Chiến thắng Điện Biên đã bước vào tuổi 60 cũng là thời gian người cựu binh trên chiến trường Điện Biên năm xưa vinh dự nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Mỗi độ tháng 5 về, ký ức một thời ra trận máu lửa như khúc tráng ca vẫn vang mãi trong trái tim của Đại tá Nguyễn Hữu Đàm.
Chiến thắng Điện Biên đã bước vào tuổi 60 cũng là thời gian người cựu binh trên chiến trường Điện Biên năm xưa vinh dự nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Mỗi độ tháng 5 về, ký ức một thời ra trận máu lửa như khúc tráng ca vẫn vang mãi trong trái tim của Đại tá Nguyễn Hữu Đàm.
|
Trong rất nhiều huân huy chương của đời binh nghiệp, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên là kỷ vật mà ông Đàm trân quý nhất |
Những giây phút không thể nào quên
Ở tuổi 85 nhưng người lính thông tin năm xưa vẫn còn rất tinh anh, mỗi kỷ niệm về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn được ông cất giữ nguyên vẹn trong trí nhớ. Trong căn nhà nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt (Tp. Đà Lạt), ông Đàm say sưa kể về những ngày tháng lịch sử cách đây 60 năm, khi cả nước hướng về Tây Bắc.
Ký ức Điện Biên của người Tiểu đội trưởng thông tin trong chiến dịch Điện Biên ấy luôn bắt đầu bằng niềm tự hào vô bờ bến bởi được kết nạp Đảng và giao nhiệm vụ Tiểu đội phó rồi Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin ngay trên đường hành quân lên chiến dịch Điện Biên. Trở thành đảng viên, lời thề trước lá cờ Tổ quốc và lời nhắc nhở của chính trị viên đại đội “Dù thế nào cũng nhất định không để gián đoạn thông tin liên lạc” vẫn luôn là phương châm chiến đấu của chiến sĩ Nguyễn Hữu Đàm năm ấy. Trong muôn vàn những kỷ niệm trên chiến trường Điện Biên, những gì diễn ra trong đêm mồng 6, rạng ngày mồng 7/5/1954 vẫn hiện lên trong trí nhớ ông Đàm rõ như mới ngày hôm qua.
Nhận nhiệm vụ đảm bảo hỗ trợ thông tin cho Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 đánh vào đồi D1 trong điều kiện rất khẩn trương và khó khăn trên địa hình hết sức phức tạp, tiểu đội thông tin phải lần theo giao thông hào để bảo đảm thông tin từ cửa mở xuống tới chỉ huy tiểu đoàn và liên lạc với sư đoàn. Mặc dù trước đó Tiểu đội thông tin đã dùng biện pháp chôn dây ở dưới lòng hào, nhưng khi bộ binh ta dồn lên theo giao thông hào thì toàn bộ đường dây thông tin bị địch bắn phá đứt làm nhiều đoạn, không thể cứu chữa được. Để đảm bảo thông tin, không còn cách nào khác ngoài kéo một đường dây mới từ trên mặt đất, thoát ly công sự. Trước tình hình ấy, người Tiểu đội trưởng Tiểu đội thông tin động viên anh em chỉ còn cách chạy trần trên mặt đất, mới kéo dây máy xuống để đảm bảo thông tin phục vụ chiến đấu. Ông Đàm đã cùng 11 đồng chí còn lại trong tiểu đội băng mình giữa làn đạn để kéo đường dây mới dài 500m khi địch từ trên cao vẫn bắn đạn xuống xối xả, ông Đàm kể.
Đôi mắt của người lính già mờ đi, có lẽ 60 năm qua giây phút quyết định nối liền mạch máu thông tin ấy vẫn in đậm trong tâm can đại tá Nguyễn Hữu Đàm. “Kéo được đường dây mới, anh em chúng tôi mừng hơn chết đi sống lại, mọi người nhìn nhau mồ hôi lẫn nước mắt chảy dài, chưa kịp lấy lại nhịp thở lại tiếp tục vừa thông tin vừa chiến đấu”, ông Đàm xúc động.
Giản dị giữa đời thường
Qua thời chinh chiến, ông Nguyễn Hữu Đàm về công tác tại Học viện Lục quân. Những câu chuyện về Điện Biên Phủ, tinh thần chiến đấu của quân và nhân dân ta vẫn được ông nhắc lại thường xuyên, nhất là trong thời gian làm Hệ trưởng Hệ đào tạo quốc tế tại học viện. Còn đối với ba người con của ông Đàm, những câu chuyện, những ký ức sinh tử của cha và đồng đội trên mảnh đất Điện Biên đã trở thành chuyện cổ tích của tuổi thơ, đồng thời cũng nhen nhóm lên ước mơ để cả ba anh em đều công tác trong lực lượng vũ trang.
Trở về với cuộc sống đời thường, không chỉ vui thú điền viên bên con cháu ông Đàm còn tham gia nhiệt tình các hoạt động ở địa phương. Ông từng là thành viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi phường 9, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố Chi Lăng… Những năm trước, cùng với chiếc xe đạp cũ ông cũng thường đến thăm hỏi, động viên những gia đình cựu chiến binh, thương binh gặp khó khăn trên địa bàn phường. Ông luôn hết lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các cựu chiến binh.
Ông Trần Quốc Hoài - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 9 cho biết: Ông Đàm là người anh, người đồng chí nhiệt tình của tất cả hội viên. Trong bất cứ cuộc họp nào của chi hội, ông Đàm vẫn tới tham dự đầy đủ để cùng anh em đồng chí ôn lại những kỷ niệm xưa.
Giờ đây, khi đã rời xa chiến trường Điện Biên Phủ 60 năm, Đại tá Nguyễn Hữu Đàm vẫn luôn tự hào về cuộc đời binh lửa của mình và đồng đội. Những kỷ vật chiến trường, những huy chương, huy hiệu được ông gìn giữ trân quý như báu vật. Đối với ông quá khứ vẫn luôn là tấm gương trong để ông soi chiếu những năm tháng trong cuộc đời mình và làm bài học giáo dục cho con cháu trưởng thành. Những giọt mồ hôi lẫn nước mắt giữa trận chiến năm xưa nay đã biến thành nụ cười. Nụ cười chiến thắng vẹn nguyên sau 60 năm.
Ngọc Ngà