Người khuyết tật - bừng sáng niềm tin yêu

09:04, 20/04/2014

(LĐ online) - Người khuyết tật (NKT) không cô đơn bởi Nhà nước, xã hội và cộng đồng luôn đồng hành với họ để ghi nhận, quý trọng, cảm phục, dành trọn tình yêu thương và lòng tin yêu đối với họ.

(LĐ online) - Người khuyết tật (NKT) không cô đơn bởi Nhà nước, xã hội và cộng đồng luôn đồng hành với họ để ghi nhận, quý trọng, cảm phục, dành trọn tình yêu thương và lòng tin yêu đối với họ. Tình thương và trách nhiệm quý báu ấy là động lực thôi thúc NKT gượng dậy, mạnh mẽ đứng lên, nỗ lực phấn đấu đạt những thành tích trong các lĩnh vực cuộc sống, thắp sáng ngọn lửa niềm tin an lạc.
 
NKT vươn lên với cuộc sống và sáng những khúc ca
NKT vươn lên với cuộc sống và sáng những khúc ca
 
Đồng hành sẻ chia
 
Tính đến cuối năm 2013, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 104.000 NKT, chiếm 8,4% dân số. Trong đó có 11.873 NKT nặng và đặc biệt nặng đang được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thời gian qua, 7 mô hình giải quyết việc làm cho NKT trong tỉnh đã giúp cho khoảng 150 người lao động. Trong 3 năm (2011-2013), toàn tỉnh có gần 2.600 NKT được giới thiệu việc làm, 117 NKT được đào tạo nghề. Đồng hành với sự hỗ trợ của Nhà nước, NKT ở Lâm Đồng còn được các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp chung tay góp sức. Năm 2013, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo-Người tàn tật và Trẻ mồ côi (BTBNN-NTT&TMC) các cấp vận động quyên góp bằng tiền và hiện vật được hơn 67 tỷ đồng. Chủ tịch Hội BTBNN-NTT&TMC tỉnh Nguyễn Văn Lực chia sẻ: “Những khó khăn của NKT chỉ có thể được cải thiện bằng sự quan tâm ủng hộ, trợ giúp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tấm lòng yêu thương, đồng cảm, trách nhiệm và sẻ chia”. Từ dự án do Tây Ban Nha tài trợ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 144 NKT 3 huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm và Di Linh được đào tạo nghề và việc làm, tập huấn kỹ năng tìm việc làm, lập kế hoạch khởi sự kinh doanh… Công ty TNHH Địa ốc Ý Thu hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho nhiều người gặp hoạn nạn, những người kém may mắn; Cơ sở BTXH ngoài công lập Mađagui tiếp nhận nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn và hiện đang có 50 trẻ. Trung tâm nuôi dạy con của đối tượng là nạn nhân chất độc da cam và trẻ em khuyết tật thành phố Bảo Lộc sau 1 năm hoạt động đã tiếp nhận và nuôi dưỡng và mở lớp dạy nghề cho 20 trẻ em…
 
Xắn tay cùng Nhà nước và các tổ chức còn có rất nhiều cá nhân thiện nguyện. Chị Đặng Thị Kim Thanh, chủ cửa hàng vật liệu Băng Thanh ở thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng hàng tháng cùng các bạn nấu những suất ăn cho Cơ sở BTXH Trọng Đức, thăm hỏi tặng quà cho các gia đình đặc biệt khó khăn và người già neo đơn, trao học bổng cho học sinh khuyết tật. Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội BTBNN-NTT&TMC tỉnh vận động và kêu gọi tài trợ 70 tỷ đồng để hỗ trợ các hoạt động của Hội. Chị Nguyễn Thị Hồng Duyên - Trung tâm BTXH Lâm Đồng luôn chủ động đề xuất, tận tâm chăm sóc các đối tượng đặc biệt… Và còn rất nhiều đơn vị khác với những hành động trân trọng như các công ty: trà HAIYIH, xe khách Phương Trang, xe khách Mai Linh Đà Lạt, TNHH Nắng Mai, TNHH Thắng Lợi… Bên cạnh đó là sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như: SAP-VN (Hoa Kỳ), Christina Noble (Anh), Terre Des Hommes (Cộng hòa Liên bang Đức), Dillon (Hoa Kỳ), AECID (Tây Ban Nha), Children Action (Thụy Sĩ), Heart and Hope (Hoa Kỳ),…
 
Và những tấm gương người khuyết tật
 
Sự chung tay sẻ chia đặc biệt của cộng đồng xã hội là nguồn lực thúc đẩy các cá nhân NKT quyết tâm nỗ lực vươn lên. Anh Mai Xuân Long ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà là NKT vận động nhưng là vận động viên thể thao đạt nhiều thành tích. Anh và gia đình nhận nuôi dưỡng một trẻ bị bỏ rơi, tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và được tặng Bằng khen "Sống và học tập làm theo gương Bác Hồ vĩ đại". Tấm gương Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng vượt khó trở thành người lao động đến mức phi thường. Chị bị liệt hai chân khi 3 tuổi nhưng đã học hết lớp 9 và tự đào tạo thành chủ 1 tiệm may nhỏ, 1 tiệm tạp hóa để kinh doanh và thu mua nông sản. Nguyễn Thị Hồng Hạnh là 1 trong 2 NKT của Lâm Đồng được chọn dự Hội nghị biểu dương NKT và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc năm 2013. Chị chia sẻ: “Tuy bận rộn nhưng thực sự tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì những công việc mình đã, đang, sẽ làm trong thời gian sắp tới. Vui vì mình đã đóng góp một chút gì đó công sức của mình cho cuộc sống này”. 
 
Một NKT khác thường xuất hiện nhiều trước đám đông là anh Trần Mạnh Thu - Chủ tịch Hội NKT Lâm Đồng. Dù khuyết tật nặng nhưng anh Thu có ý chí tự lập mãnh liệt để thoát nghèo và trở thành tấm gương, chỗ dựa cho cộng đồng NKT. Tổ chức Hội của anh ngày càng trưởng thành, được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Cá nhân anh là 1 trong 120 gương điển hình dịp kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển Đà Lạt. Chị Nguyễn Thị Uyên xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bản thân nỗ lực hết mình bằng nhiều công việc lao động khác nhau để xoay xở chăm sóc và nuôi dưỡng 5 chị em trong gia đình, đồng thời tham gia tích cực công tác của Hội NKT và nhiều hoạt động từ thiện. Anh K' Hoàng ở xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh là Chủ tịch Hội NKT huyện Đạ Tẻh tích cực, đồng thời là người truyền dạy kiến thức cho nhiều người khác. Ông Đinh Văn Dần ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà là NKT cao tuổi, một Chủ tịch Hội NKT của huyện có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xã hội…
 
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lê Thị Thêu nhận xét: “Trợ giúp NKT là sự kế thừa truyền thống của dân tộc, là thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình cảm trách nhiệm của toàn xã hội. NKT ngày càng được quan tâm hơn, đời sống được nâng lên; bản thân NKT đã ý thức sâu sắc những khó khăn của mình và nỗ lực vươn lên”. 
 
ĐẠO PHAN