Bài học nâng cao hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng LLVT tỉnh hiện nay

04:04, 29/04/2014

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam được kết tinh ở sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam được kết tinh ở sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại Trung đoàn Bộ Binh 994
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại Trung đoàn Bộ Binh 994
 
Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội và nhân dân trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, sự giáo dục, bồi dưỡng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin về vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh vào điều kiện cụ thể của chiến tranh cách mạng và LLVT cách mạng ở nước ta. Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy Mặt trận đã đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bồi dưỡng nhân tố chính trị - tinh thần, nhất là nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho bộ đội. Nền tảng chính trị - tinh thần chính là linh hồn, sức sống, động lực chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ.
 
Trong bài viết “Bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Tinh thần quyết chiến, quyết thắng nói trên của quân đội là do bản chất cách mạng của quân đội ta, do sự dày công giáo dục của Đảng, do các cuộc chiến đấu và chỉnh huấn trước đây đã hun đúc nên. Giữa lúc chiến sự gay go, không phải những nhân tố tiêu cực không nảy nở. Giữ vững và phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng đó là cả một quá trình lãnh đạo và giáo dục, là cả một sự cố gắng liên tục và bền bỉ của công tác chính trị trên chiến trường, lại là một nhiệm vụ lớn của tổ chức Đảng, của chi bộ, của cán bộ”.
 
Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bắt nguồn từ việc nhận thức và phát huy vai trò công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu: “Phải tăng cường công tác chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”. Để phát huy tốt vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần, đồng thời khắc phục những khó khăn của ta trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch của Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch, nhất là các chính ủy, chính trị viên đã tập trung tiến hành nhiều nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động CTĐ, CTCT phong phú, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
 
CTĐ, CTCT đã tiến hành giáo dục, quán triệt tốt tình hình, những thuận lợi và khó khăn mới; phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của ta trong chiến dịch, đặc biệt là những phương châm và nguyên tắc, cũng như các nhiệm vụ và công tác cụ thể về quân sự, chính trị, địch vận, ngoại giao; về công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, đồng thời kiên quyết đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh, sợ gian khổ, khó khăn, hy sinh, bi quan, tiêu cực, hoặc chủ quan, nóng vội. Những biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT, đặc biệt là thư động viên của Bác Hồ trước giờ xuất trận giúp cho mọi cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc ý nghĩa to lớn của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trên cơ sở đó xây dựng tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng, làm nên một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và trở thành một trong những biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX!
 
CTĐ, CTCT đã có vai trò quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ, và sau này, suốt chiều dài gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội nhân dân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, CTĐ, CTCT đã được phát huy, là nhân tố quyết định làm nên những chiến công hiển hách.
 
Từ thực tiễn hoạt động CTĐ, CTCT trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta có thể rút ra những bài học nhằm nâng cao hiệu quả CTĐ, CTCT trong LLVT tỉnh đó là: Cần khẳng định vai trò to lớn của CTĐ, CTCT đối với công tác xây dựng LLVT trong thời kỳ mới, chính vì vậy phải tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật, đặc biệt coi trọng công tác giáo dục những quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ công tác giáo dục thường xuyên, giáo dục truyền thống với nhiều hoạt động bổ trợ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, thống nhất về ý chí và hành động, ý thức giác ngộ cách mạng, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; coi trọng nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Phát huy vai trò của chính ủy, chính trị viên và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động CTĐ, CTCT. 
 
Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp thực hiện, chủ động xây dựng kế hoạch CTĐ, CTCT trong từng nhiệm vụ như: huấn luyện SSCĐ, diễn tập, xây dựng lực lượng, nhiệm vụ tuyển quân… Vận dụng sáng tạo các nội dung, biện pháp CTĐ, CTCT phù hợp với thực tế địa bàn và đặc thù hoạt động công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
 
Đại tá Trần Xuân Quang - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh