"Tôi không nhận sổ hộ nghèo; tôi tự làm, làm lúa, làm bắp nuôi con nuôi cái…". Đó là Rơ Ông Ha Tang, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đưng K'Nớ, năm nay đã 76 tuổi.
Năm 2009, trên sân khấu Đại hội người dân tộc thiểu số tiêu biểu huyện Lạc Dương, ông già K’Ho cất lời làm hàng trăm người ngồi dưới ngỡ ngàng. Rằng: “Tôi không nhận sổ hộ nghèo; tôi tự làm, làm lúa, làm bắp nuôi con nuôi cái…”. Đó là Rơ Ông Ha Tang, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đưng K’Nớ, năm nay đã 76 tuổi.
Đi hết những cánh rừng chưa mỏi
Ba năm trước, tôi tiếp xúc với ông tại nhà riêng cùng lãnh đạo Mặt trận huyện Lạc Dương. Tháng 3 này, gặp lại, vẫn con người rắn rỏi ấy. Ha Tang và người em vợ, ông Cill Chè, từng là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lát vào đang cùng nhâm nhi trò chuyện. Rơ Ông Ha Tang cầm lon bia 333 mời tôi “uống cho vui” nhưng tôi từ chối. Ông nói: “Vậy nhô không độ” (uống trà xanh không độ). Tôi cảm ơn, chỉ uống nước trà nhà. Ông áy náy mãi nhưng rồi cũng kể chuyện cho tôi nghe.
Để nuôi 12 người con, vợ chồng ông cần mẫn lao động, xoay xở nhiều công việc kiếm tiền. Làm rẫy, làm vườn, chăn nuôi. Hơn thế, vợ dệt thổ cẩm, Ha Tang lội rừng kiếm các loại lâm sản phụ và đan gùi. Xung quanh chúng tôi ngồi ông treo nhiều thứ. Bằng khen của Trung ương, của tỉnh; giấy khen của các cấp; ảnh đại hội, ảnh ông được trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội… và 13 chiếc chiêng cổ. Hai bộ “chiêng sáu” và lẻ 1 “chiêng me” (chiêng mẹ) do ông đi bán thổ cẩm gom được từ nhiều vùng: Đạ Long, Đạ Tông, xã Lát, Đạ Sar, Đạ Chais… Ha Tang cho biết trị giá 13 chiêng này bằng 20 con bò to, riêng một cái chiêng mẹ 5 con bò. “Bây giờ ai mua đúng 20 con bò như hồi đó thì tôi bán, không thì thôi, tôi để làm kỷ niệm. Thiếu tiền thì vay ngân hàng, làm cà phê trả”, ông dứt khoát.
|
Mùa cà phê này ông Ha Tang thu hoạch hơn 2 tấn nhân khô |
Nhận hộ nghèo mắc cỡ quá
Sự kiện Rơ Ông Ha Tang “nói không” với sổ nghèo được rất nhiều cán bộ ở Lạc Dương nể trọng. Ông tâm sự: “Người ta đưa sổ hộ nghèo, tôi nói xin trả sổ. Tôi tự ái luôn. Tôi ở đây, tôi tự làm, làm lúa, làm bắp nuôi con nuôi cái… Nghèo là nghèo từ xưa, do tổ tiên để lại. Tôi không nhận. Bây giờ tôi không nghèo, không giàu, tôi làm đủ ăn, tôi không nhận. Tiếng Pháp nói là “Norme” (chuẩn), tôi là gia đình norman. Ông Kỳ (Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Kỳ-TX) ông biết đấy...”. Hôm sau tôi xác minh qua anh Nguyễn Quốc Kỳ, anh nhận xét: Đó là một con người rất gương mẫu, mẫu mực. 76 tuổi nhưng lao động hăng say, tham gia tích cực các phong trào. Ông đang là Chủ tịch Hội Người cao tuổi, làm gương cho nhiều bà con noi theo.
- Hôm đó tôi cũng dự. Ông ấy lên sân khấu nói: “Tôi có bàn tay có bàn chân tôi làm ra, không cần sổ hộ nghèo. Nhận hộ nghèo mắc cỡ quá”, ông Cill Chè góp vào câu chuyện giữa chúng tôi.
Ha Tang nói tiếp: “Có người nói tôi 12 đứa con sao không nhận hộ nghèo để được hỗ trợ, nhưng tôi không nhận, tôi tự ái. Bây giờ con út của tôi đang học cao đẳng sư phạm, một tháng 2 triệu đồng, vợ chồng tôi lo được”…
Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Lạc Dương Nguyễn Thị Hằng kể lại: Mọi người cũng khuyên ông Ha Tang đừng có trả sổ vì lo cho ông, nhưng ông kiên quyết trả.
Trả và hành động. Với mô hình vườn-ao-chuồng-rừng, hộ ông Rơ Ông Ha Tang đã thoát nghèo vững chắc. Thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2011 là 380 ngàn đồng nhưng năm 2012 đã đạt 1 triệu đồng. Trong 37 hộ thoát nghèo bằng mô hình của huyện Lạc Dương hộ Ha Tang xếp thứ 6 về mức thu nhập chênh lệch cao nhất, bỏ xa hầu hết các hộ khác. Chính tấm gương lao động sản xuất của vợ chồng ông đã trở thành lực hút của mấy hộ trong xã bỏ đi Đăk Lắc mấy năm sau quay lại Đưng K’Nớ làm theo.
Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ Rơ Ông Ha Nhang nhận xét: Ha Tang là người hoàn toàn chịu khó làm ăn theo chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là một gia đình khá giả, con cái được học hành đàng hoàng, hàng xóm tín nhiệm. Hiện ông là người có uy tín nhất xã; bà con học tập được ở ông cách làm ăn, cách đoàn kết thương yêu nhau…
Năm 2013, xã Đưng K’Nớ có 27 hộ thoát nghèo, đạt 140%, cao nhất huyện. Mức tăng trưởng của xã đạt 25,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người 13,6 triệu đồng/năm (kế hoạch là 11 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 21,8% (giảm gần 8% so với năm 2012). Phát huy, xã phấn đấu năm 2014 có thu nhập bình quân đầu người 15 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 18%...Từ một xã 99% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lâm Đồng (trên 54% vào năm 2009 và gần 30% vào năm 2012), bức tranh nông thôn Đưng K’Nớ thực sự đã khoác lên mình tấm áo mới đẹp hơn nhiều lần.
Cây phải có gốc mới xanh tươi
Vai trò là thành viên Mặt trận xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã và già làng, Rơ Ông Ha Tang thường xuyên tuyên truyền mọi người phấn đấu. Bây giờ ông bà đã có hơn 40 người cháu, 3 chắt nhưng vẫn là chỗ dựa vững chắc cả vật chất và tinh thần của con cái. Ở buôn, ông Ha Tang thực sự là thủ lĩnh tinh thần. Ông nói với tôi một thôi như đang đi tiếp xúc với bà con: “Theo Đảng, theo Nhà nước; không nghe, không tin kẻ xấu xúi giục. Cái nào mình làm được thì mình làm, cái nào không làm được có Nhà nước giúp. Phải áp dụng kỹ thuật, ví dụ bón phân đúng thời hạn, phải phun thuốc 2 lần. Phải biết lấy ngắn nuôi dài. Nếu không làm ai nuôi. Ốm đau có y tế, phải cho con cái học hành. Phải ổn định chính trị. Ổn định mới phát triển được... Phải đại đoàn kết các dân tộc, miền núi cũng như miền xuôi. Miền núi giữ núi giữ rừng, miền xuôi giữ muối giữ cá. Đoàn kết với nhau, hợp tác làm ăn, học hành với nhau, đừng chia rẽ… Cây phải có gốc mới xanh tươi, nước phải có nguồn sông mới không cạn. Đất nước đã thống nhất rồi, phải giữ lấy. Từ người tốt không thành người xấu, không tin, không nghe, không làm theo kẻ xấu. Mình có lãnh đạo, có Bác Hồ…”.
Bằng khen của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao cho ông ghi rõ: Có thành tích trong phong trào thi đua “tuổi cao gương sáng”, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở địa phương. Rơ Ông Ha Tang đã tỏa sáng trong đời sống đồng bào vùng sâu. Ông dẫn tôi đi quanh nhà giới thiệu say sưa những sản phẩm do bàn tay mình gây dựng nên: cà phê, đào, chuối, bơ… Đôi mắt sáng, gương mặt hồng hào, ông cười hào phóng. Chợt nghĩ, khi nhiều vùng quê trên đất nước này còn không ít đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn nặng tư tưởng ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước thì Rơ Ông Ha Tang là một điển hình đặc sắc về tự lực tự cường.
Bút ký: TĨNH XUYÊN