Từ tháng 10/2013, các ngành chức năng của huyện Bảo Lâm đã tiến hành giao rừng cộng đồng cho dân cư thôn 4 (xã Lộc Phú). Lần này, có 9 hộ dân được giao hơn 220ha đất rừng tại tiểu khu 438A và 439 thuộc địa bàn xã Lộc Phú...
Hai năm trước đây, UBND tỉnh Lâm Đồng và huyện Bảo Lâm đã có quyết định giao rừng cho cộng đồng dân cư tại thôn 4 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm). Tuy nhiên, do có nhiều sai phạm về đối tượng nhận rừng cũng như việc quản lý, bảo vệ rừng (Báo Lâm Đồng đã có loạt bài phản ánh), nên quyết định này đã bị thu hồi. Sau đó, huyện Bảo Lâm tiếp tục tiến hành các bước để giao lại rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4. Đến nay, mọi thủ tục giao rừng đã cơ bản hoàn thành. Thế nhưng, theo phản ánh của rất nhiều người dân thì “rừng cộng đồng” vẫn chưa thực sự đến tay cộng đồng.
|
Nhiều diện tích đất rừng giao cho cộng đồng đã lên xanh cà phê |
Từ tháng 10/2013, các ngành chức năng của huyện Bảo Lâm đã tiến hành giao rừng cộng đồng cho dân cư thôn 4 (xã Lộc Phú). Lần này, có 9 hộ dân được giao hơn 220ha đất rừng tại tiểu khu 438A và 439 thuộc địa bàn xã Lộc Phú. Trong tổng diện tích này, gần 195ha đất có rừng, còn lại là đất không có rừng. Theo danh sách những hộ được nhận rừng, 2 “gương mặt” cũ của lần nhận rừng trước là ông Nguyễn Đức Dạo và ông Phạm Quang Thọ vẫn có tên trong danh sách, còn lại đều là người mới và là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo phản ánh của nhiều người dân, nếu như lần trước chủ yếu là con cháu của cán bộ xã Lộc Phú được nhận rừng cộng đồng, thì lần này “quyền ưu tiên” lại được chuyển giao cho nhiều cán bộ thôn. Bằng chứng là trong danh sách 9 hộ nhận rừng thì có đến 3 người là cán bộ thôn 4, gồm ông Phạm Quang Thọ - Trưởng Chi hội Cựu chiến binh; ông K’Minh – Bí thư Chi bộ và ông Hứa Văn Tặng – Trưởng thôn.
Ông Bùi Văn Sơn, người dân thôn 4, phản ánh: “Khi có chủ trương giao rừng cho cộng đồng, gia đình tôi và khoảng 80 hộ dân khác trong thôn đã có đơn đăng ký xin nhận rừng. Theo thông báo của xã thì rừng cộng đồng được ưu tiên giao cho đồng bào DTTS, hộ nghèo hoặc hộ có điều kiện về kinh tế để nhận và chăm sóc rừng. Với những tiêu chí đó, chúng tôi đều nằm trong diện được nhận rừng cộng đồng. Thế nhưng, sau nhiều lần chia tổ và họp dân thì đến nay chúng tôi đều bị gạt ra khỏi danh sách”. Còn theo ông Mẫn Văn Tách, Trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn 4, đến hiện tại, danh sách được nhận rừng cộng đồng gồm những ai, người dân chúng tôi cũng không biết được. Chỉ biết rằng trong danh sách này có những thành phần “cộm cán” của lần nhận rừng trước và được bổ sung thêm nhiều cán bộ của thôn.
Thành phần “cộm cán” mà người dân nhắc đến chính là ông Nguyễn Đức Dạo (con của một cán bộ UBND xã Lộc Phú). Chính ông Dạo là người đã lập danh sách nhận rừng cộng đồng lần trước (chủ yếu là người thân trong gia đình ông). Đến nay, ông Dạo vẫn được xem là Tổ trưởng Tổ nhận rừng cộng đồng. Nhiều người dân thắc mắc: Bản thân ông Dạo có nhiều sai phạm như vậy, sao vẫn được ưu ái nhận rừng cộng đồng. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Châu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, cho biết: “Ông Dạo và ông Thọ là những người đứng ra xin dự án rừng cộng đồng cho thôn 4, nên được ưu tiên nhận rừng. Danh sách còn lại đều được người dân họp bàn và thông qua, nên có thể khẳng định danh sách này hoàn toàn đúng đối tượng (!?)”. Trên thực tế, nhiều người dù có tên trong danh sách nhận rừng cộng đồng đã tự động rút lui, nên hiện số người thực nhận là rất ít. Trong khi đó, theo quy định thì mỗi hộ chỉ được nhận không quá 30 ha. Ông Châu khẳng định: “Xã sẽ phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri để rà soát lại danh sách này. Nếu đúng có nhiều đối tượng xin rút lui, thì sẽ thông báo cho thôn bình xét các hộ khác để bổ sung”.
Có một thực tế đáng buồn là chính trong giai đoạn nhùng nhằng của việc giao rừng cho cộng đồng, hàng chục ha rừng đã bị xâm hại, lấn chiếm để trồng cà phê. Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri, đã có 38ha rừng cộng đồng bị lấn chiếm và UBND huyện đã ra quyết định giải tỏa. Đến nay, diện tích giải tỏa đã thực hiện được 21ha. Diện tích còn lại do cây cà phê đã cho thu hoạch, nên phải xin ý kiến chỉ đạo rồi mới thực hiện tiếp. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực rừng cộng đồng vẫn đang nhức nhối. Hàng loạt cây thông đã bị đốn hạ và cưa xẻ tại chỗ. Một người dân đau xót thốt lên rằng: “Cứ với đà này, khi rừng cộng đồng đến tay người dân thì chẳng còn rừng đâu để mà bảo vệ!”. Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri, thừa nhận: “Khu vực giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn 4 rất phức tạp. Từ khi khu vực này được giao cho Công ty Mỹ Hồng thì rừng đã bị phá. Hiện tại, vẫn có hiện tượng khai thác gỗ tại khu vực này, nhưng chưa nắm rõ ý đồ để lấy gỗ hay lấy đất. Hiện, chúng tôi đang tiến hành giải tỏa diện tích đất bị lấn chiếm để bàn giao cho cộng đồng. Theo thông tin chúng tôi nắm được, số hộ thực nhận rừng cộng đồng hiện chỉ còn 3 – 4 hộ. Chúng tôi đang đợi báo cáo của cộng đồng nhận rừng, nếu đúng thực tế như vậy thì phải bổ sung thêm người”.
Theo quy định, sau khi giao rừng thì cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích đất có rừng (hưởng lợi theo mức chi trả dịch vụ môi trường rừng) và xây dựng phương án trồng rừng đối với diện tích đất trống. Đáng lưu ý là rừng cộng đồng tuyệt đối không được mua bán, sang nhượng hoặc cho, tặng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi thì có rất nhiều diện tích đất rừng đã “nghiễm nhiên” trở thành đất trồng cà phê và chính những người nhận rừng cộng đồng đã có dấu hiệu mua bán, sang nhượng trái phép. Ông Vương Khả Kim, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, khẳng định: “Trong quá trình giao nhận rừng, Tổ nhận rừng cộng đồng chưa quản lý tốt diện tích được giao. Do đó, nhiều diện tích đất rừng đã bị lấn chiếm và chính những người nhận rừng cộng đồng cũng đã sử dụng đất được bàn giao để trồng cây không đúng quy định. Tổ nhận rừng cộng đồng nhận giữ diện tích rừng rất lớn, nhưng đã không phối hợp với kiểm lâm địa bàn và huyện để quản lý, bảo vệ rừng. Huyện cũng đã nhận được đơn phản ánh của người dân và nắm bắt thông tin từ dư luận về việc mua bán đất rừng. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra lại vấn đề này. Nếu đúng là rừng cộng đồng bị mua bán hoặc trồng cây sai quy định, thì huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh kiên quyết thu hồi!”.
Hữu Sang