"Xây dựng xã hội học tập" là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước (ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020"). Sau hơn một năm thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020", huyện Đạ Huoai đã gặt hái được những thành quả đáng trân trọng.
“Xây dựng xã hội học tập” là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước (ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”). Sau hơn một năm thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, huyện Đạ Huoai đã gặt hái được những thành quả đáng trân trọng.
Ngay sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, Đạ Huoai đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo và ban này bắt tay ngay vào việc giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của huyện và UBND các xã và thị trấn triển khai thực hiện những công việc cần thiết như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập; cung cấp các tài liệu cho các trung tâm học tập cộng đồng; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho báo cáo viên và cán bộ quản lý thuộc các trung tâm học tập cộng đồng...
Kết quả đáng ghi nhận nhất của Đạ Huoai qua hơn một năm triển khai thực hiện xây dựng xã hội học tập đó là kết quả về xóa mù và phổ cập giáo dục. Về công tác này, đối với những người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi, Phòng Giáo dục huyện đã mở được 7 lớp xóa mù chữ tại địa bàn các xã Phước Lộc, Đạ Ploa và Đoàn Kết với 133 học viên theo học; và mở 1 lớp giáo dục tiếp tục (sau khi xóa mù) tại địa bàn xã Phước Lộc với 30 học viên theo học. Nhờ đó, đến lúc này, số người trong độ tuổi từ 15 - 60 ở Đạ Huoai biết chữ đạt tỷ lệ 94,56%. Đối với những người trong độ tuổi 15 - 35, nhờ làm tốt công tác xóa mù và giáo dục tiếp tục cùng với công tác phổ cập giáo dục nên đến nay, ở Đạ Huoai, số người trong độ tuổi này biết chữ đạt 99,57%. Bên cạnh đó, Đạ Huoai cũng đã hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở với kết quả cụ thể: Hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2012; đến nay có 9/10 xã và thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Năm 2004, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đến nay được công nhận duy trì tốt tỷ lệ đúng độ tuổi ở 10/10 xã và thị trấn. Đến năm 2007, Đạ Huoai tiếp tục hoàn thành phổ cập trung học cơ sở và tiếp tục được duy trì cho đến lúc này ở 10/10 xã và thị trấn.
Cũng nhờ triển khai tốt chương trình xã hội học tập, đến nay, Đạ Huoai đã có 60% cán bộ, công chức, viên chức và thành viên các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể có trình độ tin học từ chứng chỉ A trở lên. Cùng đó, 15% cán bộ của huyện Đạ Huoai hiện đã có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 3% có trình độ ngoại ngữ bậc 3. Về kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tay nghề: Đối với công chức cấp huyện, đến nay đã có 95% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định; huyện đã cử 3 công chức tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước - chương trình chuyên viên chính, 1 công chức đi học lớp đại học luật, 3 công chức tham gia học lớp kiến thức quốc phòng; 90% cán bộ công chức giữ các chức vụ lãnh đạo và quản lý đã được đào tạo và bồi dưỡng theo chương trình quy định; 80% cán bộ công chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm. Đối với công chức cấp xã: 90% được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; hiện đã có 95,74% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định, 59,4% cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định... Đối với lao động nông thôn, trong hơn một năm qua, Đạ Huoai đã tổ chức cho khoảng 400 lượt người tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, cơ chế huy động nguồn lực và quản lý tài chính ngân sách, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản... Cùng đó, huyện cũng đã tổ chức tập huấn và đào tạo nghề cho nông dân với 9 lớp ngành nghề nông thôn (250 học viên), 45 lớp tập huấn kỹ thuật trên cây trồng (1.607 lượt người tham gia)...
Tuy đạt được những thành quả rất đáng kể nhưng việc xây dựng xã hội học tập đối với huyện vùng sâu trong năm 2014 này và nhiều năm tới vẫn còn nhiều vấn đề cần sự tập trung lãnh đạo và chỉ đạo của cấp trên và sự nhập cuộc của toàn thể cán bộ công chức và nhân dân trong huyện.
THI HOÀNG