CN, 27/04/2025, 07:55

Ngôi trường sáng ánh điện mặt trời

03:04, 10/04/2014

Liêng Sronh, xã khó khăn của huyện nghèo Đam Rông là nơi cư trú của trên 400 hộ đồng bào dân tộc anh em. Nằm ở điểm cực Bắc của trung tâm huyện, đời sống của người dân Liêng Sronh vẫn còn vô cùng vất vả, trong đó có việc học của trẻ nhỏ...

Liêng Sronh, xã khó khăn của huyện nghèo Đam Rông là nơi cư trú của trên 400 hộ đồng bào dân tộc anh em. Nằm ở điểm cực Bắc của trung tâm huyện, đời sống của người dân Liêng Sronh vẫn còn vô cùng vất vả, trong đó có việc học của trẻ nhỏ. Ở trung tâm xã còn đỡ, với điểm trường Đạ Mpô trực thuộc Trường Tiểu học Đạ Rsal, đời sống lẫn việc học hành của cả thầy và trò thực sự khó khăn: không điện, không nước, ngày ngày lội bè qua suối đi học. Và ánh điện đến với điểm trường Đạ Mpô như thắp lên hi vọng cho tương lai của những em bé giữa vùng heo hút ấy.
 
Lắp đặt pin mặt trời tại điểm trường Đạ Mpô
Lắp đặt pin mặt trời tại điểm trường Đạ Mpô
 
* Ốc đảo “cô đơn”
 
Năm 2011, điểm trường Đạ Mpô được chính thức thành lập, trực thuộc Trường Tiểu học Đạ Rsal, giúp các em thuộc thôn 5, xã Liêng Sronh không phải vượt sông qua tỉnh bạn Đắc Nông học nhờ. Điểm trường được xây dựng khá khang trang, hiện đang có 7 lớp bậc tiểu học với khoảng 150 học sinh. Điểm trường cách trường chính 10km và đường vô cùng khó đi, nhất là vào mùa mưa phải vượt qua những con suối hung hãn. Thầy cô ở trong nhà tập thể của trường, học trò ngày ngày băng suối đi học, khu vực Đạ Mpô chưa có điện lưới quốc gia và bởi vậy, cả thầy và trò của điểm trường cũng không biết tới ánh điện, nên không sử dụng ti vi, máy tính. Trong thời đại công nghệ thông tin, điểm trường Đạ Mpô vẫn lặng yên như “ốc đảo” giữa sa mạc.  
 
Trong một chuyến đi, tiến sĩ Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng tới Đạ Mpô và tận mắt chứng kiến cuộc sống vất vả của thầy trò, ông quyết định phải đưa được ánh sáng tới điểm trường heo hút này. Ông giao cho Chi đoàn Thanh niên của Sở nhiệm vụ phải mang ánh sáng và nước sạch tới điểm trường, giúp thầy trò Đạ Mpô cải thiện điều kiện sinh hoạt và học tập. Để ngành điện đầu tư đường dây kéo vào Đạ Mpô còn là tương lai xa, sau khi đi thực địa và nghiên cứu kỹ càng, các cán bộ trẻ của Sở Khoa học và Công nghệ quyết định chọn giải pháp công nghệ điện năng lượng mặt trời để đưa ánh sáng tới với Đạ Mpô. Giải pháp chính là sử dụng những tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà của phòng học. Từ những tấm pin này sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời, thông qua bộ điều khiển sạc, bộ kích điện chuyển từ năng lượng mặt trời thành điện áp xoay chiều phù hợp với lưới điện Việt Nam đang sử dụng. Ngoài ra, còn một bộ ắc quy dùng để tích điện dùng cho ban đêm hoặc khi trời mưa không đủ ánh sáng mặt trời. Trong các phòng học, đèn LED được lắp đặt đúng kỹ thuật, đảm bảo ánh sáng khi trời tối và phù hợp với nhu cầu của trẻ. Ở khu tập thể giáo viên cũng tương tự, ánh sáng tới tận phòng, đủ để giúp thầy cô sử dụng các thiết bị điện như ti vi, máy vi tính… cả những khi trời mưa hay vào ban đêm. Ngoài hệ thống điện, Sở Khoa học và Công nghệ còn giúp điểm trường Đạ Mpô kéo một hệ thống nước sinh hoạt từ trên núi xuống bao gồm 550m đường ống, bồn chứa 1.000 lít nước, hệ thống cột inox xử lí nước và các phụ kiện khác, giúp thầy và trò của trường có đủ nước sạch dùng trong sinh hoạt và học tập. Tổng kinh phí của hệ thống điện mặt trời và nước sạch là trên 300 triệu đồng, trong đó có 10% đối ứng của Trường Tiểu học Đạ Rsal. 
 
* Ngôi trường sáng ánh điện
 
Những ngày cuối năm 2013, thầy và trò điểm trường Đạ Mpô hân hoan chào đón dòng điện thắp sáng tới từng lớp học, từng căn phòng trong trường. Những bóng đèn sáng như hi vọng vào tương lai của con em vùng đất còn lắm gian khó này. Vui nhất có lẽ là giáo viên đang sống trong khu tập thể của trường đã bao năm tình nguyện về vùng sâu dạy học, xa gia đình, xa thị thành, sống trong môi trường không ánh điện, không tiếp cận với thông tin đang diễn ra hàng ngày, thấu hiểu như thế nào là bị “cô lập” trong dòng chảy thông tin thời hiện đại. Điện về, ti vi được xem hàng ngày, máy tính được sử dụng, việc soạn giáo án điện tử cũng được thực hiện, giáo viên của trường như được tiếp thêm sinh lực mới trong việc dạy dỗ học trò của mình. Không chỉ có thế, điện còn giúp sinh hoạt hàng ngày của thầy cô thuận lợi hơn, dễ dàng hơn. Thầy Phan Tất Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạ Rsal cho hay: “Khu tập thể của trường có 7 thầy cô sống và làm việc, có điện, có nước giúp cuộc sống của các thầy cô tốt lên nhiều lắm, việc giảng dạy cũng cải tiến hơn. Với các em cũng vậy, nguồn điện sáng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc dạy và học”. 
 
Với những cô cậu học trò nhỏ của điểm trường Đạ Mpô, ánh điện sáng ở lớp học cũng giúp các em rất nhiều trong việc học tập. Có đèn sáng, những ngày mưa, những ngày tối trời, các em vẫn đủ ánh sáng để nhìn con chữ trên bảng, chép con chữ trong vở. Vốn sinh ra và lớn lên hoàn toàn không có ánh điện, được tiếp cận với ánh sáng văn minh qua ti vi, qua máy tính của thầy cô cũng giúp các em mở rộng tầm mắt, có thể nuôi dưỡng những ước mơ cao hơn, xa hơn, tốt đẹp hơn cho tương lai của mình. Không những thế, nhiều hộ dân sau khi thấy hiệu quả của hệ thống năng lượng điện mặt trời cũng đã tiến hành lắp đặt trong gia đình mình như hộ ông Nguyễn Văn Biện, Nguyễn Văn Thiện, thôn 5, xã Liêng Sronh, đủ điện để sinh hoạt 2-3h sau khi tắt mặt trời. Và nhiều hộ dân đang tiếp tục tìm hiểu để lắp đặt theo mô hình pin mặt trời của điểm trường Đạ Mpô.
 
Ánh sáng đã về trên mái trường vùng sâu, vùng xa Đam Rông. Và ánh sáng thuở đầu đời ấy sẽ giúp các em được thắp sáng trên bước đường tương lai.
 
Diệp Quỳnh