Chiến sỹ quân y và dân công hỏa tuyến trong những ngày chiến dịch

04:04, 29/04/2014

Nếu như các chiến sỹ quân y trong chiến dịch phải thường xuyên chứng kiến sự mất mát hy sinh, sự đau thương đến tột cùng về thể xác của các thương bệnh binh, thì những anh chị dân công hỏa tuyến lại đối diện với mưa bom bão đạn để kịp thời tiếp tế cho tiền tuyến… Song, tất cả họ đều chung lòng dũng cảm, niềm lạc quan và niềm tin về một ngày toàn thắng.

Nếu như các chiến sỹ quân y trong chiến dịch phải thường xuyên chứng kiến sự mất mát hy sinh, sự đau thương đến tột cùng về thể xác của các thương bệnh binh, thì những anh chị dân công hỏa tuyến lại đối diện với mưa bom bão đạn để kịp thời tiếp tế cho tiền tuyến… Song, tất cả họ đều chung lòng dũng cảm, niềm lạc quan và niềm tin về một ngày toàn thắng.
 
Ông Trần Văn Thiệu nhớ lại những ngày gian khổ nhưng hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ
Ông Trần Văn Thiệu nhớ lại những ngày gian khổ nhưng hào hùng của
chiến dịch Điện Biên Phủ
 
Ông Trần Văn Thiệu (SN 1926, ngụ thôn Bia Ray xã N’Thôn Hạ, Đức Trọng), nay mặc dù sức khỏe đã suy giảm đi rất nhiều, nhưng khi được con cháu nhắc lại những năm tháng hào hùng ở Điện Biên Phủ, ông vẫn không thể nén được xúc động. Ngày đó ông Thiệu là chiến sĩ quân y thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 55, Sư đoàn 108. Sau khi có phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”, để đảm bảo các mặt hậu cần, ông Trần Văn Thiệu được điều về trạm sơ cứu thương, bệnh binh ở Tuần Giáo – Lai Châu. Trạm quân y của ông lúc đó được biên chế 6 người, nhưng phải làm việc liên tục để đảm bảo sơ cứu kịp thời trước khi chuyển về tuyến sau điều trị. 
 
Khó khăn lớn nhất thời bấy giờ là thuốc men, chỉ là các loại thông thường như sát trùng, trợ tim, trợ lực, dụng cụ y tế lạc hậu, thương bệnh binh lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Địa điểm thường xuyên phải di dời để tránh sự đánh phá ác liệt của địch. Có những câu chuyện hết sức cảm động về các thương bệnh binh mặc dù bị thương rất nặng, mê man, nhưng mỗi khi tỉnh lại, anh em vẫn cứ nằng nặc đòi trở lại chiến trường cho được, khiến những người lính quân y như ông lúc bấy giờ như được tiếp thêm dũng khí. 
 
Ông Trần Văn Thiệu cho biết, trong những ngày gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng rằng: “Không phải suy nghĩ, không màng gì đến tính mạng của mình mà chỉ làm sao thực hiện sơ cứu cho các thương, bệnh binh từ chiến trường về thật nhanh, thật gọn để kịp thời chuyển về tuyến sau điều trị”. 
 
Còn ở ngôi nhà nhỏ đơn sơ rợp bóng mát ở thôn 8, xã Tân Châu (Di Linh), hai người bạn già vẫn quấn quýt bên nhau trong những ngày xế bóng, con cái của họ đều khá thành đạt và lập nghiệp ở xa. Ông Đỗ Văn Điệng và bà Đồng Thị Ân, cùng sinh năm 1930 và có chung quê hương huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Tháng 1/1954, cũng như bao thanh niên trai trẻ trong làng, hai ông bà hăm hở xung phong lên đường làm dân công hỏa tuyến. Thế ngày đó ông bà đã quen nhau rồi hả? Bà Ân nhoẻn miệng cười nhìn ông trả lời: Ngày đó chúng tôi chưa biết nhau, chỉ sau này hòa bình về chung một làng mới biết và lấy nhau. 
 
Ông Điệng, bà Ân đang vui sống tuổi già tại huyện Di Linh
Ông Điệng, bà Ân đang vui sống tuổi già tại huyện Di Linh
 
Tiếp mạch câu chuyện ông kể: suốt 6 tháng tham gia chiến dịch, nếu đi từ nhà lên đến Điện Biên Phủ phải mất hơn 1 tháng, với thanh niên trai trẻ đã là một thử thách, nói gì đến cô dân công nhỏ nhắn như bà, song không biết sức mạnh nào mà bà vẫn gánh đủ tiêu chuẩn 25kg, đi dưới làn đạn bom: “đường ra trận ngày đó vui lắm, đông như đi hội, hết thảy chúng tôi đều chẳng sợ cái gì, chỉ sợ duy nhất là sốt rét rừng, còn không sợ gì hết, chúng tôi ra đi là đều xác định hết rồi”, Ông Điệng, bà Ân cho biết về không khí và ý chí của những công dân hỏa tuyến ngày đó.
 
Dù gian khổ hy sinh nhưng tất cả họ từ những chiến sĩ quân y, dân công hỏa tuyến hay chiến sĩ lái xe… đều có chung một niềm tin sắt đá, nhất định chúng ta sẽ giành chiến thắng… Giờ đây đã rất xa rồi một thời lửa đạn, nhưng ký ức về Điện Biên hào hùng năm xưa vẫn mãi ngân vang như những câu hò, câu hát trên đường ra trận: “Dốc Sơn La đoàn ta bền bỉ/ mà hòa bình chống Mỹ, diệt Tây/ đồng tâm quyết chí phen này/ Bộ đội đánh giặc, dân công này trải đưa”.
 
Thụy Trang - Thế Anh