Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, được đặt chân ngay trên mảnh đất anh hùng một thuở ấy, tôi cứ nghe ký ức xưa vọng về lẫn xen trong nhịp đời đổi thay từng giờ của con người nơi đây hôm nay.
Vùng đất tận cùng của tỉnh Lâm Đồng có tên hành chính là huyện Cát Tiên ấy xưa là một phần của chiến khu Đ. Cát Tiên trong lịch sử là Khu ủy khu VI và khu X. Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, được đặt chân ngay trên mảnh đất anh hùng một thuở ấy, tôi cứ nghe ký ức xưa vọng về lẫn xen trong nhịp đời đổi thay từng giờ của con người nơi đây hôm nay.
Từ Đà Lạt đến Cát Tiên xa những hai trăm cây số nhưng tôi và anh bạn đồng nghiệp chỉ mất khoảng hơn 5 tiếng đồng hồ đi xe máy. Trên đường đi, ngồi sau xe, tôi nói với bạn: “Cách nay khoảng 30 năm, từ Đà Lạt muốn đến Cát Tiên phải cả ngày trời đi (và cả đẩy) xe đò, giờ thì cứ gọi là... bon bon”.
|
Tham quan mô hình lúa nước của đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Nai Thượng |
Đất thép Đồng Nai Thượng
Buổi sáng hôm sau, ngồi ăn sáng với Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu (thường gọi là anh sáu Đẩu - gọi theo thứ của dân miền Trung), tôi hỏi anh nguồn gốc chữ “Đ”. Anh sáu Đẩu nói: “Có người bảo rằng đó là viết tắt của chiến khu miền Đông, chiến khu Đồng Nai, hoặc là chiến khu “đầu tiên”; cũng có người bảo đó là viết tắt của từ Đất Cuốc - nơi bộ đội của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ tập hợp lực lượng... Nhưng cũng có người giải thích rằng đó là từ “đỏ” mang hàm ý là một địa chỉ đỏ tập trung những cơ quan đầu não của cách mạng”. Nếu lật những trang sử hiện có thì chữ “Đ” này có nhiều chuyện để nói lắm. Thôi thì ở đây, tôi chỉ bàn “một phần” của nó là Cát Tiên thuộc khu VI kiên dũng xưa và đổi mới ngày nay vậy!
Vẫn theo anh sáu Đẩu: “Chiến khu Đ được xem vừa là biểu tượng của cuộc kháng chiến và vừa là biểu tượng của sức mạnh của quân và dân ta trên chiến trường Đông Nam Bộ, Nam Bộ và cả Tây Nguyên. Trong đó, quân và dân khu VI là một bộ phận quan trọng. Mà, trong hai cuộc kháng chiến, khi nói đến quân và dân khu VI, không thể không nói đến một bộ phận không thể tách rời đó là đồng bào dân tộc thiểu số Mạ và Stiêng ở vùng đất này. Với riêng huyện Cát Tiên, xã Đồng Nai Thượng cách trung tâm huyện khoảng gần 20km là vùng đất có tập trung người thiểu số sinh sống, là xã đã được phong tặng danh hiệu anh hùng”. Nói đến Đồng Nai Thượng, tôi nhớ đến những tên người như Điểu Đoi, Điểu Thị Lôi, Điểu Tư Lôi... và những tên đất như Bùla Luxiên, Bờđê, núi Chân Mây, buôn Đinh Tưng, Bù Jará, Bi Nao... Với những con người Stiêng và Mạ trên vùng đất ấy, ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, họ đã được khơi dậy tinh thần dân tộc để đứng lên đánh giặc, giữ buôn, giữ làng. Nằm trong địa bàn chiến lược quan trọng là chiến khu Đ và đường mòn Hồ Chí Minh, người dân bản địa và lực lượng kháng chiến ở Đồng Nai Thượng đã thực sự trở thành một khối đoàn kết, thống nhất. Lịch sử có ghi lại rằng kẻ địch nhận thấy vùng đất này thực sự là “đất thép” nên chúng tìm mọi cách để chiếm đóng, phong tỏa, cô lập... Nhưng thật kỳ diệu là với khối đại đoàn kết ấy, đất Đồng Nai Thượng của khu VI chưa một lần rơi vào tay địch trong suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Những du kích cựu trào
Tôi vượt quãng đường dài chỉ không đến 30km (nhưng vô cùng khó đi) từ trung tâm huyện Cát Tiên đến Phước Cát 2, tìm đến thôn 4, để gặp cụ K’Khen - người dân tộc Mạ, cựu du kích xã Tư, thuộc K29, tỉnh Phước Long cũ. Cụ K’Khen năm nay đã gần 80 tuổi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, và nói như cụ là “cái đầu của mình nó nhớ chứ không việc gì mình phải cố gắng nhớ cả”. Cụ K’Khen đang đan gùi ngay trước cửa nhà. Thấy có khách, ông cụ vội đứng lên pha trà, anh bạn Vũ Văn Tự - chuyên viên Phòng VHTT huyện Cát Tiên - đi cùng tôi ngăn lại: “Dạ, cụ cứ ngồi nguyên như vậy, để bọn cháu chụp mấy bức ảnh!”. Già làng và cũng là trưởng bản Nhinh Tơng (thôn 4, xã Phước Cát 2 ngày nay) tên là K’Khen ấy nở nụ cười rất hiền: “Cái này thì đan từ ngày này sang ngày khác ấy mà!”. Cụ bà pha nước sẵn. Xong mấy bức ảnh chụp, tôi và cả hai cụ cùng ngồi lại bàn trà. Câu chuyện buôn làng người Mạ, người Stiêng hơn 50 năm về trước hiện về trong đầu hai vợ chồng người già buôn Đinh Tơng như vừa mới xảy ra gần đây. Ấy là thời C200 của khu VI nhận nhiệm vụ của Trung ương Cục “xoi đường” để đón đoàn B90 từ miền Bắc vào mở hành lang chiến lược Bắc - Nam đi qua vùng đất tận cùng phía nam của tỉnh Lâm Đồng này. Ngày ấy, buôn làng người Mạ, người Stiêng nằm heo hút giữa rừng già. Cái ăn cái mặc còn thiếu thốn trăm bề nhưng chuyện gùi gạo vào rừng nuôi quân là chuyện cứ như là “không có gì phải suy nghĩ”, chuyện thanh niên trai tráng cả làng cả buôn cùng vào rừng huấn luyện cầm súng cứ như là chuyện đương nhiên vậy. Cụ K’Khen nói... nhẹ bẫng: “Hồi đó cái đường hành lang chiến lược Cát Tiên mình đón nhiều cán bộ cao cấp lắm chớ, như Võ Chí Công, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Nam Trung...”. Tôi hỏi cụ: “Chắc là cụ được tặng thưởng nhiều thứ bằng khen, giấy khen lắm?”. Già làng K’Khen: “Ôi, nhớ không hết đâu! Mình nhớ nhất là hai cái huân chương của tỉnh Bình Phước tặng, một cái huân chương nữa là hồi vùng đất này chuyển về tỉnh Lâm Đồng...”.
|
Già làng trưởng bản K’Khen ở thôn 4, Phước Cát 2 |
Trong bữa ăn sáng ngồi cùng anh sáu Đẩu, tôi tình cờ gặp lại chàng kỹ sư nông nghiệp Đào Duy Mai, hiện là Bí thư xã Đồng Nai Thượng của huyện Cát Tiên. Đồng Nai Thượng là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, và đặc biệt là xã đã được phong tặng danh hiệu anh hùng. Nghe tôi hỏi thăm một số nhân vật người Mạ, người Stiêng mà tôi từng quen biết ở xã Đồng Nai Thượng, trong đó có nhân vật Điểu Đoi, anh chàng bí thư xã còn khá trẻ này trở nên hào hứng: “Ông cụ năm nay đã 105 tuổi rồi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm, chỉ có “cái tai khó nghe” thôi! Cụ là một trong những già làng rất nhiệt tình trong việc vận động bà con dân tộc thiểu số ở Đồng Nai Thượng làm lúa nước theo chủ trương của huyện Cát Tiên đấy!”. Về chuyện lúa nước ở Đồng Nai Thượng, tôi xin được kể sau. Bây giờ, xin được nói chuyện về cụ Điểu Đoi trước đã. Trong cộng đồng người thiểu số ở huyện Cát Tiên, Điểu Đoi (người dân tộc Stiêng) là nhân vật khá nổi tiếng: Mấy chục năm về trước, ông Điểu Đoi là một trong những cựu du kích xã Năm (nay là xã Đồng Nai Thượng) giữa rừng già Nam Tây Nguyên có tấm lòng hướng về miền Bắc khi ông không hề biết miền Bắc là gì, hướng về Bác Hồ khi không hề biết vị lãnh tụ vĩ đại này là ai. Đến tận giờ, cụ Điểu Đoi vẫn còn giữ khá nhiều hiện vật kháng chiến. Và trong đó, với cụ, quý nhất là tấm ảnh Bác Hồ khi cụ được kết nạp vào Đảng. Tấm ảnh có khổ 13 x 18cm, giờ thì màu giấy đã ngả vàng nhưng màu mực in thì vẫn còn như gần nguyên vẹn nhờ bàn tay chăm chút cẩn thận từng tí một của người cựu du kích xã Năm từng một thời là “nỗi ám ảnh” của kẻ địch này.
Vĩ Thanh
Khu VI, vùng đất thuộc một phần của chiến khu Đ ngày trước, giờ đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Sau khi được công nhận, một dự án tu bổ di tích cũng đã được hình thành với tổng vốn 64 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích 48ha trải dài trên địa bàn các xã Phước Cát 2, Tiên Hoàng và Đức Phổ. “Đến nay, dự án gồm khá nhiều hạng mục như tượng đài, nhà lưu niệm, bia tưởng niệm và hơn 40 hạng mục thuộc Khu ủy khu VI và cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu VI này đã bắt đầu được khởi động. Hiện cuộc thi phác thảo mẫu tượng đài đang được Sở VH-TT-DL Lâm Đồng phát động và cho đến lúc này, vẫn chưa chọn được mẫu phác thảo “chuẩn” nhất”.
Bí thư Huyện ủy Huỳnh Văn Đẩu tiếp tục câu chuyện với tôi: “Với riêng đồng bào Đồng Nai Thượng, chiến lược lâu dài của lãnh đạo huyện Cát Tiên là làm thay đổi một phương thức sản xuất cho bà con. Và đây, vị kỹ sư nông nghiệp nguyên là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đào Duy Mai này là người nhận trọng trách của Huyện ủy lên “cắm” trên Đồng Nai Thượng giúp bà con làm lúa nước”. Tôi quay sang Mai: “Đến lúc này, bà con dân tộc thiểu số Đồng Nai Thượng trồng được mấy hecta rồi hả anh?”. Mai bảo: “Đã được 20ha rồi đó anh. Quan trọng là đến giờ, bà con đã tự giác làm chứ không phải cầm tay chỉ việc và gần như là hỗ trợ mọi thứ như những năm trước”. Tôi đùa nhưng thật: “Vậy có nghĩa là “nhiệm kỳ lúa nước” của anh sắp kết thúc một cách thành công!”. Tôi nghĩ bụng: Quả thực, cây lúa nước của đồng bào Mạ, đồng bào Stiêng ở Đồng Nai Thượng nếu thành công một cách thực sự cũng có nghĩa là Huyện ủy Cát Tiên, mà trong đó vị kỹ sư nông nghiệp Đào Duy Mai trực tiếp làm Bí thư xã đóng vai trò rất quan trọng, đã làm thay đổi một phương thức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cát Tiên nói riêng và rất có thể là của cả đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng nói chung”.
Và tôi lại nghĩ: Trả ơn đồng bào là phải trả ơn một cách trực tiếp như vậy chứ không nên hô hào suông!
Phóng sự: KHẮC DŨNG