Thứ 5, 24/04/2025, 15:4

Ngành Giáo dục với công tác bình đẳng giới

03:04, 13/04/2014

Ngành Giáo dục có trên 77% lao động nữ trong tổng số lao động toàn ngành nên luôn xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác...

Ngành Giáo dục có trên 77% lao động nữ trong tổng số lao động toàn ngành nên luôn xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác. Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, công tác nữ trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng luôn được quan tâm, chăm lo.
 
Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong xã hội. (Trong ảnh: Nữ sinh viên Trường CĐSP Đà Lạt biểu diễn văn nghệ)
Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong xã hội. (Trong ảnh: Nữ sinh viên Trường CĐSP Đà Lạt biểu diễn văn nghệ)
 
Một trong những khía cạnh quan trọng của vấn đề bình đẳng giới là vấn đề giải phóng phụ nữ và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác lãnh đạo, quản lý. Do đó, Ngành Giáo dục đã triển khai công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ vào chiến lược quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngành. Trong 5 năm gần đây, toàn ngành đã đề bạt, bổ nhiệm 568 CBQL nữ, nâng tổng số CBQL nữ toàn ngành lên hơn 1.000 người. Hàng năm, đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, năng động, có triển vọng lâu dài đều được quan tâm đưa vào kế họach đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, về lý luận chính trị, về quản lý nhà nước... Trong quy hoạch cán bộ, số cán bộ nữ dự nguồn hàng năm để bổ sung vào vị trí cán bộ quản lý các cấp đạt tỷ lệ 47%. Để giữ vững chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên, Ngành Giáo dục coi trọng việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chuẩn hóa, vượt chuẩn, đào tạo lại đối với đội ngũ nữ cán bộ giáo viên. Thông qua tổ chức hội thảo, tọa đàm để nâng cao nhận thức cho nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên về bình đẳng giới, đồng thời đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng phong kiến, coi thường phụ nữ; khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá, sử dụng và đề bạt cán bộ, giúp đỡ nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên khắc phục biểu hiện tự ti, thiếu ý thức vươn lên, ngại làm công tác quản lý...
 
Hiện nay, toàn ngành Giáo dục Lâm Đồng có 23.412 cán bộ, giáo viên và nhân viên; trong đó, nữ hơn 18.000 người, chiếm tỷ lệ 77,1%. Trong số 15.764 nhà giáo trực tiếp giảng dạy thì nhà giáo nữ 11.987 người, chiếm 76,04%. Tổng số cán bộ quản lý toàn ngành 1.560 người, nữ 1.017 người, tỷ lệ 65,2%. Tổng số đảng viên 6.678 người; nữ 4.681 người, tỷ lệ 70,1%. Số nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú: 14/17 người. Tổng số nữ đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” các cấp 2.304 người, tỷ lệ 15%. Tổng số nữ đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” cấp cơ sở, cấp tỉnh và tương đương 12.290 người, tỷ lệ 80.6%. Tổng số gia đình nhà giáo đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” 11.303 người, tỷ lệ 92%. 

Một vấn đề trong thực hiện bình đẳng giới của Ngành Giáo dục là tăng cơ hội tiếp cận với giáo dục cho trẻ em gái, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục và đào tạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, Ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư, nhất là trong vùng đồng bào DTTS về lợi ích của giáo dục, vận động các gia đình không phân biệt, đối xử giữa nam và nữ trong tiếp cận với giáo dục. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, Ngành Giáo dục thường xuyên tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để tạo môi trường học tập thân thiện, hiệu quả học tập cho các em; Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình trường lớp mầm non để tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình thuộc các thôn, bản xa xôi có điều kiện thuận lợi cho trẻ vào các nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo. Ngành còn tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể quần chúng và các lực lượng xã hội đầu tư xây dựng nhà công vụ, khu nội trú... cho giáo viên nói chung và nữ giáo viên nói riêng, trang bị cho chị em giáo viên một số phương tiện và vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt và công tác. Do đó, cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng thuận lợi nên số trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học các xã vùng khó khăn giảm đáng kể. Tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn trong các năm gần đây đều tăng hàng năm.

 
Trong công tác đào tạo, việc thu hẹp khoảng cách giới luôn được Ngành Giáo dục quan tâm. Công tác đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động bình đẳng giới. Trong nhiều năm qua, ngành luôn coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nữ. Về phía học sinh, trong khoảng 5 năm trở lại đây, số học sinh nữ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 luôn đạt 100%, tỷ lệ nữ học sinh tốt nghiệp cấp THCS đạt trên 99%, tỷ lệ nữ học sinh tốt nghiệp cấp THPT đạt trên 90%. “Trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề bình đẳng giới càng có ý nghĩa sâu sắc vì giáo dục là ngành mà lao động nữ chiếm số lượng lớn. Vì vậy, ngành luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nữ trong ngành vươn lên khẳng định vị thế của mình, góp phần vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo”, bà Đàm Thị Kinh - Trưởng ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” Sở GD & ĐT Lâm Đồng cho biết.
 
TUẤN HƯƠNG