(LĐ online) - Ngày 19.4, theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S vừa ký Quyết định số 728 có nội dung ban hành "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng".
(LĐ online) - Ngày 19.4, theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S vừa ký Quyết định số 728 có nội dung ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Theo quyết định này, hai đơn vị có trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp là Sở NN-PTNT và Sở Y tế Lâm Đồng. Mục tiêu chung của kế hoạch đề ra là chủ động phát hiện, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm ra diện rộng nhằm bảo vệ và phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế và tính mạng của nhân dân.
Kế hoạch đề ra 4 tình huống để ứng phó:
Tình huống 1: Có sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1 và chưa xuất hiện dịch bệnh trong tỉnh nhưng đã xuất hiện dịch tại tỉnh lân cận và có nguy cơ lây lan cao vào tỉnh thì mục tiêu đặt ra là chủ động ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh từ tỉnh khác vào tỉnh, đồng thời sớm phát hiện và kịp thời xử lý khi dịch tái phát hoặc xâm nhập vào tỉnh. Cùng đó, các hoạt động cụ thể cũng đã được đề ra cho tình huống 1 là kiện toàn và củng cố hoạt động của ban phòng chống dịch các cấp; chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng chống lây nhiễm dịch bệnh vào tỉnh...
Tình huống 2: Xuất hiện các điểm dịch lẻ tẻ, rải rác tại một số cơ sở chăn nuôi trong tỉnh thì mục tiêu đặt ra là bao vây và xử lý dứt điểm các điểm dịch lẻ tẻ, không để xảy ra thành dịch. Các hoạt động cụ thể: Triển khai như tình huống 1 và thực hiện thêm việc truyền thông với liều lượng đúng mức, không để người dân hoang mang; vận động người dân chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch; khi có gia cầm ốm chết, phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương, tuyệt đối không được giấu dịch, không bán chạy, không vứt xác, không sử dụng gia cầm ốm chết...
Tình huống 3: Có dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và có nguy cơ lây lan ra diện rộng thì mục tiêu đặt ra là chủ động tổ chức chống dịch có hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm A sang người. Các hoạt động cụ thể: Triển khai các hoạt động theo tình huống 2 với tinh thần “Chống dịch như cứu hỏa”; đồng thời chú trọng tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo, tăng cường công tác truyền thông, tập trung nguồn lực để chống dịch, triển khai các hoạt động giám sát cúm A/H5N1 và H7N9 trên người tại các địa phương có dịch...
Tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc trong môi trường trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đặt ra là giảm thiểu nguy cơ vi rút nhân lên, phát tán rộng; ngăn ngừa vi rút lây sang người; tổ chức thực hiện tốt các giải pháp xử lý gia cầm, sản phẩm gia cầm, môi trường nhiễm vi rút cúm A/H7N9 theo quy định của Bộ NN-PTNT. Các hoạt động cụ thể: Triển khai các hoạt động theo tình huống 3 và thực hiện thêm các nội dung: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các sở ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo kế hoạch hành động phòng chống cúm gia cầm trên người của Sở Y tế; Sở NN-PTNT thành lập đội ứng phó nhanh trực tiếp xuống địa bàn có mẫu dương tính để hỗ trợ công tác dập dịch...
Khắc Dũng