Làm theo lời Bác, sản xuất giỏi, sống "tốt đời, đẹp đạo"

04:05, 28/05/2014

Là người có đạo, vợ chồng anh Nguyễn Đăng Trung (SN 1968) - chị Trần Thị Mỹ Dung (SN 1970) ở xã Lộc Phát, TP Bảo Lộc không chỉ biết yêu thương, chung thủy, sống tốt đạo, mà còn biết làm theo lời Bác "sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng cho bản thân và quê hương, sống đẹp đời".

Là người có đạo, vợ chồng anh Nguyễn Đăng Trung (SN 1968) - chị Trần Thị Mỹ Dung (SN 1970) ở xã Lộc Phát, TP Bảo Lộc không chỉ biết yêu thương, chung thủy, sống tốt đạo, mà còn biết làm theo lời Bác “sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng cho bản thân và quê hương, sống đẹp đời”. Vì vậy, từ nhiều năm nay, gia đình anh chị là gương sáng trong cộng đồng giáo dân trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Tuy nhà ở xã Lộc Phát, TP Bảo Lộc, nhưng trong thực tế vợ chồng anh Trung, chị Dung thuộc diện “một cảnh hai quê”, bởi sau khi lập gia đình, vợ chồng anh chị vào thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm lập nghiệp, nên những năm sau này đều phải “ngày trang trại, chiều tối tại nhà”. Theo dòng ký ức của chị Dung, chúng tôi hình dung được sự gian nan, vất vả mà đôi vợ chồng trẻ đã trải qua trên vùng đất Tiền Yên hoang sơ, vắng vẻ khi ngày đầu vào đây lập nghiệp. Theo lời kể của chị, lúc bấy giờ, Tiền Yên được xem là vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lộc, cả thôn chỉ rải rác vài ba hộ làm nhà, dựng chòi sản xuất, đêm ngủ vẫn còn cảm giác sợ hãi bởi sự tĩnh mịch của rừng núi âm u. Nhưng vì hoàn cảnh ở quê cũ đất hẹp, người đông, vợ chồng hai bàn tay trắng, anh chị quyết định vào Tiền Yên bám trụ sản xuất để thoát nghèo, vươn lên hội nhập với sự phát triển chung của xã hội. Buổi đầu, hai vợ chồng “cơm đùm, nước lọ”, chịu kham, chịu khổ, chồng cuốc đất phát rẫy, vợ dọn đốt đồi hoang, cỏ dại với ý chí “bắt đất phải nở hoa”. Cứ thế, ngày này, qua tháng nọ, mồ hôi của hai vợ chồng thấm đẫm cả một vùng hoang sơ, để rồi từng luống hoa màu, đậu đỗ xanh tươi, xen với vườn dâu, vườn chè mướt lá, vườn cà phê trĩu quả theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài” không ngừng được mở rộng. Niềm vui mang lại cho vợ chồng anh chị là đất không phụ lòng người, từ những thành quả của mồ hôi công sức đổ ra trên luống hoa màu, đậu đỗ, vườn chè, cà phê, nương dâu, nong tằm sợi kén, đã giúp anh chị không những trang trải được cuộc sống gia đình, lo cho các con ăn học, mà còn tích lũy được vốn để mua thêm đất vườn của người dân trong thôn, tiến hành cải tạo, xây dựng mô hình trang trại với diện tích 12ha. Khi đã định hình được mô hình trang trại, vợ chồng anh Trung, chị Dung tiến hành định hình cơ cấu cây trồng dựa trên lợi thế về đất đai, khí hậu và hiệu quả kinh tế mang lại. Theo đó, ngoài phần lớn diện tích dành cho cây cà phê, anh chị dành một phần để làm vườn ươm cây giống, trồng tiêu và đào ao thả cá. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, trên diện tích cà phê, vợ chồng anh chị đã trồng xen trên 2.000 cây bơ ghép đầu dòng 034, 036 được tuyển chọn từ những giống bơ mẹ chất lượng cao tại địa phương. Ngoài ưu thế về cây giống, diện tích cà phê, bơ ghép của gia đình anh Trung, chị Dung được chăm sóc kỹ lưỡng, đúng kỹ thuật khoa học, nên phát triển rất tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Đối với cà phê, trong lúc người dân trong vùng chỉ đạt năng suất bình quân 5,5-6 tấn/ha, thì tại vườn của anh chị đạt bình quân 6-7 tấn/ha, có nơi, có vụ còn đạt tới 9 tấn/ha, mang lại doanh thu hàng năm khoảng 2,8 tỷ đồng. Đặc biệt, với hai giống bơ ghép 034, 036 cho thu hoạch từ 2-3 lứa/năm, hàng năm sản lượng bơ của gia đình anh Trung, chị Dung đạt khoảng 70 tấn và với giá bán hiện nay 35.000 đồng/kg tại vườn, 40.000 đồng/kg ngoài thị trường, thu nhập từ cây bơ của anh chị đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.
 
Ngoài ra, từ việc bán mầm ghép, cây giống cà phê TR4, TR9, TR11, TS4 (khoảng 100.000 cây/năm), bơ ghép 034, 036 (khoảng 40.000 cây/năm) cũng mang lại thu nhập cho gia đình anh Trung, chị Dung trên dưới 400 triệu đồng. Cùng với đó, diện tích cây hồ tiêu cũng mang lại thu nhập hàng năm cho gia đình anh chị vài ba chục triệu đồng. Với nguồn thu nhập trên, vợ chồng anh Trung, chị Dung trở thành tỷ phú nhà nông mà nhiều người “nằm mơ” cũng không được. Điều đặc biệt hơn, trang trại Trung Hiếu của vợ chồng anh chị đã được cấp giấy chứng nhận, trở thành một thương hiệu lớn, có uy tín trong ngành sản xuất nông nghiệp ở tỉnh và khu vực. Bản thân anh chị được công nhận nông dân SXKD giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen.
 
Cũng như nhiều người có đạo khác, vợ chồng anh Trung, chị Dung đã noi gương “sống tốt đời, đẹp đạo”. Mặt khác, nghe theo tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, anh chị chăm chỉ làm ăn, khuyên dạy con cái chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và điều quan trọng nữa là, biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ cộng đồng, để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương, đất nước không ngừng giàu đẹp. Trên tinh thần đó, không những anh Trung, chị Dung hết lòng cưu mang, giúp đỡ cho 10 lao động thường xuyên (trên 30 lao thời vụ) có công ăn việc làm ổn định tại trang trại với thu nhập cao trên 4 triệu đồng/tháng, có nơi ăn, chốn nghỉ đàng hoàng, mà còn giúp đỡ, hỗ trợ người dân quanh vùng về kỹ thuật, cây giống bơ, cà phê, kể cả cho mượn vốn làm ăn. Ngoài ra, anh chị còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội khác như tặng quà cho người nghèo, ủng hộ các loại quỹ do chính quyền địa phương phát động.
 
Nói về vấn đề này, chị Trần Thị Mỹ Dung chân tình, cởi mở “Không chỉ học theo lời Bác Hồ dạy “Sống tốt đời, đẹp đạo”, mà vợ chồng tôi còn nghĩ đơn giản là: Mình sống làm sao để lại cái đức cho đời sau, với lại ông bà đã dạy: Cho cái nào thì nhận về cái đó, cớ sao mình không sống cho đẹp, không mang hạnh phúc đến cho mọi người!”.
 
HOÀNG KIẾN GIANG