Một ngày của trung tuần tháng 4/2014, thật tình cờ ở một góc công viên giữa trung tâm TP Bảo Lộc, chúng tôi đã gặp được người trại trưởng Trại tù hàng binh Điện Biên Phủ...
Một ngày của trung tuần tháng 4/2014, thật tình cờ ở một góc công viên giữa trung tâm TP Bảo Lộc, chúng tôi đã gặp được người trại trưởng Trại tù hàng binh Điện Biên Phủ. Từ đây, câu chuyện liên quan đến các hàng binh thực dân Pháp trong chiến dịch 56 ngày đêm gây chấn động địa cầu này đã được người quản tù dẫn dắt chúng tôi trở về một thời hào hùng của 60 năm về trước.
|
Ông Võ Dược đang kể về sự đấu trí với các sỹ quan hàng binh Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ |
Người quản tù năm ấy không ai khác chính là Đại tá, Chính ủy Sư đoàn 347 Võ Dược (SN 1927, gốc người Quảng Bình, nay ngụ tại phường 2, TP.Bảo Lộc). Ông Dược nhập ngũ năm 1946, với cấp bậc Trung đội trưởng, tham gia phong trào toàn quốc kháng chiến đánh Pháp ở Huế, sau đó chiến đấu ở Quảng Bình trước khi về Cục Địch vận thuộc Tổng cục Chính trị. Đầu năm 1954, ông được điều ra chiến trường Tây Bắc với chức danh là Tiểu đoàn trưởng làm trại trưởng Trại tù hàng binh Điện Biên Phủ. Lúc bấy giờ đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn, do cấp trên giao nhiệm vụ phải đảm bảo lương thực, thực phẩm và quản lý bảo vệ cho khoảng trên một vạn tù hàng binh Pháp. Cái khó ló cái khôn, để giải quyết vấn đề này, ông Dược đã chỉ đạo cho anh em đi trưng dụng các phuy xăng để làm nồi nấu cơm, đồng thời tịch thu tất cả dày dép của hàng binh Pháp khi về đến lán trại, nhằm hạn chế việc đi lại, bỏ trốn của tù binh.
Theo dòng ký ức của ông Dược, nhiệm vụ lúc đó của đơn vị không chỉ đơn thuần là canh giữ tù binh mà còn là một cuộc đấu trí nảy lửa với các hàng binh Pháp, bởi cấp trên yêu cầu phải khai thác, nắm thông tin của phía địch để phục vụ cho Bộ chỉ huy chiến dịch. Tuy nhiên, trong số các tù hàng binh, không chỉ có lính thông thường mà còn có cả những sĩ quan cao cấp từ trung tá, đại tá, do đó có rất nhiều cuộc đấu trí rất căng thẳng. “Quan điểm của nó (các tù hàng binh Pháp) là không bao giờ làm chính trị, nó chỉ là lính phục tùng chỉ huy, chính vì vậy mà mình phải đưa ra rất nhiều lập luận, bằng chứng cụ thể khẳng định hành động của nó là phi nghĩa, cầm súng bắn vào người khác là vô nhân đạo. Lúc đó nó mới chấp nhận và cho mình biết nhiều thông tin quan trọng phục vụ hiệu quả trong chiến dịch sau này” - ông Dược cho biết.
Cũng trong thời gian này, đơn vị của ông còn thu thập kịp thời khoảng một vạn chữ ký của tù hàng binh Pháp gửi sang Hội nghị Genève năm 1954 phục vụ cuộc đàm phán đang diễn ra rất gay cấn. Sau ngày chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, công tác trao trả tù binh cũng là một nghệ thuật, người trại trưởng Trại tù hàng binh Điện Biên Phủ năm xưa khẳng định: “Qua rất nhiều đợt trao trả, điều mà chúng quan tâm nhất vẫn là khi nào tướng Đờ Cát được thả, những lúc như vậy, ta chỉ trả lời là hiện giờ tướng của các ông còn ở xa lắm, khi nào có kế hoạch, chúng tôi sẽ thông báo. Và đến một buổi chiều ngày thứ Bảy, tại Đồn Vàng (Phú Thọ) ta bất ngờ thông báo trao trả Đờ Cát, điều này làm cho người Pháp ở Hà Nội ngơ ngác vì là ngày nghỉ, bọn chúng không kịp trở tay chuẩn bị gì cho lễ đón. Vậy là ngày trở về của Đờ Cát diễn ra trong lặng lẽ không kèn, không trống”.
Những ngày làm nhiệm vụ ở chiến dịch, người quản tù Võ Dược đã có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là những lần được về cơ quan cấp trên dự họp, đi qua căn hầm của sở chỉ huy, ông đã nhìn thấy hình ảnh của một thủ trưởng đang bịt nắm lá ở trán, đi đi lại lại, suy nghĩ đăm chiêu, mãi sau này ông mới biết đó là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và những phút giây cực kỳ căng thẳng trước một quyết định khó khăn là tiếp tục phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” hay chuyển sang “Đánh chắc, thắng chắc”. Cùng những câu chuyện vui như khi phóng thích cô y tá của quân đội Pháp, cô ta vui quá hét toáng lên và cho biết tên tuổi, địa chỉ số nhà và mong được gặp lại những người bạn Việt Nam giữa Paris hoa lệ…
Trước khi chia tay, vẫn trong dòng hồi ức, ông Võ Dược tâm sự, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng với những người đồng đội lại bước tiếp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông tiếp tục tham gia nhiều chiến dịch trên khắp các chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, chiến tranh biên giới phía Bắc, trải qua nhiều chức vụ khác nhau, cho đến trước lúc nghỉ hưu, ông mang quân hàm đại tá, Chính ủy Sư đoàn 347. Trở về với cuộc sống đời thường, ông chọn Lâm Đồng để định cư và phường 2 - thành phố Bảo Lộc là nơi gia đình ông đang ở hiện nay.
Giờ đây, vẫn đều đặn hàng ngày, người quản tù năm ấy lại đạp xe từ nhà ra công viên để tập thể dục và cùng hàn huyên với những người bạn từng một thời trận mạc, cho cuộc sống thanh bình, hạnh phúc hôm nay.
Thụy Trang