Khơi mạch nguồn văn hoá truyền thống

05:04, 22/04/2014

Từ 5 năm trở lại đây, mạch nguồn truyền thống của người K'Ho, M'Nông ở huyện Đam Rông đang tuôn chảy bằng tình yêu, trách nhiệm của thế hệ trẻ với di sản văn hoá cha ông. Qua đó, CLB cồng chiêng thanh niên xã Liêng Sronh - một trong 8 CLB trong huyện đang khơi dậy mạch nguồn ấy. 

Từ 5 năm trở lại đây, mạch nguồn truyền thống của người K’Ho, M’Nông ở huyện Đam Rông đang tuôn chảy bằng tình yêu, trách nhiệm của thế hệ trẻ với di sản văn hoá cha ông. Qua đó, CLB cồng chiêng thanh niên xã Liêng Sronh - một trong 8 CLB trong huyện đang khơi dậy mạch nguồn ấy. 
 
Thế hệ trẻ ngày càng khẳng định vai trò, trách nhiệm mình là lớp người có đầy đủ khả năng kế cận di sản văn hoá cha ông để lại
Thế hệ trẻ ngày càng khẳng định vai trò, trách nhiệm mình là lớp người có đầy đủ khả năng
kế cận di sản văn hoá cha ông để lại
 
Được thành lập cách đây 5 năm (2009), CLB cồng chiêng thanh niên xã Liêng Sronh có 16 thành viên là thanh niên đồng bào K’Ho. Được các già làng quan tâm dìu dắt, những bài chiêng truyền thống được truyền dạy, lớp trẻ thích thú tiếp thu, hăng say tập luyện. Tiếng cồng chiêng như có sức mạnh hội tụ, đánh thức buôn làng làm cho đồng bào như sống trong niềm lâng lâng.
 
Cả xã có hơn 600 đoàn viên thanh niên sinh hoạt ở 6 chi đoàn thôn với tỷ lệ tập hợp là 60 - 70% thanh niên. Từ CLB cồng chiêng của xã, dần dần mỗi chi đoàn hình thành nên một đội cồng chiêng riêng ở mỗi thôn. Các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội thanh niên thường trở thành những buổi dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca, tập các điệu múa dân vũ. Mỗi lần chi đoàn luyện tập ở sân nhà bí thư hoặc hội trường thôn là đồng bào cả thôn lớn bé, già trẻ, gái trai kéo đến xem vòng trong, vòng ngoài. Người lớn tuổi lắng nghe xem nhịp nào chưa chuẩn, động tác nào chưa đúng liền góp ý chỉnh sửa, người biết nhiều chỉ cho người biết ít, người biết ít dạy cho người không biết, biết đến đâu dạy đến đó. Vì thế, những câu chuyện cha chỉ dẫn cho con, ông hướng dẫn cháu, anh em bày cho nhau diễn ra trong những buổi sinh hoạt, tập luyện cồng chiêng ở các chi đoàn thanh niên, khiến các em thiếu niên cũng học theo. Thông qua CLB đã làm cho cồng chiêng trở về vị trí vốn có của nó trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào, làm sống lại không gian văn hóa cồng chiêng ở các buôn làng khiến người dân phải tự hào.
 
Hăng say luyện tập, các bạn trẻ nhanh chóng thông thạo giai điệu diễn tấu, thuộc làu những bài chiêng dân gian, tự mình tổ chức luyện tập, dàn dựng, biểu diễn một cách bài bản. CLB thường xuyên biểu diễn phục vụ đồng bào nhân dịp các ngày lễ trọng đại, các sự kiện văn hoá, chính trị của huyện, các sự kiện lớn nhỏ của xã. “Tiếng lành đồn xa” CLB cồng chiêng thanh niên xã Liêng Sronh còn được mời đi biểu diễn ở tận xã Đạ Đờn (Lâm Hà). Để khích lệ phong trào, hàng năm Đoàn xã Liêng Sronh đã tổ chức liên hoan diễn tấu cồng chiêng thanh niên và năm qua có 5/6 đội cồng chiêng của các chi đoàn tham gia liên hoan. Có thể kể những cái tên đang là “linh hồn” của các CLB cồng chiêng thanh niên như: Ha Doanh, Ha Tuyên, Ha Cường, Ha Điệp, Ha Thiệu, Ha Ninh, Ha Hoàng, K’Thảo, K’Rim, K’Nương, K’Khương, K’Oanh, K’Hơn, K’Tuyền…
 
Tuy nhiên, sự nhiệt tình kế tục, gìn giữ và phát huy di sản văn hoá của cha ông để lại của họ cũng không thể “thắng” được những khó khăn mà CLB đang phải đối mặt. Anh Rơ Ông Ha Doanh - Bí thư Đoàn xã Liêng Sronh tâm sự: Thanh niên trong xã rất thích đánh cồng chiêng, nhưng để đánh đạt đến độ điêu luyện, thánh thót như các nghệ nhân thì phải đam mê luyện tập thường xuyên. Khó khăn lớn nhất là mỗi lần tập luyện, biểu diễn, CLB đều phải đi mượn cồng chiêng. Cả xã có 4 bộ cồng chiêng của các nghệ nhân, trước đây anh em mượn tập luyện do tay còn cứng, động tác chưa nhuần nhuyễn nên làm bể 2 chiếc, bây giờ cả xã chỉ còn 2 bộ, đi mượn càng khó.
 
Cồng chiêng không có thì có thể mua, nhưng cái khó lớn hơn là cả xã chỉ có 4 nghệ nhân biết đánh nhuần nhuyễn các bài chiêng. Các nghệ nhân đều đã già, họ là những di sản sống đang dần mất đi. Trong đó, 2 nghệ nhân trụ cột của CLB vừa qua đời mang theo những bài chiêng quý chưa kịp truyền dạy hết cho thanh niên. 
 
Muốn mô hình CLB cồng chiêng thanh niên ngày càng phát triển ở huyện vùng sâu Đam Rông nói chung và xã Liêng Sronh nói riêng, cần tạo điều kiện giúp lớp trẻ đủ khả năng kế cận truyền thống văn hoá cha ông để lại.
 
QUỲNH UYỂN