Cuộc thi viết Tìm hiểu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Âm vang Điện Biên" đã khép lại, 32 giải thưởng (20 giải cá nhân, 12 giải tập thể) đã được trao cho người xứng đáng bằng một buổi lễ trang trọng diễn ra vào đúng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/2014.
Cuộc thi viết Tìm hiểu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Âm vang Điện Biên” đã khép lại, 32 giải thưởng (20 giải cá nhân, 12 giải tập thể) đã được trao cho người xứng đáng bằng một buổi lễ trang trọng diễn ra vào đúng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/2014.
|
Trao giải nhất cá nhân cho chị Dương Thị Thanh Nga (PX16 - Công an Lâm Đồng) |
Thành công lớn của cuộc thi là sự quan tâm, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, CBCC-VC trong toàn tỉnh; nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên - những người trẻ tuổi. Chỉ sau 6 tháng phát động (từ ngày 20/9/2013 đến hết ngày 31/3/2014), Ban Tổ chức (BTC) đã nhận được 19.768 bài dự thi của 157 đơn vị và 26 cá nhân tham gia; trong đó, khối giáo dục có 17.189 bài của 138 trường thuộc 11 huyện - thành phố; khối Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 2.553 bài của 19 Huyện Đoàn, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc Tỉnh Đoàn.
Số lượng bài dự thi của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông khá đông, nhất là huyện Đức Trọng đã có 55 trường tham gia với 3.519 bài, trong đó có Trường THCS Nguyễn Trãi 100% học sinh và giáo viên tham gia. Một số trường khác như: THCS Quang Trung thành phố Bảo Lộc với 1.732 bài; THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt 1.109 bài, THPT Di Linh 1.233 bài; THPT Lê Hồng Phong - Di Linh 1.030 bài… Công an tỉnh Lâm Đồng với 149 bài tham gia, đã có 59 bài chất lượng khá cao, được vào vòng trong.
Một số trường học như Tiểu học Đạ Ploa, Tiểu học Đạm Bri, Hà Lâm huyện Đạ Huoai, THPT Di Linh, Dân tộc nội trú Di Linh đã phát động toàn thể các em trong trường tham gia, tất cả các bài thi đều được các em viết bằng tay. Điều đó chứng tỏ một sự nghiêm túc của thế hệ trẻ trong việc dự thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử dân tộc. Hai trường hợp dự thi khá đặc biệt là: Người dự thi cao tuổi nhất - bác Trần Như Nghi ở xã Nam Hà - huyện Lâm Hà (68 tuổi) và người dự thi nhỏ tuổi nhất - em Nguyễn Quang Tuệ, học sinh lớp 5A8 - Trường Tiểu học Lê Quý Đôn - Đà Lạt (11 tuổi) đạt được kết quả khá tốt (giải khuyến khích).
Một số bài được đầu tư khá công phu về nội dung lẫn hình thức như bài thi của chị Dương Thị Thanh Nga (PX16 - Công an tỉnh), anh Lê Văn Thái (Viễn thông Lâm Đồng), chị Nguyễn Thị Khánh Linh (Sở Xây dựng), anh Nguyễn Văn Dũng (Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng), anh Trần Lưu Tuấn Lâm (PA81 - Công an tỉnh Lâm Đồng) và chị Lê Thị Hiền Trâm (PX16 - Công an tỉnh). Đây là những bài dự thi đạt giải thưởng cao. Ngoài việc trình bày đầy đủ các nội dung về Chiến dịch Điện Biên Phủ, chủ trương của Đảng và sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bài viết còn có cảm nhận sâu sắc, xác định rõ trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.
Gây bất ngờ tại cuộc thi là bài dự thi đồ sộ, công phu của anh Nguyễn Văn Dũng (26 tuổi, cán bộ thư ký - Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng). Bài thi dày đến 906 trang in trên một mặt giấy A4, được đóng thành cuốn sách nặng đến 3kg. Là cử nhân luật, tốt nghiệp Đại học Vinh, từ hơn 1 năm nay, anh Dũng về công tác tại Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Với niềm đam mê sử học, ham đọc sách lịch sử từ thời còn là học sinh, anh Dũng đã từng nuôi mơ ước trở thành thầy giáo dạy sử, để truyền đạt cho thế hệ đi sau mình những trận đánh, trận thắng oai hùng của cha ông. Đặc biệt, Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp đã trở thành niềm tự hào, là tình cảm thiêng liêng và có một vị trí lớn trong lòng anh. Đọc cả chục ngàn trang sách, cộng thêm kiến thức lịch sử tích lũy được trong một thời gian dài đã được anh Dũng thực hiện tổng hợp, thống kê logic thành bài dự thi. Để thực hiện bài thi, anh đã miệt mài suốt 4 tháng ròng, dành tâm huyết, công sức, quên ăn quên ngủ. Bên cạnh nội dung về Chiến dịch Điện Biên Phủ, bài dự thi của anh Dũng còn cung cấp nhiều tư liệu quý mà anh đọc được, đề cập đến nhiều vấn đề liên quan… Nhưng chính điều này lại làm nội dung bài thi trở nên dàn trải, thiếu trọng tâm, ảnh hưởng đến tiêu chí và chất lượng trong khuôn khổ yêu cầu của một bài thi nên bài dự thi chỉ đạt giải ba.
Quá trình chấm giải diễn ra công bằng, minh bạch qua 3 vòng: vòng loại đã chọn được 693 bài/tổng số 19.798 bài vào vòng sơ khảo; vòng sơ khảo đã chọn được 355 bài/693 bài; vòng chung khảo tiếp tục loại 62 bài vì sao chép câu 1, 2 hoặc câu 3. Còn lại 293 bài được chấm theo thang điểm đã quy định. Kết thúc cuộc thi, ban giám khảo chọn được 30 bài có điểm cao nhất để chấm tập thể và xếp loại giải thưởng với 12 giải tập thể, 20 giải cá nhân.
Tại lễ trao giải, đồng chí Phan Văn Phấn - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu: “Ghi nhận lớn nhất là cuộc thi viết tìm hiểu về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, trường học, Đoàn TNCS HCM trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta. Hiểu về lịch sử càng làm cho ta nâng niu quá khứ, trân trọng lớp người đi trước đã hy sinh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Qua cuộc thi, càng thấy rằng chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành di sản tinh thần quý báu, mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân làm nên những kỳ tích mới trong thời đại mới”.
THÁI AN