Người phụ nữ đi bằng hai tay giàu lòng nhân ái

03:04, 22/04/2014

(LĐ online) - Đôi tay to gấp nhiều lần so với những người phụ nữ bình thường là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp chị Dung – Hội phó Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương. Xinh đẹp, đầy sức sống nhưng số phận không cho chị đôi chân. "Không chân, nhưng tôi vẫn đi được khắp nơi, tôi đi bằng đôi tay" chị Dung nói.

(LĐ online) - Đôi tay to gấp nhiều lần so với những người phụ nữ bình thường là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp chị Dung – Hội phó Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương. Xinh đẹp, đầy sức sống nhưng số phận không cho chị đôi chân. “Không chân, nhưng tôi vẫn đi được khắp nơi, tôi đi bằng đôi tay” - chị Dung nói.
 
Dù phải đi bằng tay nhưng chị Dung luôn có mặt trên mọi nẻo đường, tìm đến giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ
Dù phải đi bằng tay nhưng chị Dung luôn có mặt trên mọi nẻo đường, tìm đến giúp đỡ
những người cùng cảnh ngộ
 
Sinh năm 1969, ở tuổi 45 nhưng ở chị Dung (tên thật là Nguyễn Thị Mộng Lành) luôn hiện lên nét khỏe khoắn, trẻ trung. Ít ai biết rằng, trong 30 năm về trước người con gái nổi tiếng đẹp xinh ở xã đã từng nhốt mình trong nhà vì mặc cảm, tự ti khi số phận không cho chị đủ đôi chân. 
 
Chị kể, chị bị bại liệt bẩm sinh, và chưa một ngày tới trường. Ngày ngày nhìn ra song cửa sổ, chị ước mơ được đi nhiều nơi bằng chính sức lực của mình. Năm 2000, chị tham gia vào Hội Người khuyết tật Đơn Dương với hi vọng tìm được những người bạn đồng cảnh ngộ để có sự cảm thông, chia sẻ cho nhau. Từ đây, chị bắt đầu một cuộc sống mới xóa bỏ tự ti, tự tin, năng động hơn. Chị học đan len và nhận hàng về đan để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống cá nhân. “Một thân một mình, không chồng, không con cứ đan len hàng ngày mình cũng đủ sống, nhưng vậy chỉ đủ ấm thân mình mà chẳng thể giúp cho ai”. Và đó là lý do thúc đẩy những bước đi bằng tay của chị Dung bắt đầu rong ruổi trên mọi nẻo đường.
 
Ông Nguyễn Hữu Lộc – Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Đơn Dương cho biết: Trong những năm qua, một mình chị Dung đã lặn lội nhiều nơi xin các mạnh thường quân hỗ trợ cho hội hơn 40 xe lăn, xe lắc. Tay chị đã chống đi nhiều nơi trên địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ để xin đặt thùng từ thiện gây quỹ giúp đỡ anh em khuyết tật. Và rồi may mắn nhận được sự hỗ trợ từ Hội chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng, chị Dung đã thành lập tổ đan len gồm 21 người khyết tật. Chị không ngại ngần san sẻ những mối hàng vốn có của mình để giúp các em trong tổ có việc làm kiếm thêm thu nhập. 
 
Chị Dung tâm sự: “Sau gần 30 năm đầu cuộc đời, chán ngán trong tự ti u tối, tôi bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ được đi nhiều hơn nữa. Bắt đầu từ việc tập thể thao, rèn luyện sức khỏe, năm 2005 tôi đạt huy chương bạc môn cử tạ tại hội thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc. Những ngày tháng khổ luyện và tinh thần thể thao đã giúp tôi duy trì nghị lực để tiếp tục bước đi bằng đôi tay của mình”. 
 
Chị Dung đang kể cho cháu nghe về hai tấm huy chương trong bộ môn cử tạ mình đạt được
Chị Dung đang kể cho cháu nghe về hai tấm huy chương trong bộ môn cử tạ mình đạt được
 
Không chỉ tham gia việc xã hội, chị còn làm giỏi những công việc thường ngày. Trong căn nhà nhỏ ấy, mọi thứ đúng nghĩa như có bàn tay của người phụ nữ đảm đang vậy, tất cả mọi thứ đều bố trí, sắp đặt rất thấp, từ giường, bàn ghế cho tới bếp nấu ăn, bồn rửa mặt...  
 
Bà Đinh Thị Nga – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng, người luôn sát cánh  bên chị Dung và Hội Người khuyết tật Lâm Đồng đều đánh giá rằng: Mặc dù khiếm khuyết đôi chân nhưng đôi tay chị Dung vẫn bước đi không ngừng nghỉ. Những nơi chị đến luôn mang theo những hi vọng để mang về những sẻ chia cho người khuyết tật. 
 
 P. Nhân - N.Ngà