn đề cốt lõi nhất là quan điểm giáo dục toàn diện, mà nội dung bao gồm: giáo dục chính trị; giáo dục đạo đức; giáo dục văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự; giáo dục lao động-nghề nghiệp; giáo dục sức khỏe và thể chất; giáo dục nhân cách, thẩm mỹ, pháp luật,vv… Theo Bác Hồ, giáo dục toàn diện phải coi trọng cả “đức” và “tài” và mối quan hệ giữa hai mặt đó trong sự hoàn thiện nhân cách của con người mới. Người thanh niên có thể phát huy tiềm năng của mình và làm tròn sứ mệnh của mình đối với Tổ quốc. Đó là những con người “vừa hồng vừa chuyên”. Trong thư gửi cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, ngày 31-8-1960, Bác Hồ đã nêu rõ: “Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa kỹ thuật, lao động và sản xuất”(10).
 
Bác Hồ có rất nhiều bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và hiếu với dân, là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Đạo đức cách mạng là ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và khiêm tốn, giản dị. Đạo đức cách mạng cũng đồng thời là tin tưởng vào sự nghiệp của Đảng, trí tuệ của tập thể, của nhân dân và kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Trong 5 điều dạy thanh niên, Bác Hồ nhắc nhở thanh niên kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do vì nó là kẻ thù hung ác nhất của chủ nghĩa xã hội. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng”(11). Tại Đại hội lần thức III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người nêu rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội”(12). 
 
Khi nói đến vấn đề đạo đức của thanh niên, Người nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(13). Trong cuộc sống, Người căn dặn mỗi người thanh niên cần phải tự ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức từ việc lớn cho đến việc nhỏ, biết thương yêu gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ, người cao tuổi, nâng đỡ dìu dắt thiếu nhi, quý trọng và hiếu thảo với nhân dân. Bởi vì “cũng như sông có nguồn thì có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (14).
 
Cùng với việc tăng cường giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, Bác Hồ quan tâm đến giáo dục nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp cho thanh niên. Qua thư gửi học sinh nhân ngày khai trường, tháng 9/1945, Người gửi gắm vào thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em”(15).
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức. Vận mệnh quốc gia, dân tộc đang được khẳng định bởi ý chí, nghị lực, bản lĩnh và hành động cụ thể của thế hệ trẻ hôm nay. Đại hội toàn quốc lần thứ XI (2011) của Đảng nhấn mạnh: “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(16”.
 
Để thực hiện một trong những chức năng quan trọng chính của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là “Trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, Đoàn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp mới có tính định hướng, dẫn dắt thanh, thiếu niên theo những giá trị cốt lõi của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ. Được biết, sắp đến Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện Đề án và Nghị quyết về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2013-2017”, Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, Chỉ thị về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn”. Trong đó, đặc biệt coi trọng tính nêu gương của thanh niên đối với thiếu niên, nhi đồng, của đoàn viên đối với thanh niên, của cán bộ đoàn đối với đoàn viên, của cán bộ cấp trên đối với cán bộ cấp dưới… Đồng thời, tiếp tục phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội với các đoàn thể quần chúng nhân dân nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.
 
(1) (7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, T.12, tr.498, 65.
(2) (15) Sđd, T.4, tr.167, 33
(3) (10) (12) Sđd, T.10, tr.488, 190, 306
(4) (14) Sđd, T.5, tr.185, 252-253
(5) Sđd, T.2, tr.133
(6) Sđd, T.8, tr.263
(8) Sđd, T.7, tr.398
(9) Sđd, T.6, tr.95
(11) (13) Sđd, T.9, tr.283, 293
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ XI, NXB CTQG, H.2011, tr.243
 
KIỀU MINH