Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tin vui đến với ba người thợ tài năng, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức công nhận họ đạt danh hiệu nghệ nhân trong nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống là chạm khắc gỗ mỹ nghệ.
Lâm Đồng có rất nhiều nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống và cùng với đó là những người thợ cả tài hoa. Đã có 7 người được phong tặng danh nghệ nhân. Trong số đó, có ba nam nghệ nhân cùng được công nhận trong một ngành nghề: nghề chế tác gỗ mỹ nghệ. Họ chính là những bàn tay vàng trong làng chế tác gỗ mỹ nghệ của Lâm Đồng.
|
Nghệ nhân Lê Trọng Nghĩa đang chế tác gỗ |
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tin vui đến với ba người thợ tài năng, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức công nhận họ đạt danh hiệu nghệ nhân trong nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống là chạm khắc gỗ mỹ nghệ. Đó là nghệ nhân Lý Văn Thanh (xã Tân Hà, Lâm Hà), nghệ nhân Đỗ Duy Đạo (thị trấn Di Linh, Di Linh) và một nghệ nhân còn rất trẻ, anh Lê Trọng Nghĩa (xã Tân Văn, Lâm Hà). Cả ba nghệ nhân đều là những người đã có nhiều năm làm việc trong nghề, người ít nhất là Lê Trọng Nghĩa với 15 năm vừa học nghề, vừa làm việc, người giàu kinh nghiệm như ông Lý Văn Thanh với 40 năm gắn bó với nghề. Cả ba người đều là những thành viên tích cực, giữ vai trò quan trọng trong Hội Sinh vật cảnh nơi mình sinh sống. Tài nghệ của họ đều đã được khẳng định, được học trò, bạn trong nghề và cả khách hàng thừa nhận, đánh giá cao, là những người thợ tiêu biểu trong nghề nghiệp họ đã chọn. Và những tác phẩm của họ đã tham gia rất nhiều triển lãm, hội chợ khắp cả nước, cũng đạt rất nhiều giải thưởng, góp phần mang lại danh tiếng cho làng gỗ mỹ nghệ Lâm Đồng.
Không chỉ dừng lại ở những thành tích cá nhân, đóng góp của ba nghệ nhân còn là việc họ là những người thầy truyền nghề rất nhiệt tình cho học trò. Với ông Lý Văn Thanh, 40 năm trong nghề khiến số học trò ông đã từng truyền nghề là khá lớn. Nghệ nhân Đỗ Duy Đạo cũng thường xuyên nhận học trò là người địa phương và cả học trò tới từ những tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Thuận. Với Lê Trọng Nghĩa, tuổi trẻ, sự ham thích khám phá cũng thu hút một lượng lớn những bạn trẻ yêu thích nghề chế tác gỗ mỹ nghệ. Thành tích dạy học trò cũng là một trong những tiêu chí rất quan trọng trong việc xét công nhận danh hiệu nghệ nhân.
Với cả ba nghệ nhân, ba người thợ tài hoa trên, việc chế tác gỗ đã mang lại cho họ rất nhiều niềm vui và là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Như nghệ nhân Đỗ Duy Đạo, xuất phát ban đầu là một người chuyên sưu tầm đá cảnh, trong quá trình lặn lội dọc sông, dọc suối, anh nhận thấy rất nhiều khúc cây khô hình dáng đẹp. Qua thời gian mài mòn, những khúc gốc cây, rễ cây được tạo hình thành những sinh vật, những hình dạng kỳ thú. Và từ đó, anh mày mò học nghề và trở thành thợ chế tác. Điểm mạnh của anh là phối chế đá, gỗ hài hòa, anh thường sáng tạo những tác phẩm xen lẫn gỗ, đá, nhất là những sản phẩm nhỏ đặt trong nhà. Xưởng của anh thu hút hàng chục lao động tới học nghề và làm việc, giúp nhiều thanh niên có việc làm, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương. Tương tự như anh Đạo, xưởng của ông Lý Văn Thanh và người nghệ nhân trẻ Lê Trọng Nghĩa cũng thu hút nhiều lao động trẻ tại địa phương tới học và làm việc. Chính bởi vậy, uy tín của những người thợ cả trong nghề rất cao, được chấp nhận như một người thợ có tâm bên cạnh tài năng cá nhân.
Anh Trần Minh Nghiệm, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Lâm Đồng, đơn vị đầu mối trong việc công nhận nghệ nhân khẳng định, mỗi người thợ khi được công nhận nghệ nhân đều thật sự xứng đáng. Anh cho hay: “Quy trình xét nghệ nhân rất công phu và kỹ càng, không chỉ là hồ sơ mà chúng tôi đi tới tận nơi đánh giá công việc của họ, xem xét dư luận bà con và sự công nhận của chính quyền địa phương đối với sự đóng góp của họ. Bởi vậy, nhiều hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân, những người đạt được danh hiệu thì rất ít và mỗi nghệ nhân đó đều rất xứng đáng với danh hiệu đã trao”.
Nghề chế tác gỗ, một nghề thủ công truyền thống của Lâm Đồng được tôn vinh nhờ có sự góp sức của những nghệ nhân tài hoa. Và không chỉ dừng lại ở con số ba nghệ nhân, trong tương lai sẽ có thêm nhiều người thợ cả được công nhận, xứng đáng với đóng góp của họ cho cộng đồng và cho nghề nghiệp.
Diệp Quỳnh