(LĐ online) - Theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 16/4/2014, toàn tỉnh có 56 ca chuẩn đoán sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, hơn 40 ca đã được lấy mẫu gửi về viện Paster TP.HCM để xét nghiệm, kết quả có 3 mẫu dương tính.
(LĐ online) - Theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 16/4/2014, toàn tỉnh có 56 ca chuẩn đoán sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, hơn 40 ca đã được lấy mẫu gửi về viện Paster TP.HCM để xét nghiệm, kết quả có 3 mẫu dương tính. Mặc dù số ca nghi mắc sởi không tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, song trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp trên cả nước, ngành Y tế Lâm Đồng đã chủ động phòng và chống dịch. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Đồng Sỹ Quang – Trưởng Phòng Y- Dược, Sở Y tế Lâm Đồng về tình hình kiểm soát dịch sởi trong tỉnh.
P/V: Xin ông cho biết tình hình diễn biến dịch sởi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ đầu năm đến nay?
|
Ông Đồng Sỹ Quang - Trưởng phòng Y- Dược Sở Y tế Lâm Đồng |
Ông Đồng Sỹ Quang: Được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, ngay từ những ngày đầu năm, Sở đã chủ động kiểm soát bệnh sởi từ các cơ sở. Theo đó, hàng ngày các xã, huyện sẽ có báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng, rồi từ đó Trung tâm có báo cáo hàng tuần lên Sở. Nhờ vậy, bất cứ một ca nào có triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc bệnh, Sở sẽ lập tức được thực hiện các biện pháp điều trị và chống lây lan.
Tính đến ngày 16/4 toàn tỉnh có 54 ca nghi sởi, tuy nhiên được phát hiện kịp thời nên trẻ đều được điều trị khỏi, không có trường hợp nào tử vong vì sởi. Qua tổng hợp sơ bộ hai địa phương có số ca nghi mắc sởi cao nhất là Đà Lạt (18 ca) và Đam Rông (17 ca), các địa phương còn lại dưới 6 ca.
P/V: Để đề phòng dịch sởi diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã có những biện pháp gì thưa ông?
Ông Đồng Sỹ Quang: Đầu tiên, Sở chỉ đạo các tuyến dưới thực hiện chiến dịch tiêm vét sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng tuổi. Tức là, những trẻ từ 9 tới 24 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi thì sẽ phải tiêm hết tỏng đợt này và lưu ý mũi nhắc lại đối với các trẻ đã tiêm mũi 1.
Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sởi trên toàn quốc gần đây, ngay từ ngày 15/3 tới 25/4/2014, chiến dịch tiêm vét sởi đã tích cực được triển khai trên toàn tỉnh, đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm vắc xin.
Song song với việc đó, Sở quyết liệt chỉ đạo các Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phòng và chống sởi. Nhất là mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản phải vào cuộc tích cực, rà soát từng nhà, từng thôn để kiểm soát dịch.
|
Đưa trẻ đi tiêm ngừa là biện pháp tích cực nhất để phòng chống bệnh sởi. Ảnh: Phan Nhân |
P/V: Xin ông cho biết một số khuyến cáo dành cho phụ huynh có em trong độ tuổi dễ mắc bệnh sởi, để có phương pháp phòng ngừa và đưa đi điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu mắc bệnh?
Ông Đồng Sỹ Quang: Tác nhân gây bệnh sởi là virút thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virút cấp tính. Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng do bệnh gây ra. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh. Biến chứng thường gặp nhất là viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi; viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong; viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi và nhiều biến chứng nặng nề khác.
Để phòng bệnh sởi hiệu quả nhất, các phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đến các cơ sở y tế tiêm phòng đúng độ tuổi quy định, đảm bảo mũi nhắc lại được tiêm đầy đủ cho trẻ. Đây là biện pháp tích cực nhất.
Khi trẻ đã mắc bệnh và nghi sởi cần cách ly để tránh lây lan. Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, điều trị biến chứng kịp thời. Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi.
Đối với các cơ sở điều trị, để hạn chế lây lan, tùy theo mức độ, không nên hoang mang đưa trẻ ồ ạt lên tuyến trên. Ngay từ cấp cơ sở cần phải theo dõi điều trị kịp thời, đồng thời xác định đúng mức độ nguy hiểm của ca bệnh để có phương án xử lý hiệu quả.
Xin cảm ơn ông !
D. Thương – N.Ngà (Thực hiện)
Triệu chứng của bệnh sởi: Lúc mới khởi bệnh trẻ thường bị sốt cao, khi dấu hiệu sốt thuyên giảm sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phát ban đặc trưng của sởi. Ban sởi rất đặc trưng: lúc đầu ban nổi ở sau tai, sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và lan ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Ngoài ra, trẻ bị mắc sởi thường có một số triệu chứng kèm theo như: chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt, đôi khi trẻ bị tiêu chảy vì tình trạng viêm long đường tiêu hóa.
Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, điều quan trọng cần chú ý là thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnhphải rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, rồi mới được chăm sóc trẻ lành. Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ. Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.
|