Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường 20 - Quyết Thắng là một tuyến đường tiêu biểu trong hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây, hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến và bộ đội Trường Sơn đã không ngại gian khó, hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu để lập nên những chiến công huyền thoại. Đó là những khúc tráng ca bất tử tạc vào lịch sử dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường 20 - Quyết Thắng là một tuyến đường tiêu biểu trong hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây, hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến và bộ đội Trường Sơn đã không ngại gian khó, hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu để lập nên những chiến công huyền thoại. Đó là những khúc tráng ca bất tử tạc vào lịch sử dân tộc.
|
Ngày ngày, du khách thập phương đến thắp hương tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng |
Trong chuyến công tác về Quảng Bình, chúng tôi đã được các đồng nghiệp Báo Quảng Bình đưa đến dâng hương tại Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng và Di tích lịch sử hang Tám Cô. Đứng trước di tích, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động khi được nghe câu chuyện từ cô hướng dẫn viên kể về sự hy sinh bi tráng của 8 anh hùng liệt sỹ tại hang Tám Cô.
Tháng 6 năm 1971, cũng như bao lớp thanh niên trai tráng trong làng, Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), quê xã Hoằng Trường; Đỗ Thị Loan (SN 1952), xã Hoằng Ngọc; Lê Thị Lương (SN 1953), xã Hoằng Thịnh; Trần Thị Tơ (SN 1954), xã Hoằng Trường; Lê Thị Mai (SN 1952), xã Hoằng Thịnh; Hoàng Văn Vụ (SN 1953), xã Hoằng Hà; Nguyễn Mậu Kỹ (SN 1953), xã Hoằng Đạt; và Nguyễn Văn Phương (SN 1954), xã Hoằng Trường, đều thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tình nguyện vào chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đất lửa Quảng Bình. Vào đến đất Quảng Bình, họ được biên chế vào Đội TNXP 163, Ban 67 phụ trách cung Đường 20 - Quyết Thắng.
Năm 1965, lực lượng vận chuyển bằng cơ giới của Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt tại “túi nước” Xiêng Phan (Lào), từ Pắc Pha Năng tới bản Na Nô-Na Nhom có chỗ ngập sâu tới 6 mét, nhiều lúc kẹt lại hàng trăm xe. Cần có một tuyến đường khác từ bến phà Xuân Sơn, vượt Tây Trường Sơn qua Lùm Bùm kết nối với đường 128 rồi nhập vào đường 9. Thực hiện chủ trương này, năm 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh khởi công chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thẳng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. 4.800 cán bộ, chiến sỹ “căng” ra trên mặt đường, sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương, tuyến đường hoàn thành. Tham gia làm đường, chiến đấu, phục vụ chiến đấu cho tuyến đường luôn thông suốt là bộ đội, TNXP tuổi đời mười tám, đôi mươi. Phát hiện ra Đường 20, đế quốc Mỹ điên cuồng tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhằm hủy diệt con đường, mà thời điểm ác liệt nhất diễn ra trong năm 1972. Khúc ca bi tráng của những liệt sỹ TNXP tại hang Tám Cô xảy ra vào thời gian này.
Chiều ngày 14/11/1972, máy bay B52 ném bom rải thảm dọc tuyến đường 20. Đội TNXP 163 của Ban 67 đang bám trụ đường gồm các anh chị: Nguyễn Văn Huệ, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương, Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỹ và Nguyễn Văn Phương chạy vào một hang đá bên đường trú ẩn. Cả quãng đường bị bom cày nát và cùng lúc đó một tảng đá nặng hàng nghìn tấn từ trên cao đổ ập xuống bịt kín miệng hang. Đồng đội tìm mọi cách để cứu các anh chị, tất cả các phương tiện từ cuốc chim, xẻng, xà beng… dồn dập tới tấp đào bới nhưng không thể lay chuyển khối đá khổng lồ án ngữ trước cửa hang. Tiếng kêu cứu của các anh chị còn vọng lên từ sau khối đá. Đồi đội ở ngoài vẫn nhận rõ tiếng kếu cứu thống thiết của chị Lương: “Bầm ơi! Cứu con với! Các anh, các chị ơi! Cứu chúng em với!”. Cách duy nhất lúc này là dùng ống nứa, lồ ô khoét rỗng rồi luồn qua kẽ nứt rối đổ cháo loãng vào với chút hy vọng mong manh - kéo dài sự sống cho các anh chị. Cách nhau một vách đá, nghe rõ tiếng kêu cứu trong hang vọng ra… Tiếng kêu yếu dần, đến ngày thứ chín thì chìm vào yên lặng. Lời cuối cùng đồng đội thoáng nghe là tiếng của một cô gái tha thiết gọi “mẹ ơi!”.
Qua lời kể của cô hướng dẫn viên, chúng tôi không khỏi thắc mắc: “Sao lại gọi hang Tám Cô, trong khi những người hy sinh trong hang đá lại gồm bốn nam và bốn nữ?”. Nguyễn Thị Hương Giang (tên cô hướng dẫn viên) cho biết: “Các anh chị ơi! Trên Đường 20 - Quyết Thắng có những sự trùng hợp đến lạ kỳ. Trước thời điểm các anh chị hy sinh thì hang đá là nơi trú ẩn của một tiểu đội nữ TNXP, bộ đội hành quân vào Nam đặt tên hang Tám cô gái, gọi mãi thành quen, thành thân thiết. Khi TNXP quê Thanh Hóa mất cũng chính tại hang đá này, đồng đội các anh, các chị không muốn đổi tên. Và thế, hang Tám Cô trường tồn mãi đến hôm nay bên cạnh Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng”.
Trong lòng hang, trên bàn thờ của TNXP quanh năm nghi ngút khói hương, có một tấm đá hoa cương khắc dòng chữ tưởng nhớ: “Khi còn đặt bước chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh cao cả của các cô, những cô gái thanh niên xung phong. Cầu cho các cô được vĩnh hằng!”. Phía ngoài cửa hang, trên một viên đá được lấy từ quê hương Hoằng Hóa vào, những người lính Trường Sơn một thời khói lửa tri ân cùng họ: “Mỗi ngã đường nơi đây không chỉ được mở bằng xương máu và mất mát, đó còn là sự hy sinh thầm lặng của tuổi thanh xuân… Xin gửi tới anh chị, những thanh niên xung phong lời tri ân sâu sắc…”.
Và chúng tôi, thế hệ được hưởng trọn vẹn cuộc sống hòa bình. Hôm nay, trong những ngày tháng Tư lịch sử, xin gửi đến các anh chị một nén hương lòng. Cầu cho linh hồn các anh chị được siêu thoát!
TỨ KIÊN